Bên bờ hạnh phúc

Thương lắm đôi bàn tay cần cù chịu khó của người dân lao động nghèo, dẫu nhiều vết chai sần vì nắng gió mưu sinh nhưng vẫn cố gắng nỗ lực vươn lên. Gặp gỡ và sẻ chia với những câu chuyện đời còn nặng gánh lo toan với bệnh tật nặng oằn, với khó nghèo và chật vật vây quanh, Chuyến xe nhân ái không khỏi trăn trở về chặng đường tương lai mang tên khởi nghiệp…

Gia đình anh Lê Hoàng Ân ngụ ấp Thiềng Long 1, xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít

Gắn bó với công việc làm thuê nặng nhọc ở lò gạch hơn chục năm qua, anh Ân hiểu rằng phải cố gắng thật nhiều để sớm vượt qua những khốn khó của đời nghèo. Thế nhưng việc thuê mướn bấp bênh, phần chăn nuôi heo thất bát nên cuộc sống càng rơi vào túng quẫn bởi số nợ 15 triệu đồng vay mượn đến nay chưa trả được.

Xót lòng trước cảnh nhà thiếu trước hụt sau nên dù công việc đan lát gia công tại nhà thu nhập chẳng là bao nhưng chị Nguyễn Thị Xuyên – vợ anh Ân – vẫn cố gắng chắt chiu để lo cho 2 đứa con chuyện học hành được đến nơi đến chốn.

Gánh nặng áo cơm cùng chuyện làm ăn thất bát đã khiến ước mơ sửa lại căn nhà hơn chục năm của gia đình vẫn chưa thành hiện thực.

Gia đình anh Nguyễn Hoàng Phong ở ấp Bình Hòa 2

Ra riêng không vốn liếng khởi nghiệp, vợ chồng anh Phong, chị Tư ra sức làm lụng để vun vén cho tổ ấm nhỏ. Vậy mà sau nhiều năm nỗ lực, cuộc sống vẫn chưa thể thoát nghèo bởi số tiền kiếm được mỗi ngày từ việc đan ghế hay làm thuê theo mùa vụ chỉ đủ xoay sở cơm gạo hằng ngày.

Cuộc sống gia đình càng khốn khó khi 2 đứa con Kim Ngân và Kim Hà đang tuổi ăn tuổi học cần nhiều chi phí cùng với đó là số nợ 8 triệu đồng vay mượn trong lúc thiếu hụt trước đây, gia đình vẫn chưa trả được.

Mãi loay hoay tìm lời giải đáp cho bài toán áo cơm, thế nên căn nhà cha mẹ cho lúc ra riêng 17 năm mái lá xác xơ, cột kèo gãy mục đến giờ cũng chưa được xây cất lại cho lành lặn.

Gia đình bà Đặng Hồng Anh ngụ ấp Bình Tịnh A

Các con đều có gia đình ra riêng nhưng vì cuộc sống nghèo khó nên không phụ giúp được gì, nên ở tuổi ngoài 50 bà Hồng Anh vẫn từng ngày gắng sức đi buôn bán đồ rẫy để trang trải trong ngoài và lo cho các cháu ăn học.

Chị Nguyễn Thị Hiền – con gái bà Hồng Anh và cũng là mẹ của những đứa trẻ trong gia đình – sau lần hôn nhân dang dỡ rồi đi bước nữa, vì cuộc sống khó khăn nên đành gửi lại các con cho mẹ ruột nuôi dưỡng. Những giây phút hiếm hoi được về thăm con là niềm hạnh phúc lớn lao của chị.

Giữa bao khốn khó của đời nghèo nên căn nhà được hỗ trợ hơn 10 năm, mái tole hoen rỉ, vách ván mục nát càng khiến nỗi lo an cư thêm oằn nặng.

Gia đình chị Trần Thị Quí ngụ ấp Hưng Thuận, xã Tân Hưng, huyện Bình Tân

Dù mệt mỏi vì bệnh tật nhiều năm nay không tiền chạy chữa nhưng tranh thủ lúc khỏe là chị Quí lại miệt mài đi cắt lục bình rồi đem phơi khô bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Từ ngày vợ bệnh, anh Hùng – chồng chị Quí – tự nhủ phải cố gắng làm lụng nhiều hơn nữa để lo cho gia đình với 4 miệng ăn. Mặc cho sức khỏe suy giảm vì bị cụp xương sống trong lúc đi đào đất thuê 2 năm về trước, anh vẫn gắng gượng đi vác khoai thuê để lo cho các con ăn học và trả bớt số nợ 10 triệu đồng vay mượn chăn nuôi vịt thất bát khi xưa.

Cuộc sống đã khó càng thêm chật vật khi các con ngày một lớn khôn và chuyện học hành chưa thể lo tròn thì một căn vững chắc là ước mơ còn xa tầm tay với gia đình.

Gia đình anh Cao Thanh Tùng ở ấp Hưng Lợi

Ước mong về một căn nhà lành lặn không chỉ riêng gia đình chị Quí ấp ủ mà đó còn là niềm mong mỏi nhiều năm chưa thành hiện thực của gia đình anh Cao Thanh Tùng ở ấp Hưng Lợi. Không ngại khó khi hành trang khởi nghiệp chỉ là đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Tùng ra sức miệt mài lao động để vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng thu nhập từ công việc làm thuê làm mướn không đều, thêm việc trồng trọt, chăn nuôi vịt thất bát đã khiến gia đình càng khốn khó hơn vì nợ nần.

Thương cha mẹ sớm hôm dãi dầu mưa nắng nên anh em Thanh Lâm – con anh Tùng – luôn biết động viên nhau cố gắng học tập và tranh thủ sau giờ đi học về phụ cha mẹ bắt ốc, hái rau trang trải bữa cơm gia đình và nuôi dưỡng ước mơ vươn lên thoát nghèo từ chính con đường học tập.

Gia đình ông Nguyễn Khải Hoàng ngụ ấp Hưng Lợi

Căn bệnh tai biến hơn 2 năm qua đã khiến sức khỏe ông Nguyễn Khải Hoàng ngụ ấp Hưng Lợi suy giảm nên không còn đi đào đất, phụ hồ lo cho gia đình như trước.

Thương chồng đau bệnh nên dù tuổi cao sức yếu vì căn bệnh đau khớp và cao huyết áp dày vò cơ thể nên bà Nguyễn Thị Bích Hồng – vợ ông Hoàng – vẫn gắng sức đi làm cỏ hay lặt khoai thuê để có tiền thuốc thang và trả bớt số nợ 20 triệu đồng vay mượn chăn nuôi heo thua lỗ do dịch tai xanh lúc xưa.

Cũng vì cái nghèo nên con gái ông Hoàng không giúp đỡ được nhiều cho cha mẹ lúc tuổi già nhưng vẫn cố gắng cùng chồng là anh Nguyễn Hữu Phú thay nhau lui tới đỡ đần các công việc gia đình hay thăm nom những lúc ông bà ốm đau, bệnh tật.

Cả một đời cơ cực mưu sinh vì chén cơm manh áo nhưng đến giờ, tuổi đã xế chiều mà hai mái đầu bạc vẫn chưa có một nơi ở vững vàng.

Tấn Đạt 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *