Bên bờ hạnh phúc

9h15 phút sáng nay (20/5), kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa 12 khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Trong vòng 1 tháng, gần 500 đại biểu sẽ bấm nút những quyết sách lớn về kinh tế, xã hội, giáo dục liên quan trực tiếp đến quốc kế dân sinh.

Từ chỉ tiêu GDP cho đến bội chi ngân sách, từ việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho đến chủ trương kích cầu và những quy hoạch, đề án thu hút sự chú ý của cử tri cả nước như bô-xít hay tăng học phí… kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đang phải đối mặt với ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu.

ĐBQH phải được tạo điều kiện để có cơ hội phát biểu, tranh luận, với những ý kiến trái ngược nhau.

Chính vì thế, các đại biểu sẽ có 1 tháng hè làm việc "nóng" khi phải thảo luận, thông qua những dự luật quan trọng như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư của Việt Nam và kích cầu có hiệu quả nhất.

Gần 500 đại biểu cũng xem xét một dự án luật mới là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc sửa ba luật thuế: Thuế Thu nhập cá nhân; Thuế Giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế – nền tảng để xem xét việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm đạt mục tiêu kích cầu, đảm bảo an sinh xã hội.

Việc Quốc hội đồng ý sửa một số luật để phục vụ cho thay đổi tình hình mới giúp điều hành của Chính phủ linh hoạt hơn cũng là cách Quốc hội chung tay giải quyết khó khăn.

Tuần trước, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đã đồng tình với phương án miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân với các đối tượng đã được giãn thuế trong 6 tháng đầu năm nay. Nhưng Ủy ban đã "bác" phương án tiếp tục miễn, giảm thuế 6 tháng cuối năm.

Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội thì đề nghị nên lùi thời gian thực hiện sau 1 năm đối với đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của GD-ĐT giai đoạn 2008-2012”.

Tại buổi họp về đề án quan trọng và nhạy cảm này của ngành giáo dục, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề xuất với học phí phổ thông không thay đổi nhưng học phí ĐH nên cho tăng 50% so với năm 2000 để bù trượt giá.

Với những chỉ tiêu vĩ mô như tăng trưởng hay thu chi ngân sách, nhiều chuyên gia và ĐBQH cho rằng việc Chính phủ dự kiến giảm chỉ tiêu tăng trưởng xuống 5% và tăng bội chi ngân sách lên 8% GDP là phản ứng tích cực. Chính phủ sẽ phải cơ cấu lại thu chi ngân sách, tài khóa.

Tuy nhiên, cần nhắc rằng đây là năm thứ hai liên tiếp sẽ phải điều chỉnh lại các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đã được Quốc hội quyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy Kinh tế Quốc hội Lê Quốc Dung từng thừa nhận đây là một "bài học", vì "lúc đó (kỳ họp trước – PV) Quốc hội còn lạc quan, xem xét tình hình và tác động của kinh tế thế giới chưa thấu đáo nên không lường hết khó khăn lâu dài".

"Quan trọng nhất là ĐBQH phải được cung cấp đủ thông tin, số liệu và Chính phủ nên đưa ra nhiều phương án, tình huống cho Quốc hội lựa chọn. Thứ hai, phải có sự phân tích tình huống thấu đáo. Thứ ba, ĐBQH phải được tạo điều kiện để có cơ hội phát biểu, tranh luận, với những ý kiến trái ngược nhau", ông Dung nhận định.

Không khí tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, xuất phát từ lợi ích của đông đảo nhân dân chính là điều các cử tri đang chờ đợi ở các vị đại biểu trong tháng hè nóng bỏng này.

Theo VAnh (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *