Bên bờ hạnh phúc

Già Bem chỉ vào hai chiếc chiêng không núm, kích cỡ khác nhau treo chính giữa nhà. Cả hai đều có màu đồng thau xám, chiếc nhỏ là chiêng vợ còn gọi là Chuar, chiếc to và dày hơn là chiêng chồng được gọi là Jơliêng.

"Quý hồ tinh, bất quý hồ đa, người Brâu ta nay chỉ có hơn 80 hộ với chưa đầy 400 nhân khẩu nhưng lại là dân tộc được Giàng ưu ái nhất – già Thao Bem ở buôn Đăk Mế, xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) tự hào khoe – Người Brâu trồng lúa được gạo rẻo thơm, trồng bầu nậm thì sai quả, eo quả lại thon như eo gái dậy thì. Người Brâu còn được Giàng ban cho cất giữ báu vật chiêng vợ, chiêng chồng trị giá cả mấy chục con trâu, là biểu tượng tinh thần có quyền uy tối linh, mỗi khi chiêng vợ, chiêng chồng cùng lên tiếng sẽ đưa những điều tốt lành, hạnh phúc về với cộng đồng".

Biểu diễn chiêng vợ, chiêng chồng tại buôn của đồng bào Brâu.

Để minh chứng, già Bem chỉ vào hai chiếc chiêng không núm, có kích cỡ khác nhau đang treo ở chính giữa ngôi nhà. Cả hai chiếc đều có màu đồng thau xám, chiếc nhỏ là chiêng vợ còn gọi là Chuar, chiếc to và dày hơn là chiêng chồng được gọi là Jơliêng.

Người Brâu quan niệm rằng, sự kết hợp âm thanh giữa Chuar và Jơliêng sẽ tạo ra "âm chủ" thông linh giữa thế giới con người và thế giới các vị thần linh chính bởi vậy chỉ khi có sự kiện hệ trọng trong buôn, người ta mới tổ chức "mời" chiêng vợ, chiêng chồng cất tiếng.

Thường nhân vật đứng ra làm chủ lễ là người cao tuổi nhất, được trọng vọng nhất trong buôn và 2 nghệ nhân thực hiện phải được mọi người bầu chọn.

Đầu tiên, chủ lễ cắt tiết gà trống, dùng tay dính tiết xoa vào lòng chiêng theo vòng tròn nhiều lần rồi rót rượu "mời" chiêng uống và khấn thần linh bốn phương. Hết phần lễ, 2 nghệ nhân ngồi vào vị trí để mời chiêng vợ, chiêng chồng cất tiếng. Hai chiêng được treo lên theo hướng úp vào nhau, cách mặt đất khoảng 25 cm. Dùi để mời chiêng chồng cất tiếng gọi là dùi Đực.

Dùi để mời chiêng vợ là dùi Cái, cả hai đều là dùi trơ, đầu bịt vải mịn… Khi diễn tấu bao giờ Chuar cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu rồi Jơliêng mới tham gia. Lúc chiêng vợ, chiêng chồng cất được một, hai bài thì các cồng, chiêng khác mới được vào cuộc…

Theo truyền thống, chiêng vợ, chiêng chồng chỉ được biểu diễn trong khuôn khổ buôn làng của người Brâu, các nghệ nhân già truyền nghề bằng cách chọn trong con cháu những đứa có năng khiếu để bồi dưỡng từ khi chúng còn rất bé và phải kiên nhẫn tập huyện đến khi lấy vợ mới chơi giỏi được…

Theo Dân Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *