Bên bờ hạnh phúc

Tết năm nay, nhiều thực tế cho thấy sức mua của nhiều bộ phận dân cư sẽ giảm. Doanh nghiệp thì đứng trước các áp lực chi phí như tỷ giá, lãi suất… Nhiều khả năng thị trường tết sẽ kém sôi động.

Giá hàng thực phẩm tăng nhanh khiến chi tiêu hàng ngày lấy đi bớt phần tiền dành cho tiêu tết của người dân. Ảnh: Lê Quang Nhật

 

Mỗi tháng thu nhập 4 triệu đồng, chị Thuỳ nói: “Mỗi năm, tết đến tôi đều cố mua cho gia đình một món đồ có giá trị và cho một ít tiền tiêu khác. Nhưng năm nay, có lẽ tôi giúp mẹ có cái máy giặt để giảm bớt nặng nhọc, còn khoản khác thì phải cắt”.

Chị Thuỳ cho biết, năm nay tiền lương không tăng, trong khi giá cả mọi thứ đều tăng, nên các khoản chi dịp tết phải tính toán thật kỹ.

Tự cơ cấu lại nhu cầu tiêu dùng

Đúng mùa cao điểm của dân trang trí, làm đẹp nhà, nhưng anh Linh, một thợ mộc, sơn PMU hành nghề tự do ở Thủ Đức lại rầu vì mất mối hàng 4 triệu đồng. Anh nói: “Ông chủ một doanh nghiệp tư nhân đã điện thoại huỷ đặt hàng sơn, làm mới lại đồ mộc trong nhà, vì hàng ế, ổng phải giảm chi tiêu”. Trước đó, một khách hàng khác của Linh cũng huỷ việc đóng lại laphông nhà vì “năm nay chắc thưởng tết ít”. Những người hành nghề dịch vụ như Linh bị hiệu ứng dây chuyền: khách không xài tiền thì mình cũng không có tiền xài.

Kế toán viên một công ty phân bón ở quận 7, còn độc thân, Mai Ngọc Kiều thường để dành 20% lương. Năm nay, theo Kiều, lương tháng tăng chút đỉnh lên mức năm triệu đồng, nhưng tết này cô vẫn đặt khung chi tiêu, dự phòng ra tết hàng hoá đắt đỏ hơn, thay vì rộng tay hơn như mọi năm.

Một số công nhân có cách tính chi tiêu năm nay khác trước, cũng biết lập kế hoạch tài chính cho mình. Mai Thành Vương (quê huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) lãnh lương chỉ tiêu vài trăm ngàn mỗi tháng, còn bao nhiêu gửi cho ban giám đốc công ty TNHH may xuất khẩu Bình Hoà giữ giùm.

Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 11 của TNS Việt Nam, từ khi khủng hoảng tài chính xảy ra, cơ cấu giữa tiêu dùng và tiết kiệm có sự thay đổi theo hướng giảm tiêu dùng. Cơ cấu tiết kiệm tương ứng với năm 2008 và 2009 lần lượt là 9% và 19%. Các khoản ăn ngoài, giải trí và mua sắm điện gia dụng là hai nhóm bị người tiêu dùng cắt giảm nhất trong năm 2010.

Chợ tết muộn

Thu nhập tháng của vợ chồng chị Nguyễn Thị Linh, trú tại xóm trọ khu Bình Đường 2, Dĩ An, Bình Dương, tính cả lương và tiền tăng ca được 5 triệu đồng. Chị Linh cho biết, hồi đầu năm vợ chồng chị còn để dành mỗi tháng 1 triệu đồng, nhưng vài tháng trở lại đây thì không dư do giá tăng.

Dạo quanh một số khu vực bán quần áo, bánh kẹo ở chợ Dĩ An, thời điểm này khá vắng công nhân đi mua sắm. Chị Nga, người bán bánh kẹo, nói rằng cùng thời điểm này năm ngoái, vào các buổi tối công nhân đã lũ lượt ra mua sắm đồ về tết, có hôm bán vài triệu đồng, còn năm nay thì khá im ắng. “Công nhân họ nói năm nay lương không tăng nhưng giá cả tăng chóng mặt, thu nhập tháng chỉ đủ chi tiêu nên không dám mua sắm”, chị Nga cho hay.

Chị Phạm Thị Dung, công nhân công ty may Thái Bình – Dĩ An, Bình Dương, cho biết từ đầu năm đến nay, khoản lương cơ bản của công nhân may vẫn giữ nguyên mức 1.161.000 đồng/tháng, tiền tăng ca, chuyên cần và các khoản phụ cấp khác cũng như cũ nên thu nhập tối đa chỉ có 2 – 2,5 triệu đồng. Còn theo chị Nguyễn Thị Luyến, công nhân công ty Place, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 thì với khoản tiền cỏn con như vậy mà nào là phải chi tiền phòng trọ, điện, nước mỗi tháng 400.000 đồng, tiền ăn trước 800.000 thì nay phải 1 triệu, đi vài ba cái đám cưới bạn bè là hết sạch. Chị Luyến buồn bã nói: “Năm nay chắc không về quê ăn tết vì số tiền 5 triệu đồng dành dụm từ đầu năm đến giờ nay đã tiêu hết do thu nhập mấy tháng qua không đủ chi tiêu”.

Không tính chuyện ăn tết xa quê như chị Luyến, nhưng anh Nguyễn Văn Lâm, công nhân công ty Đông Á, khu chế xuất Tân Thuận cũng bứt rứt vì dự tính mua tivi cho bố mẹ ở quê không thành. Chi phí sinh hoạt tăng lên trong mấy tháng gần đây khiến khoản để dành của anh vơi dần, không đủ mua tivi.

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *