Bên bờ hạnh phúc

Trong 1 tháng qua, bức tranh “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” của Bùi Lệ Trang đã gây xôn xao dư luận khi được đưa ra bán đấu giá quyên tặng các gia đình liệt sĩ hy sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa với giá được trả lên tới 1,1 tỉ đồng, tính đến 17 giờ ngày 22-7, trước phiên đấu giá chính thức diễn ra tại chùa Vĩnh Nghiêm, TP HCM.

Các đồng đội chiến đấu ở trận chiến Gạc Ma năm xưa bên bức tranh “Gạc Ma – vòng tròn bất tử”. (Ảnh do ban tổ chức cung cấp)

 

Xuất phát từ ý tưởng sáng tác của cá nhân một họa sĩ, bức tranh “Gạc Ma – vòng tròn bất tử” vừa công bố đấu giá vì mục đích tốt đẹp nói trên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều giới, nhiều đơn vị, cá nhân. Ban tổ chức cho biết chưa có cuộc đấu giá nào mà người tham gia hào hứng và nhiệt tình đến vậy mặc dù ai cũng có nguyện vọng tặng bức tranh cho những đơn vị, cá nhân mà theo họ cần được giữ nó, nếu phần thắng thuộc về mình.

Chiều 22-7, tại chùa Vĩnh Nghiêm, phiên đấu giá đặc biệt đã diễn ra. Kết quả ở phiên cuối cùng này, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Hòa Bình, đã sở hữu bức tranh với giá 1,280 tỉ đồng. Ông Hải quyết định tặng bức tranh cho Bảo tàng Quân đội để mọi người có điều kiện đến xem.

Số tiền bán đấu giá bức tranh sẽ được dành tặng các gia đình liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7 năm nay.

Có thể nói chưa bao giờ một bức tranh của một họa sĩ chưa có tên tuổi trong làng hội họa lại bán được giá như vậy. Họa sĩ Bùi Lệ Trang (tên thật là Bùi Chí Linh, sinh tại Phú Yên) thực sự bất ngờ với những diễn biến của cuộc đấu giá. Anh tự sự rằng lúc sáng tác, anh chỉ nghĩ làm sao để nó thể hiện được tinh thần yêu nước cháy bỏng và lưu giữ lại tinh thần ấy, không để mọi người lãng quên một ký ức đau thương nhưng cực kỳ hào hùng của dân tộc.

Họa sĩ Bùi Lệ Trang kể năm 18 tuổi, anh đăng ký vào Trường Quân chính Quân khu 5. Hình ảnh của các anh hùng mà anh ngưỡng mộ từ nhỏ vẫn ở mãi trong tâm trí. Khi nhập ngũ được vài tháng, anh mắc bệnh thấp khớp rất nặng. Càng ra xứ lạnh,  bệnh càng nặng hơn nên anh xin ra quân, chuyển vào TP HCM sống, tìm thầy học vẽ.

Tìm đầu ra cho tranh không có, anh đi vẽ bảng hiệu, vẽ trang trí nhà hàng, quán cà phê, quảng cáo kiếm sống… Tranh vẽ ra đem ký gửi đã khó rồi, lại ế quá nên chủ tiệm tranh cũng không nhận tranh nữa. Anh bảo khi chưa sửa đường Nguyễn Huệ, tranh bán được. Chủ yếu là khách du lịch mua. Còn bây giờ khó bán vì vắng khách. Họa sĩ Bùi Lệ Trang cho biết anh hay ký gửi tranh ở galery Vietnam Art (80 Nguyễn Huệ, quận 1).

Họa sĩ lâu năm đã có tích lũy tiền bạc rồi mới chịu được cảnh treo tranh vài năm đợi khách chứ các họa sĩ đang gây dựng thương hiệu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Cha con họa sĩ Bùi Lệ Trang (cô con gái học lớp 8) thuê căn nhà nhỏ xíu ở huyện Nhà Bè để ở và làm xưởng, lâu lâu có khách ghé đặt hàng thì làm.

Bùi Lệ Trang là tên cô bạn gái cũ, gần như là tình yêu đầu của anh, từ thời trung học. “Nhiều người nói với tôi sao chọn cái tên nghe ủy mị như thế, có khi cuộc sống cũng bị ảnh hưởng không tốt nhưng tôi không quan trọng chuyện đó. Tôi sống tự do, hồn nhiên, vô tư thôi, không toan tính gì, không sợ mang tiếng và cũng chẳng quan tâm đến chuyện thị phi” – họa sĩ Bùi Lệ Trang tâm sự.

Khi được biết gia cảnh họa sĩ Bùi Lệ Trang khó khăn, bà Kim Dung, Giám đốc Bảo hiểm AIA Kim Dung (Nghệ An), người đấu giá bức tranh 1,1 tỉ đồng trước đó đã quyết định trao tặng một sổ bảo hiểm nhân thọ trị giá 500 triệu đồng cho họa sĩ. Bà Dung nói: “Tôi biết ơn họa sĩ Bùi Lệ Trang, anh đã có tâm vẽ nên bức tranh ý nghĩa lớn lao này”. Thế nhưng, đứng trước đề nghị của bà Dung, họa sĩ Bùi Lệ Trang cho biết anh còn suy nghĩ xem có nên nhận món quà này hay không bởi vì lúc bắt tay vào thực hiện bức tranh, anh đã nghĩ tất cả là dành tặng gia đình các liệt sĩ.

Nguồn: Hòa Bình ( Người lao động )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *