Bên bờ hạnh phúc

Sân khấu Kịch IDECAF vừa ra mắt khán giả vở kịch “Người mua hạnh phúc” của tác giả Kim Cương chuyển thể từ tác phẩm văn học nước ngoài do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng.

Cảnh trong vở “Người mua hạnh phúc”

 

Đây là lần thứ hai Sân khấu Kịch IDECAF tái dựng kịch bản của Sân khấu Kịch nói Kim Cương sau thành công của vở “Bông hồng cài áo” – một tác phẩm sân khấu mà bà và soạn giả Hoàng Khâm đã sáng tác. Vở “Bông hồng cài áo” do Vũ Minh tái dựng đã đoạt Giải Mai Vàng 2013 dành cho Vở diễn sân khấu được yêu thích nhất.

Nghệ sĩ Kim Cương nói: “Sau 3 suất diễn vở “Tạ ơn đời” tại Nhà hát TP, tôi không nghĩ đến việc sẽ đứng trên sân khấu nữa. Vì đã lớn tuổi rồi, có thể tôi sẽ không đủ sức đảm đương các suất diễn như trước nên khi đạo diễn Vũ Minh ngỏ lời muốn tái dựng kịch bản “Người mua hạnh phúc”, tôi đồng ý ngay. Tôi có đến sàn tập xem các bạn trẻ hóa thân vào các nhân vật và vui mừng khi thấy họ làm nghệ thuật rất nghiêm túc, nhất là nghệ sĩ Thành Lộc, vẫn là một đàn anh thổi lửa nhiệt huyết yêu nghề cho các em trẻ”.

Vở “Người mua hạnh phúc” đã được đạo diễn Vũ Minh cập nhật thêm nhiều thông tin thời sự, gắn kết với hơi thở cuộc sống ngày nay để tô đậm thêm thông điệp của vở diễn: “Người có thể hóa điên vì tình, tiền nhưng hạnh phúc chỉ thật sự đến với những tâm hồn biết thức tỉnh”.

Vở kịch xuất hiện trong thời điểm quá hiếm kịch bản hay, có ý nghĩa sâu sắc một lần nữa trở thành minh chứng cho dòng kịch nói theo phong cách kịch Kim Cương, đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật tạo được sự thăng hoa trong cảm xúc. Nghệ sĩ Kim Xuân, được chọn đóng vai bà Hằng Nga – nhân vật chính do nghệ sĩ Kim Cương từng diễn, cảm động nói: “Tôi hạnh phúc lắm khi thể hiện vai diễn này. Xúc động lớn nhất là bắt gặp sự đồng cảm của bạn diễn ở lớp kịch tôi và nghệ sĩ Thành Lộc thể hiện”.

Vở kịch như một hồi chuông thức tỉnh những kẻ hám danh lợi, tiền bạc mà sống bất nhân, bất nghĩa. Sự châm biếm của vở kịch khiến người xem sẽ có thêm nhiều suy ngẫm về những vấn đề xã hội với bao điều nhức nhối làm lung lay giá trị đạo đức truyền thống của người Việt. Đó cũng là điều làm nên tuổi thọ một tác phẩm sân khấu khi các vấn đề được đặt ra chạm đến trái tim người xem.

Nguồn: T.Hiệp ( Người lao động )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *