Bên bờ hạnh phúc

Từ một cậu bé 7 tuổi lang thang khắp Omaha để bán Coca-Cola, Warren Buffett giờ đã là người đứng đầu đế chế Berkshire Hathaway có tổng tài sản 525 tỷ USD.

Warren Buffett được mệnh danh là "Nhà thông thái vùng Omaba". Ảnh: Daily Finance

 

Dưới đây là 3 thói quen của huyền thoại đầu tư mà CNN cho rằng mọi người có thể học tập.

1. Không ngừng học hỏi

Trong bức thư thường niên gửi cổ đông Berkshire Hathaway, Charlie Munger – cánh tay phải của Warren Buffett đã chia sẻ về một trong những thói quen quan trọng nhất giúp ông có được thành công như ngày nay: "Buffett giới hạn hoạt động của mình xuống vài lĩnh vực để có thể tập trung tối đa vào chúng. Ông làm vậy 50 năm rồi".

Thực tế, Buffett đã tìm ra điểm mạnh của mình, "sống chết" với nó dù có khó khăn đến mấy và không ngừng mài giũa kỹ năng ấy.

Trong cuốn sách "Outliers", Malcolm Gladwell chia sẻ rằng, bất cứ ai muốn trở thành chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó, thì ngoài năng khiếu bẩm sinh, phải kể đến yếu tố khổ luyện. Bạn cần hy sinh ít nhất 10.000 tiếng đồng hồ để rèn giũa bản thân nếu trước khi trở thành chuyên gia thực thụ. "Luyện tập không phải là thứ bạn làm khi đã thành thạo, đó là thứ khiến bạn trở nên thành thạo", ông nói.

Ông đưa ra ví dụ về Bill Gates – trốn cha mẹ ra khỏi nhà mỗi đêm để học lập trình, hay ban nhạc the Beatles – chơi nhạc 8 tiếng mỗi ngày ở nhiều quán bar.

Buffett cũng vậy. Trong một bài phát biểu của mình, ông từng nói: "Ngày nào cũng như ngày nào, tôi dành rất nhiều thời gian chỉ để ngồi và nghĩ. Điều này không mấy phổ biến trong tác phong kinh doanh của người Mỹ. Tôi đọc và suy ngẫm. Cũng nhờ thế mà tôi ít khi đưa ra những quyết định bốc đồng. Tôi làm vậy vì tôi thích".

Không cần biết cuộc sống này đưa bạn tới đâu, hay nghề nghiệp của bạn là gì. Hãy luôn nhớ dù bạn học từ Buffett, the Beatles hay Bill Gates, tuy không thể hoàn hảo, sự miệt mài khổ luyện sẽ luôn giúp bạn tiến gần mục tiêu hơn.

2. Kiên nhẫn chính là chìa khóa

Năm 2003, Buffett từng viết: "Chúng tôi đã mua một ít cổ phiếu Well Fargo năm ngoái. Trong số 6 công ty mà Berkshire nắm cổ phần lớn nhất, lần gần đây nhất chúng tôi có giao dịch là Coca-Cola (1994), American Express (1998), Gillette (1989), Washington Post (1973), Moody’s (2000). Rõ ràng các nhân viên môi giới không thích điều này".

Trong thư gửi các cổ đông năm 2010, ông chia sẻ, để Berkshire có được thành công, "chúng tôi không chỉ phải làm tốt công việc hiện tai, mà còn phải tiến hành những thương vụ thâu tóm lớn. Đạn đã được nạp đầy đủ, và tôi cũng đã ngứa tay lắm rồi".

Nhiều người đã nghĩ rằng Buffett sắp có thương vụ cả 10 tỷ USD. Tuy nhiên, khi khối tiền mặt của Berkshire đã lên tới hơn 60 tỷ USD, ông vẫn quyết định chờ đến thời điểm thích hợp.

Nếu là trường hợp không cần suy nghĩ nhiều và thời gian là vàng bạc, rõ ràng việc nhanh chóng lao vào một thương vụ sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Còn nếu không, hãy lùi lại một bước và kiên nhẫn chờ đợi.

3. Ghi nhận và tuyên dương những người xứng đáng

Một trong những điểm cuối cùng nên học hỏi ở Buffett là cách ông khen ngợi đội ngũ giám đốc. Trong bài phát biểu năm 2009 về Ajit Jain – người phụ trách mảng tái bảo hiểm tại Berskshire, cũng là ứng cử viên sáng giá thay thế Buffett, ông đã nói: "Nếu Charlie , tôi và Ajit cùng ở trên một chiếc tàu đang đắm và các bạn chỉ cứu được một người, hãy bơi về phía Ajit".

Hay khi ông viết về Todd Combs và Ted Weschler – người phụ trách những khoản đầu tư lớn của công ty, Buffett cho biết: "Trong một năm mà hầu hết các quỹ không thể "vượt trội" hơn S&P 500, Todd Combs và Ted Weschler vẫn làm rất tốt. Mỗi người đang quản lý hơn 7 tỷ USD. Một lần nữa phải thú nhận rằng, những khoản đầu tư của họ còn "chất" hơn của tôi. Nếu điều đáng xấu hổ này vẫn tiếp diễn, chắc tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thôi nói về họ. Todd và Ted – sự đóng góp của họ với công ty là vô cùng lớn, dù ở những vấn đề không liên quan đến các hoạt động đầu tư. Bởi tình yêu với Berkshire đã ăn vào máu họ rồi".

Cách ông biểu dương Tony Nicely năm 2005 cũng vậy: "Credit Geico (hãng bảo hiểm thuộc Berkshire) có một CEO tài ba, Tony Nicely. Năm ngoái, công ty này đã giành thêm thị phần, lợi nhuận thu về cũng rất đáng khen, và thương hiệu cũng ngày càng vững chắc. Nếu bạn có con trai hay cháu trai mới chào đời, hãy đặt tên thằng bé là Tony nhé".

Là người giàu thứ 3 thế giới với tài sản hơn 72 tỷ USD, Buffett ý thức được rằng, để thành công như ngày hôm nay, sự đóng góp của những người khác cũng quan trọng như nỗ lực của chính ông vậy. Vì thế, dù đang ở chức vụ nào đi nữa, bạn cũng đừng quên gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp mình lên được vị trí đó.

Nguồn: Thanh Tuyền ( CNN/ VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *