Bên bờ hạnh phúc

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Sắc phong Tây Sơn không chỉ có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa, mà sự tồn tại của nó cho thấy lòng dân lúc đó – ngay cả sau khi triều Tây Sơn sụp đổ vẫn luôn hướng về Tây Sơn".

Trong cuộc tổng điều tra, khảo sát các cổ vật, di vật lịch sử, văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, Bảo tàng tỉnh này đã tìm thấy hai sắc phong thời Tây Sơn.

Lưu lạc qua hai thế kỷ

Theo sử liệu, người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lên ngôi vua năm 1788, lấy niên hiệu Quang Trung. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, con trai là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu Cảnh Thịnh.

Năm 1802, toàn bộ nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn lật đổ. Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, ban hành sắc lệnh thu hồi, phá hủy, tiêu hủy toàn bộ di vật liên quan đến Tây Sơn. Những ai phạm phải điều cấm đều bị xử chém, thậm chí tru di cửu tộc. Thế nhưng, sau hơn hai thế kỷ, những sắc phong thời Tây Sơn vẫn còn "sót" lại trên đất Quảng Trị, tại nhà thờ họ Mai, thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh.

Ông Mai Văn Thảo (58 tuổi), Trưởng họ Mai ở thôn An Mỹ hiện nay cho biết: "Trước tui, Trưởng họ Mai là bác Mai Văn Đối kể lại rằng, người An Mỹ cất giữ hai sắc phong thời Tây Sơn sau năm 1802 là cụ Mai Văn Ồ, Trưởng họ Mai lúc đó.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị (trái) đang tiến hành nghiên cứu hai đạo sắc Tây Sơn ở nhà thờ họ Mai, thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ (Gio Linh, Quảng Trị).

Để tránh bị phát hiện, ông xếp chúng lại, bỏ vào cái hũ sành, chôn sâu dưới nền nhà, cách mặt đất nhiều mét. Đến thời Pháp xâm lược, ông đào chúng lên, bảo quản chúng ở nhà thờ họ Mai.

Tuy nhiên, sau này nhà thờ bị bom đạn Mỹ đánh sập, phải cất giữ hai đạo sắc tại nhiều nơi khác. Chiến tranh, ly lạc. Năm 1967, người An Mỹ chạy loạn vào phía Nam, cụ Đối kịp cuốn lấy gia phả họ và 2 đạo sắc bỏ vào túi vải mang đi. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, người họ Mai ở An Mỹ xây cất lại nhà thờ, ông Trưởng họ Mai Văn Đối đưa 2 sắc phong này vào đây lưu giữ từ đó cho đến nay. Sau này, họ tộc biết đó là 2 đạo sắc do nhà Tây Sơn sắc phong cho một vị tướng họ Mai ở làng nên gìn giữ, thờ phụng hằng năm".

Sắc phong cho một vị tướng

Ngày 18/5/2009, trong cuộc tổng điều tra, khảo sát các cổ vật, di vật lịch sử, văn hóa ở Quảng Trị do các cán bộ Bảo tàng tỉnh nghiên cứu tại nhà thờ họ Mai (thôn An Mỹ), nội dung của 2 đạo sắc trên được ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị dịch ra tiếng Việt như sau: "Ông Mai Trọng Thông, người xã An Mỹ, huyện Minh Linh, phủ Quảng Thuận, trung thành với triều đình, chỉ huy Quân đội coi trọng nghĩa lớn. Trong thời gian thi hành công vụ rất có công lao. Nay thăng chức Anh liệt tướng quân chỉ huy quân với chức vụ: Phó sứ, tước lược tài bá. Điều khiển quân đội trong địa phận mình. Hết lòng với chức vụ đã giao. Không làm trái với quy định của triều đình. Cung kính thay nay ban sắc này.Ngày 19/2/1793. Năm thứ nhất niên hiệu Cảnh Thịnh".

Nội dung đạo sắc thứ 2 cơ bản giống với trước, đều ca ngợi một người, phong tặng vào 2 năm sau (ngày 16/10/1795), với chức vụ tước hầu.

Mặt trước của đạo sắc thứ nhất là long ẩn vân, màu chàm. Nền sắc màu vàng đất, 4 góc có vòng khoanh các hạt tinh tú. Mặt sau, trang trí tứ linh: Long, ly, quy, phụng. Chính giữa và 4 góc có hồi văn chữ thọ.

Trong triện (nằm ở mặt trước long ẩn vân màu chàm, nền sắc màu vàng cháy) của đạo sắc thứ hai có 4 chữ Hán "Sắc mệnh chi bảo". Xung quanh là đường diềm có hồi văn hoa thị và hình lục giác. Mặt sau, ở 4 góc có hồi văn chữ thọ, chính giữa 2 chữ thọ liền kề; nền trang trí long phụng ẩn vân.

Cả 2 đạo sắc đều có chất liệu giấy dó mịn, kích thước 130cm x 50cm và 12cm x 50cm, có dấu triện màu đỏ ở mặt trước.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho biết: "Hai đạo sắc trên là cổ vật rất quý của triều đại Tây Sơn. Từ sau khi triều Nguyễn lật đổ Tây Sơn, các cổ vật, di vật đều bị nhà Nguyễn thu hồi, phá hủy, tiêu hủy; việc còn lại 2 đạo sắc là duy nhất ở Quảng Trị nói riêng và dường như rất hiếm ở Bình Trị Thiên (Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình). Hai đạo sắc có giá trị lịch sử phản ánh những nội dung rất quan trọng không chỉ về mặt quân đội mà về văn hóa của nhà Tây Sơn. Hai đạo sắc này xứng đáng được đưa vào danh mục những cổ vật đặc biệt quý hiếm của tỉnh Quảng Trị".

Cũng theo ông Thọ: "Ở các làng, do điều kiện không cho phép nên việc bảo quản các cổ vật, di vật, mà đặc biệt là các cổ vật bằng giấy như 2 đạo sắc trên đang đặt trước nguy cơ bị hư hại cao. Sau đợt tổng điều tra, khảo sát này, chúng tôi sẽ trao đổi với làng, với họ tộc về việc chuyển những cổ vật, di vật có giá trị sâu sắc về mặt lịch sử, văn hóa đó về Bảo tàng tỉnh để có điều kiện bảo quản tốt hơn".

Ông Mai Văn Thảo, Trưởng họ Mai (An Mỹ) cho biết, lễ cúng kỵ cho vị tướng triều Tây Sơn Mai Trọng Thông diễn ra ở thôn vào ngày 27/7 âm lịch hằng năm. Họ Mai đồng thời lấy ngày này làm ngày khuyến học cho con cháu, nhằm nhắc nhở thế hệ trẻ ở làng, ở họ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức bảo vệ, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.

Theo Phan Thanh Bình (CAND)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *