Khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy canh hai, tiếng gọi nhau í ới hòa bước chân người rậm rịch khắp buôn làng Kon Tum, kéo thành từng đoàn dài như trẩy hội. Tất cả đều hướng vào cánh rừng già để săn tìm cây kim cương.

Kim cương, còn gọi là cây lan gấm, hay thạch tằm, mọc nhiều ở trong các rừng già thuộc tỉnh Kon Tum. Khoảng 2 tháng nay rộ lên tin đồn loại cây này chữa bệnh rất tốt nên được mua với giá cao, 520.000-650.000 đồng một kg, khiến nhiều người địa phương đổ xô vào rừng săn tìm.

Suốt dọc tuyến đường trên quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi, từng đoàn người, trong đó có nhiều em lứa tuổi học sinh, trên tay cầm một chiếc dao quắm, sau lưng địu thêm những gói cơm để ăn trưa, cùng vào rừng tìm cây kim cương.

Từng đoàn người đi tìm cây kim cương. Ảnh: Sơn Nguyễn

Hai chị em Y Đia (lớp 5A trường tiểu học Xã Hiếu, huyện Kon Plông) và A Quý (lớp 4), cho biết, mấy ngày trước cây kim cương còn nhiều, các em nghỉ học mấy ngày đi tìm rất dễ. Nhưng nay vì quá nhiều người cùng đổ đi hái nên cây khan hiếm dần.

Bà Y Tiết (làng Vigơlơng, Xã Hiếu) dẫn con gái Y Lủ đi cùng, nói: "Mình chỉ cho con đi hái kim cương vào thứ bảy, chủ nhật thôi, còn ngày thường phải để nó học, không sẽ bị nhà trường phê bình".

Trước những lo ngại của người đi đường nhìn em A Tuổi quá nhỏ bé, khó đảm bảo sức khỏe lặn lội hết các cánh rừng già, người mẹ Y Binh đỡ lời: "Ồ không sao đâu, cái chân của nó khỏe lắm, mắt lại rất tinh, đi miết mà không kêu mệt, kêu mỏi đâu, yên tâm đi".

Bà con buôn làng khẳng định, tụi trẻ con tìm cây kim cương còn giỏi hơn cả người lớn. Trưởng thôn Vigơlơng Đinh Xuân Ruông khoát tay: "Vợ mình đi hái cây kim cương từ lúc ông mặt trời chưa mọc kia kìa, còn dắt theo Y Thư (lớp 8) đi cùng. Sáng nay mình có việc trên xã, không thì cũng đi tìm với vợ con".

Theo ông Ruông, làng Vigơlơng có 89 hộ, 253 nhân khẩu, tất cả gia đình trong làng đều vào rừng tìm kiếm cây kim cương về bán. “Bây giờ phải đi xa chừng 20 cây số mới có được kim cương, mãi tận đỉnh núi Ngọc Lu, xã Ngọc Tem kia kìa”, trưởng thôn nói.

Họ hướng vào rừng. Ảnh: Sơn Nguyễn

Chặng đường bùn lầy lội, hàng đoàn người lầm lũi đi trong mưa dầm gió bấc, cái lạnh tê tái để đến vùng được coi là “thủ phủ” của cây kim cương, đó là xã Măng Bút, Đăk Tăng (huyện Kon Plông).

Đầu không mũ nón, ướt dầm dề, vành môi tím tái đứng run cầm cập, các em A Toàn (lớp 9), A Toài (lớp 7), A Lài (lớp 6) và A Vận đều là học sinh trường THCS Đăk Tăng, hái được chừng 0,2 kg. A Toàn hổn hển: “Tụi em đi hái từ sáng sớm, từ sáng đến chiều chưa ăn uống gì, về bán được tiền sẽ chia đều cho cả nhóm”.

Vì học sinh đổ đi hái cây thuốc hết, nên trường THCS Đăk Tăng vắng hoe. Thầy giáo Kiểm sốt ruột: "Có lúc lớp học vắng gần một nửa, phải nhờ đến chính quyền địa phương, già làng, trưởng thôn cùng tuyên truyền, vận động mới giữ chân được các em ở lớp".

Trong vai một người đi mua, phóng viên VnExpress.net được ông Thành, chủ một quán tạp hóa ở xã Măng Cành mời chào: "Muốn mua phải đặt hàng trước, chứ tui vừa bán 3kg cho mấy ông ở tỉnh Quãng Ngãi từ hồi chiều". Chủ quán để lại số điện thoại để liên lạc, hẹn ngày giao hàng.

Cây kim cương tìm kiếm được sau một ngày vào rừng của 2 cậu học trò. Ảnh: Sơn Nguyễn

Ở xã Đăk Long, hai vợ chồng người bán hàng vẻ đầy cảnh giác khi nghe khách hỏi mua cây kim cương. Song khi khách quay trở ra, người vợ lại nói với theo mời mua vài kg. Còn một “đầu nậu” tại xã Pờ-Ê, huyện Kon Plông, giới thiệu chừng 10 kg kim cương. Cũng theo vị đầu nậu này, đã có người nhờ “trúng” cây kim cương mà tậu được gắn máy, mua cả trâu. Tuy nhiên, số này không nhiều, phần lớn chỉ đủ chi tiêu.

Theo những chủ đầu nậu, cây kim cương được thu gom rồi bán sang Trung Quốc và Đài Loan. Ngày trước khi cây kim cương khi chưa có giá, người dân thường đi hái về để nấu canh ăn. Cây có vị ngọt, tựa như rau mồng tơi.

Theo Đông y, cây kim cương còn gọi là cây lan gấm, hay thạch tằm, tên khoa học Anoechilus roxburglihayata, thuộc họ lan, loại thân mềm cao từ 15 đến 20cm. Lá có màu tím đỏ, phía trên mặt lá có nhiều gân trắng nổi lên hình thoi, nở hoa trắng, cây mọc ở độ cao 700-1000 m trong các hốc đá.

Cây kim cương là vị thuốc đông y có vị ngọt, chát, tính mát, có tác dụng chữa thần kinh suy nhược, ho khan, đau họng, cao huyết áp, suy thận; chữa di tinh, đau lưng, phong thấp, làm tiêu đờm, giải độc, giải nhiệt, viêm khí quản, viêm gan mãn tính, an thần, nhận phế (mát phổi) và tăng cường sức khỏe, làm khí huyết lưu thông.

Cây chỉ mọc vào mùa mưa, khi hoa nở rụng hạt xuống đất và mọc cây con. Cây kim cương thường mọc trên vùng đất ẩm thấp, dưới tán rừng già.

Tại tỉnh Kon Tum, cây kim cương chỉ có mặt tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăkglei… Trước sự săn tìm ráo riết của người dân địa phương, cây kim cương đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, khi chính quyền chưa có quy định nghiêm cấm, bảo vệ.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *