Bên bờ hạnh phúc

Do ảnh hưởng của chiến tranh nên sự lưu thông hàng hóa trên thị trường không hoàn toàn là do hoạt động thương nghiệp thực hiện, mà một bộ phận lớn sản phẩm lưu thông là để phục vụ trực tiếp cho chiến tranh và do bộ máy hậu cần quân sự vận chuyển. Số liệu thống kê về trọng lượng hàng hóa nhập khẩu hàng năm theo thống kê của Nha Quan thuế Sài Gòn, nhất là trong thời kỳ 1965 – 1971. Năm 1967 là năm có chênh lệch cao nhất, trọng lượng hàng hóa vào cảng lớn gấp ba lần là hàng hóa nhập khẩu thương mại. Điều đó có nghĩa là 2/3 hàng hóa vào cảng Sài Gòn 1967 là hàng quân sự và hàng P, X, phục vụ cho quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ. Sự phát triển không đồng đều giữa công thương nghiệp ở thành thị và nông nghiệp ở nông thôn cũng như cơ cấu kinh tế – xã hội sống dựa vào nhập khẩu bằng viện trợ Mỹ đã khiến sự trao đổi giữa thành thị và nông thôn trở nên không cân đối : lượng hàng hóa từ thành thị đưa về nông thôn luôn lớn hơn nhiều so với lượng hàng hóa từ nông thôn chuyển về thành thị. Các hoạt động sản xuất và đời sống ở thành thị miền Nam phụ thuộc vào thị trường quốc tế TBCN và hàng hóa viện trợ Mỹ nhiều hơn là gắn với sản xuất nông nghiệp và nông thôn miền Nam.

Tất cả những yếu tố đó đã tác động mạnh đến sự hoạt động thương mại ở Vĩnh Long. Ngành thương nghiệp Vĩnh Long không những phát triển mạnh ở thị trấn, thị xã, trên các trục lộ giao thông quan trọng, mà ở cả các vùng nông thôn trong tỉnh. Thời kỳ này có sự phát triển giao lưu thương mại giữa nông thôn – thành thị, thành thị – nông thôn do chính sách “viện trợ thương mại hóa” của Mỹ, do bản thân sản xuất hàng hóa ở nông thôn cung cấp nhu cầu lương thực – thực phẩm cho thị trấn, thị xã và thành phố Sài Gòn.

Trong hoạt động thương mại thời kỳ này có sự thay đổi so với trước là mạng lưới đại lý “chân rết” của hệ thống kinh doanh ở nông thôn ngày càng lớn và rộng khắp, chi phối mạnh các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, xóa dần phương thức sản xuất cổ truyền, thay thế dần bằng phương thức sản xuất hiện đại và gắn họ vào guồng máy kinh doanh của giai cấp tư sản thành thị. Họ hoạt động ở các lĩnh vực hàng hóa quân tiếp vụ, vật tư công nghiệp, nông cụ, mễ cốc, bách hóa, đại lý của các hãng xăng dầu Caltex, Esso… Những người này hoạt động với vốn kinh doanh khá lớn, có đại lý bán sỉ và bán lẻ xuống tận các xã – ấp trong tỉnh Vĩnh Long.

Hệ thống kinh doanh cũng được tổ chức chặt chẽ theo quy mô nguồn hàng. Giữa nhà nhập cảng hay nhà sản xuất và người tiêu thụ là một mạng lưới thương nghiệp tư bản hiện đại, kết hợp với thương nghiệp nhỏ gồm nhà buôn sỉ, lẻ, những người trung gian môi giới, tổng phát hành, phát hành, đại lý, quảng cáo viên… Những thương gia bán sỉ buộc phải có vốn lớn, có xe hàng, có xe cộ để chuyên chở hàng hóa. Họ có thể mua hàng với số lượng lớn từ nhà sản xuất, nhà nhập cảng đến bán lại cho thương gia lẻ. Số thương gia sỉ chiếm không lớn, chỉ khoảng trên 10% số người buôn bán (đa số là người Hoa) nhưng họ đã chi phối lớn đến nền thương mại ở Vĩnh Long. Số người buôn bán lẻ đa số là người Việt. Trong số những người buôn bán lẻ, chiếm đông đảo nhất là những người có cửa hàng cố định và những người bán lưu động. Thương gia bán lẻ là người ít vốn và phải quay nhanh đồng vốn và chấp nhận mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian ở tỉnh và thành phố Sài Gòn. Giữa thương gia sỉ với thương gia lẻ và lớp người trung gian thương mại, với nhà sản xuất hàng hóa, với chủ phương tiện giao thông vận tải… đã xác lập những quan hệ hợp đồng đa dạng, chặt chẽ.

Nền thương mại Vĩnh Long ở thời kỳ này đã có một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật khá tốt. Ở tỉnh lỵ Vĩnh Long và các huyện lỵ, các cơ sở thương mại như chợ, hiệu buôn đều được sửa sang hay thiết lập thêm. Ở tỉnh lỵ, khu trung tâm thương mại được thiết lập từ năm 1965 (Thương xá Vĩnh Long), gồm có nhà họp chợ, phố xá khang trang, nằm ở trung tâm tỉnh lỵ, chiếm một diện tích khá lớn, hàng hóa được bày bán theo từng khu vực và gian hàng riêng. Hàng hóa được bày bán rất đa dạng và phong phú, từ hàng ngoại nhập đến hàng nội địa hóa. Ở đây, việc buôn bán được tổ chức rất chu đáo, gần giống như cách thức các nước Âu – Mỹ.

Để có khả năng điều hòa thị trường, các nhà tư sản thương nghiệp cũng như chính quyền tỉnh Vĩnh Long đã mở thêm bến cảng, xây dựng thêm nhà kho chứa hàng song song với việc tận dụng tối đa các phương tiện vận tải, bốc dỡ, phân phối hàng một cách nhanh chóng. Thương cảng Vĩnh Long được thành lập vào giữa năm 1962 nằm bên bờ sông Cổ Chiên và cạnh quốc lộ 4, rất thuận tiện cho tàu bè cập bến và xe vận tải chuyển hàng hóa. Cảng có hệ thống kho chứa khoảng 20.000 tấn. Tàu 2.000 tấn có thể vào hoạt động ở cảng này dễ dàng. Từ cảng Vĩnh Long, hàng nhập vào được chuyển đi phân phối khắp nơi trong tỉnh và một số tỉnh trong khu vực. Ở các vùng nông thôn trong tỉnh, chợ đóng vai trò là nơi phân phối hàng hóa (tính đến năm 1975, Vĩnh Long có khoảng 70 chợ nông thôn). Đa số người bán ở địa phương không có kho hàng riêng, việc mua bán chỉ diễn ra trong ngày.

Với việc thiết lập các cơ sở này đã góp phần đưa nền thương mại Vĩnh Long phát triển mạnh, lưu thông hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng, góp phần đưa hàng hóa của Vĩnh Long hòa nhập vào thị trường trong nước và quốc tế. Một số mặt hàng nông sản Vĩnh Long (lúa gạo, trái cây, rau cải) được nhanh chóng chuyển lên Sài Gòn, từ Sài Gòn chuyển ra các tỉnh miền Trung hoặc xuất khẩu ra nước ngoài.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *