Bên bờ hạnh phúc

 

 

Ảnh: Internet

Ba làm nghề Đông y, nhà cũng chẳng ai làm nghệ thuật, nhưng “máu nghệ sĩ” lại len lỏi trong tim từ khi tôi còn là đứa học trò cấp hai.

Nhà tôi chỉ cách nhà NSƯT Minh Vương chừng chục căn, tôi lại chơi rất thân với anh Vương Quang, em trai anh Minh Vương nên cứ rảnh là tôi chạy sang bên đó để được nghe ca vọng cổ. Thấy tôi nghe như nuốt từng lời, anh Vương Quang bắt đầu tập cho tôi ca vọng cổ, và tôi “mê” cải lương (CL) từ đó.

Tôi tập tành làm “nghệ sĩ” ở đội CL nghiệp dư của phường và vô cùng thích thú vì được đi lưu diễn nhiều nơi. Ba biết tôi thường trốn học đi hát CL nên giận lắm, nhưng ba càng cấm, tôi càng mê. Biết không thể cấm, ba gọi tôi lại và ra điều kiện: “Nếu thực sự con mê nghề hát và có năng khiếu thì phải học hành đàng hoàng để làm nghề chuyên nghiệp. Ba cho con cơ hội thi vào lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang. Nếu trúng tuyển, con được tự do theo nghề; nếu rớt, con phải tập trung học văn hóa, không mơ màng trở thành nghệ sĩ (NS) nữa”. Tôi may mắn vượt qua kỳ thi và được “công khai” theo đuổi giấc mơ của mình.

NS Kim Tử Long vai anh chàng Hầu hột vịt lộn trong vở Bến phà kỷ niệm

 

Ngày tốt nghiệp, các bạn cùng khóa như Quang Châu, Đức Long, Tô Châu… được chọn để đóng kép chính, còn tôi chỉ được giao những vai kép hài hoặc kép lẳng. Khó nói là tôi không buồn nhưng đến giờ, tôi vẫn nhớ hoài lời dạy của má Bảy Phùng Há: “Nếu ai cũng đóng chính thì ai sẽ đóng kép hài, kép lẳng? Đóng chính không khó, để diễn cho tốt vai hài, vai lẳng mới là điều không dễ”. Giờ khi đã trở thành kép chính, tôi nghiệm thấy lời dạy của má Bảy thật giá trị. Những vai hài, lẳng cho tôi kinh nghiệm để làm phong phú thêm những vai kép chính, giúp tôi thể hiện không bị đơn điệu, một chiều.

Trong cuộc đời nghệ thuật của tôi có hai bước ngoặt đầy may mắn. Lần đầu là khi đoàn một của Nhà hát Trần Hữu Trang thiếu kép chính, tôi được đạo diễn Đoàn Bá chấm, từ anh kép hài, kép lẳng thẳng bước lên kép chính. May mắn lần thứ hai cũng đầy bất ngờ. Vào những năm 1990, khi video CL chiếm lĩnh thị trường thì tên tuổi của NS Vũ Linh luôn ở vị trí số một, nên dù đã lên kép chính trên sân khấu (SK) nhưng ở thị trường video, tôi vẫn chỉ là anh kép nhì, thậm chí kép ba. Tôi cũng không hiểu được tại sao vào thời điểm ấy, hãng Kim Lợi đủ “can đảm” dốc tiền đầu tư đẩy tôi thành kép chính. Tôi một lần nữa lại gặp may mắn khi nhà sản xuất đầu tư thành công, tên tuổi của NS Kim Tử Long dần được nhiều người biết đến.

Ảnh: Internet

 

Ba mươi năm gắn bó với SK CL, chứng kiến những bước thăng trầm của loại hình nghệ thuật này, tôi vẫn không thôi khát khao được làm nghề theo đúng nghĩa. Tôi mơ về những đêm diễn mà người NS được thăng hoa trước hàng ngàn khán giả. Tôi thèm được diễn trên một SK có hỗ trợ của công nghệ hiện đại nhưng vẫn rất thật chứ không phải hiện đại đến mức dùng kỹ thuật để ước lệ không gian, cảnh trí. Người NS bây giờ đang chịu quá nhiều áp lực. SK CL vắng khách, NS bị chỉ trích là lo chạy sô kiếm tiền, không thèm tập luyện, đầu tư cho vai diễn. Nhưng NS cũng có nỗi khổ riêng. Không có một nơi để biểu diễn chính thức, chúng tôi phải chạy sô để sống và nuôi gia đình. Mà đâu phải lúc nào cũng có sô để chạy. Chúng tôi vẫn thèm được làm nghề một cách nghiêm túc. Nếu muốn kiếm tiền, tôi đã chẳng theo đuổi SK CL, vì nhiều công việc khác có thể kiếm được nhiều tiền hơn là làm NS CL. Tôi sẵn sàng chấp nhận mức cát-sê chỉ bằng một phần năm cát-sê chạy sô, thậm chí thấp hơn, để được diễn ở một SK có đầu tư nghiêm túc, sáng đèn hàng đêm. Không chỉ riêng tôi mà nhiều NS khác cũng khao khát điều đó.

Sau lần đổ vỡ hôn nhân đầu tiên, tôi may mắn tìm được hạnh phúc mới và có thêm hai bé gái. Tôi mãn nguyện với hạnh phúc mình đang có và chỉ nghĩ đơn giản: đây là lúc mình phải phấn đấu hết mình cho nghề nghiệp và tranh thủ đi diễn kiếm tiền để vợ con có được một cuộc sống đầy đủ. Thời điểm đó, những hợp đồng cát-sê cao ngất ngưởng và những chuyến lưu diễn nước ngoài liên tục cuốn lấy tôi. Từ năm 2001 đến 2008, mỗi năm tôi đi lưu diễn ít nhất ba lần, mỗi lần từ hai đến ba tháng. Tôi cứ mải mê chạy theo việc kiếm thật nhiều tiền về cho gia đình. Có nằm mơ tôi cũng không thể ngờ, khi mình chạy quáng quàng để tìm cách bảo đảm hạnh phúc, lại cũng chính là lúc mình đánh mất hạnh phúc đang có trong tay.  

NS Kim Tử Long vào vai Nguyễn Trãi trong vở Rạng ngọc Côn Sơn

 

Tôi sốc sau lần tan vỡ thứ hai. Đau đớn, dằn vặt, ân hận… khiến tôi mất hết sinh khí, không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Ngay cả khi diễn lại vai diễn “ruột” của mình trong đêm tưởng nhớ má Bảy, tôi cũng không thể thuộc tuồng. Nghe phản ứng của dư luận, khán giả, tôi chỉ biết xin lỗi, mong mọi người lượng thứ. Thời gian đó, tôi bước lên sàn tập như người mộng du. Tôi cố quên đi biến cố gia đình và để tranh thủ học tuồng ngay lúc tập. Tôi biết, mình sẽ không thể học thoại, không thể làm bất cứ việc gì khác ngoài việc đắm chìm trong nỗi buồn khi về nhà. Có lúc tôi đã tưởng mình không thể vượt qua cú sốc quá lớn ấy. Có lẽ, tôi vẫn còn được Tổ nghiệp thương nên cuối cùng cũng bình tâm trở lại.

Sau tất cả mọi chuyện, tôi nghiệm ra rằng, là con người ai cũng có tham vọng, ai cũng muốn được cả công danh, sự nghiệp lẫn hạnh phúc… nhưng đó chỉ là ước mơ nằm ngoài tầm với, chọn cái này, sẽ mất cái kia. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian để chạy theo việc kiếm tiền. Giờ nếu có được một điều ước, tôi ước một cuộc sống bình dị để giữ mãi cho mình một gia đình ấm cúng.

 

Theo PNO
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *