Bên bờ hạnh phúc

Đền Parthenon là chứng tích về thời kỳ vàng son của Hy Lạp, một cửa ngõ thời gian dẫn đến nơi khai sinh một lý tưởng phương Tây về mỹ thuật, khoa học, nghệ thuật và một hình thức nhà nước dân chủ hoàn toàn mới. Để lý tưởng này vĩnh cữu, người Hy Lạp đã xây dựng một kiến trúc mang tính biểu tượng của văn minh phương Tây – đền Parthenon.

Parthenon là chứng tích về thời kỳ vàng son của Hy Lạp

 

Ngày nay, mặc dù bức tường thành đã bị tàn phá, nhưng Parthenon vẫn là biểu tượng của văn minh phương Tây. Hình dáng mạnh mẽ của các cột trụ, các tác phẩm trang trí uy nghi trên đầu cột là biểu tượng của thế giới cổ xưa. Với chiều rộng và chiều cao tương xứng hòan hảo, các pho tượng nguyên thủy đều là những kiệt tác mỹ thuật.

Cách đây 2.500 năm, Parthenon được xây dựng như một thành tựu hoàn mỹ của Hy Lạp cổ đại. Nó vươn cao trên đỉnh Acropolis, nổi bật giữa các ngôi đền phức hợp xung quanh, tôn thờ các vị thần Hy Lạp. Pho tượng uy nghi nhất đặt bên trong ngôi đền cao 12 mét, làm bằng vàng và ngà voi chính là vị thần Athena – thần giám hộ của Athen.

Parthenon nổi bật giữa các ngôi đền phức hợp xung quanh

 

Khi mới quan sát các cột trụ của đền, chúng ta sẽ nghĩ rằng, ngôi đền to lớn này được tạo nên từ những khối đá tương tự nhau và có thể thay thế cho nhau, có thể hoán đổi vị trí của nhau. Nhưng thực tế thì không phải như thế, các bộ phận tưởng chừng đơn giản đó đều có những thông số kỹ thuật riêng biệt có thể nhận biết được. Các khối đá phải được ghép với độ chính xác rất cao, các khoảng hở chỉ ở mức 1/10mm.

Mặc dầu ngôi đền nhìn thẳng đứng, nhưng thực ra, nó không hoàn toàn thẳng. Mỗi cột đều có nét hơi cong và hơi nghiêng về phía trong. Ngay cả thanh dầm đầu cột, thanh đá nằm trên đầu cột và phần điêu khắc bên trên nó cũng cong. Điều này có nghĩa là mỗi bộ phận trong số 70.000 bộ phận của Parthenon đều là độc nhất và chỉ có thể được đặt vừa một chỗ duy nhất.

Parthenon là đài kỷ niệm, là điện thờ lớn nhất của Hy Lạp cổ đại

 

Parthenon là đài kỷ niệm, là điện thờ lớn nhất của Hy Lạp cổ đại. Nhưng chỉ 30 năm trước khi Parthenon được xây dựng, thành phố Athen đã bị tàn phá bởi người Persia. Người Athen hợp lực với các bang còn lại của đất nước Hy lạp, qua một chuỗi chiến thắng, họ đã đánh đuổi được người Persia. Khi không còn nguy cơ bị xâm lược, gần 200 thành phố khắp Hy Lạp đã đóng góp tiền của vào quỹ bảo vệ thành phố Athen, từ đó, Athen trở nên giàu có.

Mỗi cột của đền Parthenon đều có nét hơi cong và hơi nghiêng về phía trong

 

Vào năm 450 trước Công nguyên, nhà lãnh đạo tài giỏi Pericles xuất hiện và đã chỉ huy mọi người tái xây dựng thành phố Athen. Nó cũng được xem là cánh cửa mở ra thời kỳ vàng son của Hy Lap, mở ra một lý tưởng của phương Tây về mỹ thuật, khoa học, nghệ thuật và một hình thức chính phủ hoàn toàn mới, tiến bộ mang tên Demoscratos. Demos có nghĩa là nhân dân và cratos nghĩa là quyền lực. Đây là chính quyền mà quyền lực nằm trong tay nhân dân hay còn được gọi là chính quyền dân chủ.

Được trao quyền tự chủ, nhân dân Athen bỏ phiếu xây dựng lại Acroplis và tại trung tâm của nó, một công trình thể hiện lý tưởng đó đã ra đời với tên gọi là đền Parthenon. Parthenon là ngôi đền lớn nhất thế giới được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.

Hồng Hậu
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *