Bên bờ hạnh phúc

Ngày 21.12, tổ chức bảo vệ Động vật hoang dã (WAR) công bố phát hiện 12 loài cá nước ngọt mới cho Việt Nam. Những loài này được phát hiện trong các cuộc điều tra tại Phú Quốc từ cuối năm 2008 đến nay.

Trong số đó có những loài khá phổ biến ở Phú Quốc và quen thuộc với người dân địa phương. Chẳng hạn cá chạch suối đuôi gai (Barbucca cf. diabolica) trước đây chỉ được ghi nhận tại Indonesia và Malaysia; cá heo râu đuôi chẻ (Lepidocephalichthys furcatus) trước đây loài này được ghi nhận có ở lưu vực sông Mêkông thuộc Lào và Thái Lan; cá lăng suối nâu (Amblyceps cf. foratum) trước đây được ghi nhận có tại bán đảo Malaysia, Thái Lan và Campuchia; cá sọc dưa tím (Danio pulcher) loài này khá phổ biến ở những con suối nhỏ tại Vườn Quốc gia Phú Quốc và nhiều nơi khác ở miền Nam nước ta…

“Việc phát hiện các loài cá nước ngọt mới này ở Việt Nam cho thấy khả năng vẫn còn rất nhiều loài cá nước ngọt không có giá trị kinh tế khác chưa được phát hiện”, ông Bùi Hữu Mạnh, cán bộ bảo tồn tổ chức WAR nói.

Hiện nay, rất nhiều loài cá nước ngọt không có giá trị kinh tế đang dần suy giảm số lượng do nguồn nước bị ô nhiễm hoặc mất nơi sinh sống. Các loài cá này có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái. Việc phát hiện ra các loài cá này giúp theo dõi được sự thay đổi quần thể các loài cá và từ đó thực hiện biện pháp bảo tồn phù hợp. Trong thời gian tới, WAR sẽ tiếp tục chương trình nghiên cứu, điều tra cá nước ngọt cũng như chương trình nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên.

Danh sách 12 loài cá nước ngọt mới phát hiện cho Việt Nam

1. Cá chạch suối đuôi gai (Barbucca cf. diabolica)
 
2. Cá heo gai mắt myers (Pangio myersi)
 
3. Cá heo râu đuôi chẻ (Lepidocephalichthys furcatus)
 
4. Cá lăng suối nâu (Amblyceps cf. foratum)
 
5. Cá lia thia ấp miệng (Betta prima)
 
6. Cá lòng tong chỉ vàng (Rasbora pauciperforata) – Redstripe rasbora
 
7. Cá lòng tong tam giác (Trigonostigma espei) – Lambchop rasbora
 
8. Cá rô dẹp đuôi hoa (Belontia hasselti) – Malay combtail
 
9. Cá sặc vên đục (Nandus cf. nebulosus) – Bornean leaffish
 
10. Cá sọc dưa tím (Danio pulcher) – Pearl Danio
 
11. Cá trèn lá đầu to (Kryptopterus macrocephalus) – Striped glass catfish
 
12. Cá trèn schneider (Silurichthys schneideri)

 

WAR (Wildlife At Risk) là tổ chức phi chính phủ với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam thông qua việc ngăn chặn hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động thực vật hoang dã và hỗ trợ bảo tồn các loài bị đe dọa cũng như sinh cảnh sống của chúng. Bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003, các hoạt động của WAR hiện nay tập trung tại TP.HCM và các tỉnh Kiên Giang, Đồng Nai và Cần Thơ với ba lĩnh vực hoạt động chính gồm: Chương trình giáo dục bảo tồn Động thực vật hoang dã, Hỗ trợ thực thi pháp luật nhằm giảm thiểu việc khai thác các loài nguy cấp thông qua việc hỗ trợ tịch thu, cứu hộ, phục hồi và thả các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép về với thiên nhiên và Chương trình Bảo tồn nhằm đánh giá tài nguyên đa dạng sinh học và bảo vệ các loài nguy cấp.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *