Bên bờ hạnh phúc

LOẠI HÌNH NHÀ – NÉT ĐẸP CỦA VĨNH LONG XƯA VÀ NAY

Phong cách kiến trúc nhà cửa tại Vĩnh Long qua các loại hình nhà truyền thống đã thể hiện khá rõ sắc thái nhà cửa của miền Trung. Đó là những căn nhà chữ đinh, chữ nhị, nhà ba gian hai chái, một chái… với kết cấu kỹ thuật kiểu nhà rường, nhà rội, nhà chồng trính xưa…

Đồng thời, ít nhất cũng từ đầu thế kỷ XX, phong cách, kỹ thuật kiến trúc Pháp cũng để lại dấu ấn không phải không sâu sắc nơi không gian kiến trúc tại Vĩnh Long.

Sau này, xu hướng và thị hiếu về xây dựng nhà ở kiểu hiện đại cũng chiếm lĩnh không ít bề mặt kiến trúc của Vĩnh Long.

– Nhà chữ đinh tại Vĩnh Long dù là loại nhà bằng vật liệu thô sơ (gỗ, lá) cho đến nhà bằng vật liệu kiên cố (sắt thép, gạch, ngói), đa số đều thuộc dạng nhà chữ đinh có cầu nối đặc trưng của miền Trung, tức là có phần nối (nối vách lẫn nối mái) giữa nhà trên và nhà dưới thành một tổng thể nhà chứ không tách rời nhau. Về cấu trúc, hai cây đòn dông của nhà trên và nhà dưới thẳng góc nhau.

Là loại hình nhà cổ truyền, nhưng nhà chữ đinh dưới thời Pháp thuộc lại pha trộn kiến trúc Pháp, như hành lang hiên trước chạy dọc từ nhà trên cho tới nhà dưới được xây hàng lan can gạch cùng với cột hiên, mà đầu cột là thức ionie kết hợp thức corinthian của kiến trúc Pháp. Hoặc như một tòa nhà chữ đinh đồ sộ khác tại huyện Long Hồ thì nhà trên là biệt thự kiểu Pháp, còn nhà dưới lại xây dựng theo kiểu truyền thống nên trông ngôi nhà không được hài hòa với nhau lắm. Điểm độc đáo là biệt thự này có một chi tiết là bàn thờ thiên xây ở ngay trên bệ lan can của gian giữa. Nó như một nét nhấn riêng mang sắc thái nhà truyền thống.

Được biết trước đây, Vĩnh Long có rất nhiều nhà chữ đinh truyền thống, vì dân Vĩnh Long đa số gốc gác tại miền Trung, quen sống trong nhà loại hình này. Thực sự trước đây, gia đình nào khá giả mới có điều kiện để thi công nhà chữ đinh, vì loại nhà này chiếm nhiều diện tích, tốn nhiều vật liệu xây dựng, nhất là gỗ, kỹ thuật lại đòi hỏi tay nghề cao. Hiện nay, nhà chữ đinh ngày càng vắng bóng dần, có lẽ vì tính phức tạp thiếu thích ứng, hoặc vì lớp cư dân ngày nay ưa chuộng loại hình nhà hiện đại hơn.

– Loại hình nhà chữ nhị tại Vĩnh Long cũng thuộc dạng phổ biến. Nhà chữ nhị tức nhà xếp đọi, hai cây đòn dông của hai nhà trên và nhà dưới nằm song song với nhau. Phần lớn nhà xếp đọi truyền thống là nhà ba gian, rất phổ biến tại huyện Mang Thít, Tam Bình. Đó là những gian nhà tương đối cổ xưa, mái ngói rêu phong. Từ những thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX, nhà chữ nhị tại Nam bộ có xu hướng làm theo dạng nhà xếp đọi cải tiến, đó là người ta làm nhà dưới ló dài ra so với nhà trên để lấy được ánh sáng cho nhà dưới. Thêm nữa, do đa số sinh hoạt hàng ngày của gia đình Nam bộ chủ yếu diễn ra ở nhà dưới nên với phần nhà dưới ló dài ra, người ta có thể trông chừng được nhà mình tới tận cổng ngõ. Loại hình nhà xếp đọi cải tiến này hiện khá phổ biến tại huyện Vũng Liêm.

– Loại hình nhà ba gian kèm theo một gian phụ cũng là một dạng nhà khá phổ biến, nhất là của huyện Mang Thít như các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Chánh An… Đây là dạng nhà ba gian dùng làm nhà trên, sát vách là một gian phụ dùng làm nhà dưới. Hai nhà này cùng một tổng thể, một loại vật liệu xây dựng, song luôn luôn mái của gian chính cao hơn mái gian phụ và trên mái có làm con lươn, phân định ranh giới hai phần nhà rất rõ ràng.

Gian phụ có thể ở vị trí bên trái hoặc bên phải của nhà trên và ở gian nhà phụ này mới thực sự là không gian cư trú thường xuyên của các thành viên trong gia đình.

– Nhà ba gian hai chái tại Vĩnh Long thường là loại nhà của tầng lớp trung lưu, giàu có vì nó chiếm nhiều diện tích, kỹ thuật xây dựng công phu, vật liệu tốn kém (Đặc biệt tại Vĩnh Long còn có loại hình nhà ba gian hai chái và còn xây thêm hai ngánh hai bên chái chính). Kiểu nhà này thường của các gia đình xưa giàu có, bề thế. Nhà thuộc loại cổ kính, hầu hết được xây dựng trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX, phối hợp kiến trúc Việt và Pháp. Thường kiểu nhà này có vật liệu xây dựng và trang trí ảnh hưởng Pháp nhưng kỹ thuật lại là kiểu “nhà rường” truyền thống, đặc trưng của miền Trung. Tại Vĩnh Long cũng như Nam bộ, người ta gọi nhà “tám đấm tám quyết” hoặc nhà bát dần là nhà cấu tạo kiểu mái xụ. Bên ngoài nhìn thì mái có vẻ thấp, cổ xưa do thiết kế kiểu “mái xụ”, mái sà thấp xuống nhưng hệ thống kèo cột bên trong nhà lại cao, giúp nhà rất thoáng đãng, cao ráo, tránh được ánh nắng chói chang. Mái của nhà ba gian hai chái là loại mái đặc trưng của nhà người Việt và một số dân tộc bản địa tại Việt Nam. Yếu tố tiêu biểu nhất là độ kéo dài ra hết gian chái của mái phụ khác hẳn độ ngắn của mái phụ nhà người Hoa và càng khác với dạng mái hình thang hoặc mái của loại nhà không có cây đòn dông như nhà kiểu Pháp.

– Đơn giản hơn là loại hình nhà ba gian song. Nhà này thường chỉ có hai mái, còn hai đầu hồi bịt kín vách. Tại nông thôn, loại nhà nói trên thường làm bằng vật liệu bán kiên cố (vách ván, lợp tole hay ngói) hoặc thô sơ (vách lá, mái lá). Tại thị trấn, thị xã, nhà ba gian thường bằng vật liệu kiên cố. Do nó chiếm diện tích không nhỏ nên chủ nhân loại nhà này cũng phải thuộc tầng lớp khá giả. Tại Vĩnh Long, nhà ba gian nơi nội ô đa phần mang phong cách kiến trúc nửa Việt nửa Pháp như lớp mái bằng ngói kiểu âm dương, cửa song, vách thảo bạt có cột ionie, khung cửa dạng “quai rương” có trang trí họa tiết lá phiên thảo bằng xi-măng đúc và đều có lan can. Các nhà ba gian loại này thường được xây vào thời Pháp thuộc, từ những thập niên 30 – 40 của thế kỷ XX.

Do mật độ dân cư tại TXVL ngày càng đông đúc, nhu cầu về nhà cửa dần dần tăng, diện tích nhà không thể rộng như xưa, do đó, tại nhiều khu phố chỉ toàn loại hình nhà ống. Đó là loại nhà một gian, bề ngang chỉ độ 3 – 4 mét, bề dài từ 15 – 20 mét, gian trước dành để thờ tự, tiếp khách hoặc buôn bán.  

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *