Bên bờ hạnh phúc

Qua chuyến phà của vùng quê xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi khá dễ dàng tìm đến nhà của em Lê Thị Bảo Trân, học sinh lớp 12, trường THPT Ngọc Tố vì nhà em nằm cạnh ngôi trường tiểu học của xã. Thế nhưng, khác với không khí tươi vui, có lúc sôi động của trường học, ngôi nhà của hai chị em Bảo Trân trống trải, quạnh hiu vì đã lâu rồi không có sự chăm lo, coi sóc của người cha, người mẹ.

Video clip chương trình Thắp sáng niềm tin – Kỳ 310: Em Lê Thị Bảo Trân

Trong nhà, chỉ có một chiếc giường ọp ẹp, góc bếp đơn sơ và cái bàn học nhỏ cạnh đó. Có lẽ tài sản quí giá nhất chính là những tấm giấy khen học tập giỏi mà Bảo Trân và đứa em trai đạt được ở mỗi năm học cùng với đó là tình cảm yêu thương mà hai chị em Trân dành cho nhau để cùng vượt qua khó khăn.

Mẹ bỏ đi khi Tùng mới vừa tròn 6 tuổi, một năm sau, cha cũng rời quê bôn ba đi làm thuê. Nỗi khát khao có được hơi ấm yêu thương của cha mẹ luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc và trong những giấc mơ của hai cô cậu học trò. Bao năm qua, Bảo Trân đã trở thành điểm tựa vững chắc cho em, thay mẹ chăm sóc em từng miếng ăn giấc ngủ, thay cha bươn chải tìm việc làm thuê kiếm sống và luôn là một tấm gương sáng trong học tập để Tùng noi theo.

Bảo Trân và Văn Tùng nương tựa nhau trong cuộc sống và học tập bởi từ lâu, 2 em đã thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ

Cho đến tận bây giờ, Bảo Trân vẫn không thể lý giải nổi vì sao ngày ấy mẹ của các em lại đột ngột bỏ ra đi và không một lần về thăm. Biết bao kỷ niệm thân thương về những ngày gia đình còn đầm ấm. Bên mâm cơm chiều, các thành viên cùng kể nhau nghe những chuyện vui trong ngày, có khi là câu chuyện của cha ở nơi làm việc, là chuyện cọng rau, con cá mà mẹ kiếm được để gia đình có bữa cơm ngon, hay những điểm chín, điểm mười mà hai chị em Trân đạt được ở lớp… Trân nghe rất nhiều những lời bàn tán của mọi người về sự ra đi của mẹ, nhưng có lẽ điều đó không đau đớn, xót xa bằng việc chứng kiến cảnh ba em bị suy sụp và tinh thần không ổn định sau cú sốc lớn trong đời. Trong một khoảng thời gian dài, ông lang thang tìm kiếm mẹ em nhiều nơi nhưng rồi lầm lũi trở về trong nỗi tuyệt vọng.

Cuộc sống của hai chị em Bảo Trân, Văn Tùng khó khăn, vất vả rất nhiều kể từ sau biến cố của gia đình. Nén nỗi đau vào lòng, cha các em phải gởi con lại cho ông bà nội để bôn ba xứ người đi làm thuê, mong dành dụm được số tiền trả khoản nợ mấy chục triệu đồng mà mẹ em đã vay nóng trước khi ra đi. Nhưng vì thường xuyên phải chịu cảnh thất nghiệp nên mấy năm rồi cha em chưa thể về thăm con.

Bảo Trân đi hái cây bồn bồn để mang đi bán

Trong nghịch cảnh, Trân vẫn tỏ ra là một cô bé mạnh mẽ, đầy nghị lực vươn lên, khác với vẻ ngoài gầy gò và ít nói. Khi mẹ bỏ đi, Trân chỉ mới là đứa trẻ mười tuổi nhưng đã biết phụ cha quán xuyến những việc trong nhà, còn là chỗ dựa tinh thần cho cha vượt qua nỗi buồn đau và chăm sóc cho đứa em trai. Điều đáng quý hơn là Trân luôn ý thức được rằng chỉ có vươn lên học giỏi mới có thể thay đổi được cuộc sống hiện tại và lấy lại danh dự cho gia đình. Từ đó, em không ngừng phấn đấu và kèm cặp, dạy bảo Văn Tùng cùng tiến bộ trong học tập. Chẳng những được thầy cô, bạn bè yêu quí mà bà con lối xóm cũng dành cho chị em Bảo Trân một tình cảm đặc biệt.

Ngoài giờ học, đôi tay nhỏ chăm chỉ với đủ việc làm thuê mà không nề hà cực khổ. Công việc thường xuyên nhất của Bảo Trân là đi hái cây bồn bồn để bán. Vất vả giữa cái nắng chói chang hay lặn ngụp dưới sông đến tái da thịt đổi lấy vài ba chục ngàn, nhưng đó là cả một khoản thu nhập lớn mà hai chị em Trân có được trong ngày. Và Trân lại thấy vui khi ngày mai có thể mua cho Tùng quyển tập hay cây viết mới. Còn Tùng lặn lội ở những khúc sông để nhá cá, đặt cá. Ngày nào may mắn kiếm được cá, hai chị em để dành con lớn đi bán còn lại làm bữa ăn cho hai chị em cả ngày.

Trường học mở mang cho em kiến thức, thầy cô vun xới cho em tình cảm, đạo đức, và cả nếp sống tốt đẹp… Để rồi vượt qua giông bão, Trân và Tùng như những mầm non tươi xanh đầy sức sống vẫn vươn mình trong nắng mới. Không mặc cảm bởi sự nghèo khổ, nhiều năm liền Bảo Trân luôn đạt thành tích học sinh giỏi và còn tham gia nhiều hoạt động văn nghệ ở trường. Mỗi khi vào dịp lễ hội, thầy cô và các bạn học sinh lại được nghe tiếng hát trong trẻo của Bảo Trân. Chính lối sống lạc quan, vui tươi đã phần nào giúp em vượt qua được khó khăn trong cuộc sống để giữ vững ước mơ trở thành một kỹ sư ngành công nghệ môi trường trong tương lai… 

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Lê Thị Bảo Trân, học sinh lớp 12, trường THPT Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Đ/c: Ấp Thạnh An 1, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Minh Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *