Bên bờ hạnh phúc

Gan được xem như một nhà máy đảm đương nhiều nhiệm vụ, trong đó có chức năng giải độc cho cơ thể. Gan cũng là cơ quan nội tạng duy nhất có khả năng tái sinh, nhưng không ít người làm cho gan sức cùng lực kiệt.

 

Dấu hiệu SOS của gan

Gan có sức chịu đựng rất cao, dù đang bị bệnh gan vẫn tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận được tín hiệu cấp cứu của gan khi đi khám sức khỏe tổng quát: men gan tăng.

Một bạn gái 34 tuổi, sau khi phát hiện men gan tăng đã đi khám tìm nguyên nhân. Bác sĩ cho làm thêm nhiều xét nghiệm và tầm soát các loại virus gây viêm gan A, B, C thì phát hiện cô bị viêm gan C. Do phát hiện sớm, lượng virus chưa nhiều, đủ điều kiện kinh tế, cô tiến hành điều trị viêm gan C ngay. Phần lớn đàn ông bị men gan tăng thường do rượu. Bác sĩ khuyên bỏ rượu để bảo vệ gan, các anh gật gù; nhưng khi nghe tiếng gọi của thú vui đời thường, lại tiếp tục tay nâng ly, tay hạ ly.

Ngoài các nguyên nhân làm tăng men gan nêu trên thì bệnh nhân đang bị sốt rét, sởi, sốt xuất huyết, nhiễm trùng máu cũng có cùng đáp số khi xét nghiệm. Thuốc là một trong những nguyên nhân làm tăng men gan như: thuốc chống vi khuẩn lao (INH, Rifampicin…), thuốc thuộc nhóm fluoquinolon (ciprofloxacin), acetaminophen (paracetamol, tydol, efferalgan…). Men gan có thể tăng với các bệnh về đường mật (viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh) hoặc sán lá gan, ung thư gan…

Gan là cơ quan quan trọng, có khả năng loại bỏ các chất có hại trong máu như: thuốc, hóa chất, rượu. Gan còn sản xuất men xúc tác và mật để tiêu hóa thức ăn, tham gia điều hòa lượng đường và chất béo trong máu. Men gan tăng báo hiệu các tế bào gan đang bị phá hủy. Nếu không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn nguyên nhân gây tăng men gan thì bệnh sẽ tiến triển sang xơ gan. Gan bị xơ do các tế bào chết được thay thế bằng các mô xơ, và ung thư gan là đích đến cuối cùng, bệnh nhân chịu nhiều đau đớn trước khi lìa đời.

 Cứu gan

Theo bác sĩ Cao Xuân Minh – Giám đốc Phòng khám đa khoa Ngọc Minh TP.HCM, khi tăng men gan, việc có thể đưa men gan về lại bình thường hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây tăng men gan tồn tại hay không tồn tại. Khi tăng men gan do hóa chất như rượu, thuốc…, men gan có thể về bình thường sau khi dừng các tác nhân này, nhưng cũng có thể biến chứng thành viêm gan tối cấp, thậm chí tử vong. Các nguyên nhân do nhiễm trùng như viêm gan siêu vi B, C hay do vi trùng, do ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ cũng phải được điều trị triệt để thì men gan mới có thể quay lại bình thường.

Chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng khi men gan tăng. Cần loại bỏ các loại nước giải khát có cồn, không ăn mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào, nhiều đường dễ làm mỡ trong gan và máu tăng, khiến men gan tăng cao, khó chữa khỏi. Hạn chế rượu, bia và các chất kích thích.

Trái cây và các thức ăn có nhiều sinh tố là nguyên liệu cho gan tổng hợp các chất giải độc và chuyển hóa. Nên ăn thực phẩm giàu sinh tố A – có nhiều trong rau củ màu vàng đậm, rau muống, bắp cải, gan động vật, sữa. Các thực phẩm chứa nhiều sinh tố B: giá, đậu phộng, đậu nành, kê, trứng, sữa. Đạm là thành phần cấu thành tế bào trong cơ thể, khi tế bào gan mất đi thì cần ăn các thức ăn giàu đạm: mực, cá, thịt nạc, ngũ cốc… Khi men gan tăng cao, cần nghỉ ngơi, ngủ đúng giờ và đủ giấc để giúp gan hồi phục.

Nguồn: Vũ Âu ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *