Bên bờ hạnh phúc

Ở xóm Cầu Xáng, thuộc xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hình ảnh người bà lụm cụm với mái tóc bạc phơ, ngày ngày vẫn bó từng cọng rau đem bán ngoài chợ xã đã không còn xa lạ với người dân nơi đây. Và cứ thế, ngày nào không thấy bóng bà với ít mớ rau răm, rau ngò bỏ mối cho những bạn hàng, người ta lại thấy nhớ và lo, không biết bà có đau ốm gì không.

Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 330: Bà Nguyễn Thị Huệ

Bước qua con dốc bên kia cuộc đời rồi ngoảnh nhìn lại 40 năm nhọc nhằn thay chồng nuôi 4 người con, trong tâm tư bà Huệ luôn nghĩ, hạnh phúc đơn giản chỉ là mỗi ngày có hai bữa cơm no, con cháu khỏe mạnh, đủ đầy và những đứa trẻ trong nhà được học hành đến nơi đến chốn… Vậy mà sau mấy mươi năm vun vén, những điều bình dị ấy, người bà, người mẹ này vẫn chưa thực hiện được trước cảnh gia đình ly tán, con rể qua đời, con gái bỏ đi để lại cho bà 2 đứa cháu thơ trong cảnh nhà thiếu trước hụt sau.

“Mồ côi khổ lắm ai ơi”. Hai đứa trẻ cút côi mà chúng tôi nhắc đến là Tự và Bửu. Cha các em qua đời cách đây hơn 7 năm vì đột quỵ, chưa kịp quen với những mất mát đầu đời khi không còn người thân bên cạnh, hơn 1 năm sau đó, mẹ các em cũng từ giã mái nhà yêu thương, khăn gói lên tận Bình Dương làm thuê để có thể nguôi ngoai nỗi đau trong lòng.

Ở cái tuổi gần 80, bà Huệ vẫn chưa thể an nhàn bởi bà còn nặng gánh chăm sóc cho 2 đứa cháu

Hai cậu con trai ngày ấy – đứa lên 8, đứa lên 9 trở thành trẻ mồ côi, chỉ còn bà ngoại là người thân bảo ban chăm sóc. Kể từ ngày đó, các em bắt đầu cuộc sống tự lập, biết bươi quào kiếm mớ rau, con cá cho bữa cơm mỗi khi đói lòng, và cũng từ đó biết sống trách nhiệm với gia đình và bản thân.

Cái nghèo, cái khó khiến cho Tự và Bửu dường như lầm lủi ít nói hơn vì những mặc cảm tủi buồn. Không tủi sao được khi ngày đi học mà trong túi chỉ có vài ba ngàn đồng đủ uống ly nước đá, không buồn sao được khi thấy các bạn cùng trường có cha mẹ đón đưa, và càng xót xa hơn khi chứng kiến những vất vả nhọc nhằn chất nặng lên vai người bà vẫn ngày ngày quẩn quanh với nỗi lo cơm áo.

Thương ngoại, rồi lại thương mình, từ sâu trong những suy nghĩ của hai đứa trẻ mới lớn, dường như chỉ có con đường học tập mới mở ra một chân trời mơ ước ngày mai. Từng con cá, con ốc bắt được nơi đồng sâu nắng cháy là thêm một cơ hội được chắt chiu cho buổi đến trường có thêm quyển tập, cây viết mới, và hơn thế nữa, tấm lưng của bà sẽ bớt còng thêm vì bao ngày vất vả, lo toan…

Được dựng lên từ những ngày đất nước còn chiến tranh loạn lạc, ngôi nhà hơn 50 năm tuổi này là của hồi môn mà cha bà Huệ dành cho con gái lúc mới lập gia đình. Một nửa thế kỉ trôi qua, thời gian dường như đã đủ dài để bào mòn những chiếc cột kèo chưa một lần được thay mới. Trong căn nhà dột nát, chỗ lành lặn nhất có lẽ là nơi được bà Huệ che chắn bằng những tấm nilon bạc màu để chỗ ngủ của hai đứa cháu nhỏ được tươm tất hơn. Rồi cứ mỗi mùa mưa trôi qua là nỗi lo lắng của 3 bà cháu lại nhiều thêm khi nhìn những bọc nước đọng trên đầu, từng mảng gỗ bị mối mọt đục khoét chắp nối tạm bợ vào nhau chẳng đủ để tránh mưa tạt gió lùa.

Ba bà cháu quây quần bên bữa cơm đạm bạc với chút cá, tép mà 2 cháu bắt được sau giờ học

Cũng chính dưới mái nhà này, bà Huệ đã phải bao lần nuốt nước mắt vào lòng khi chứng kiến những chia ly và mất mát. Cha mẹ bà qua đời chưa được bao lâu, thì chồng bà – cha của các con bà cũng vĩnh viễn ra đi vì bom đạn. Tuổi già những tưởng tìm được chút an yên bên cháu con thì cách đây 7 năm người con rể mà bà dành tình thương như máu mủ ruột rà cũng chẳng may qua đời vì bệnh tật. Thắp nén nhang cho con, bà lại tự nhắc nhở mình phải tiếp tục cố gắng vì tương lai của 2 cháu nhỏ chẳng còn ai là chỗ tựa nương.

Vậy là suốt 7 năm qua từ ngày cha mất, mẹ đi xa, bên cạnh hai cậu học trò nhỏ chỉ còn người bà hiền từ, tảo tần chăm lo cho các cháu. Tay phải làm cha, tay trái làm mẹ, năm tháng nhọc nhằn vẫn chưa vơi bớt trên mái tóc bạc phơ từng ngày, vậy nhưng với bà, đó là niềm hạnh phúc khi mỗi mùa tựu trường, bà còn có thể chăm chút cho các cháu của mình từng quyển tập, cuốn sách, và vui hơn khi các cháu đạt được điểm tốt.

Gác lại bài toán áo cơm nhọc nhằn và cả những trăn trở không yên về con đường tương lai còn nhiều trắc trở, bà Huệ lại tự dặn lòng phải cố sức chèo chống gia đình, dồn hết tình thương ở cuối đời để vun đắp cho hai đứa cháu. Bao năm ròng rã trôi đi, 1 ngày của bà lại bắt đầu bằng niềm tin vào những đổi thay trong cuộc sống, bằng đôi tay tẩn mẩn hái từng cọng rau đem bỏ mối ngoài chợ. Tình thương bao năm qua bà dành cho cháu mình như ngọn lửa ấm áp xua tan đi bao nỗi đau và sự trống vắng khi không có được tình thương của mẹ cha.

Bước vào lớp 9, thành tích học tập tuy không cao do điều kiện học tập quá đỗi khó khăn, thế nhưng chưa bao giờ Bửu từ bỏ ước mơ vươn lên của mình. Mùa lúa đi qua trên vùng quê Hậu Giang nắng gió, bà con xóm giềng lại thấy em đầu trần chân đất, 1 tay cầm kéo, 1 tay cầm bao lặn lội đi cắt từng bông lúa rài mọc hoang trên ruộng về làm nguồn thức ăn cho bầy vịt ở nhà.

Mái tóc cháy vàng vì nắng, đôi chân, đôi tay thô ráp chai sần vì bùn đất ở tuổi thiếu niên như minh chứng cho tuổi thơ vất vả nhưng đầy nghị lực sống của hai anh em Tự và Bửu. Thương bà, thương em, Tự lại cố gắng sắp xếp thời gian sau những buổi tan trường để nhận làm cỏ thuê hoặc đi bắt ốc đổi gạo. Năm ba ngàn đồng kiếm được, dường như cũng trở thành động lực cho em bước tiếp để con đường đến trường không phải dở dang.

Cơ hội thay đổi cuộc đời không từ bỏ những ai biết vươn lên trước nghịch cảnh và luôn bền lòng với tất cả ý chí quyết tâm thực hiện mơ ước của mình. Bên bầy vịt con con dành dụm mua được, cậu học trò nghèo vẫn tin tưởng vào 1 ngày mai cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn từ chính việc làm nhỏ hôm nay của mình. Và những bữa cơm nghèo vẫn đầy ắp tiếng cười và ấm áp yêu thương, mong rằng từ đây, trang đời mới sẽ mở ra cho 3 mảnh đời đã nếm trải nhiều cơ cực. 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Bà Nguyễn Thị Huệ, ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Phương Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *