Bên bờ hạnh phúc

VI. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1954 ĐẾN NAY

1/ Thời kỳ 1954 – 1975

Mỹ nhảy vào miền Nam thay thế Pháp. Từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ I, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ đã có những thay đổi lớn về nhiều mặt. Nó đã triệt để sử dụng những thành tựu của cuộc cách mạng KHKT hiện đại để phát triển lực lượng sản xuất, đẩy nền kinh tế của CNTB đi vào con đường phát triển theo chiều sâu, đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa lực lượng sản xuất nhằm củng cố sự tồn tại và phát triển của CNTB thế giới. Mặt khác, chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, đã sử dụng chủ nghĩa thực dân kiểu mới thay thế cho chủ nghĩa thực dân cũ, cố giành lấy những thắng lợi mới ở các nước “thế giới thứ ba”, ngăn chặn ảnh hưởng của CNXH đối với các nước đang phát triển, duy trì và tăng cường sự bóc lột của CNTB đối với các nước này, buộc họ hòa nhập vào hệ thống kinh tế của chủ nghĩa đế quốc bằng việc tạo ra và mở rộng những quan hệ TBCN. Trái với chủ nghĩa thực dân cũ trước đây, chủ nghĩa thực dân mới không chủ trương kìm hãm sự phát triển của những quan hệ TBCN bản xứ, mà chỉ cố gắng điều khiển sự phát triển ấy đi theo quỹ đạo kiểm soát của chủ nghĩa đế quốc.

Trong thời kỳ 1954 – 1975, Mỹ và chính quyền miền Nam đã biết kế thừa có phê phán trong việc tiếp tục phát triển những quan hệ TBCN trước đó. Viện trợ Mỹ là nguồn tài chính chủ yếu cho sự phát triển của CNTB trong nền kinh tế miền Nam, quá trình “hòa trộn”, “lai ghép” những nhân tố TBCN trong nước và nước ngoài vốn có từ thời Pháp lại được phát triển trong điều kiện mới của chủ nghĩa thực dân mới và chiến tranh.

CNTB hiện đại ở miền Nam Việt Nam thời kỳ từ năm 1954 – 1975 ra đời trong bối cảnh chiến tranh, trực tiếp phục vụ và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam. Ngành thương nghiệp miền Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng phát triển không ngoài quy luật đó.

Vào thời kỳ này, Mỹ đã tung vào miền Nam một khối tiền của khổng lồ, một khoản viện trợ quân sự và kinh tế to lớn mà chưa tính toán đến việc thu ngay lợi nhuận về kinh tế. Cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài và ác liệt của Mỹ chống nhân dân Việt Nam đã tác động mạnh đến mọi mặt của xã hội miền Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển CNTB ở đây. Ở chừng mực nhất định, nó đã tạo ra những đặc điểm riêng của hình thái TBCN ở miền Nam. Trong tình hình nền kinh tế miền Nam nói chung còn chậm phát triển thì thành phần kinh tế TBCN đã có bước phát triển nhanh theo yêu cầu phục vụ chiến tranh của Mỹ.

Trên lĩnh vực thương nghiệp, CNTB hiện đại đã thâm nhập và tác động đến hoạt động thương nghiệp rất lớn. Vào thời kỳ này, thương nghiệp miền Nam nói chung, Vĩnh Long nói riêng có sự chuyển biến tích cực, bước đầu được hiện đại hóa về nhiều mặt như cơ sở vật chất, các định chế, phương thức buôn bán, hệ thống tổ chức kinh doanh, trình độ tổ chức…

Chuyển biến trong lưu thông hàng hóa. Sự lưu thông hàng hóa có trước sản xuất hàng hóa và là một trong những điều kiện đẻ ra sản xuất hàng hóa. Trong thời kỳ 1954 – 1975, nhất là từ những năm 1965 trở đi, Mỹ và chính quyền miền Nam đã tập trung xây dựng một hệ thống GTVT thủy – bộ và hàng không phát triển để vừa phục vụ nhu cầu lưu thông hàng hóa, vừa phục vụ cho những yêu cầu của chiến tranh.

Về đường bộ, cả hệ thống đường quốc gia và đường liên tỉnh, liên quận, liên xã, cả loại đường rải nhựa, rải đá đều có sự phát triển đáng kể. Hệ thống đường trải nhựa đã nối liền nhiều thành phố, trung tâm chính trị – kinh tế. Hệ thống đường này đã đạt tiêu chuẩn quốc tế về khả năng chịu đựng những trọng tải lớn.

Về đường thủy, mặc dù trong những năm 1960, do ảnh hưởng chiến tranh, vận chuyển bằng đường thủy có nhiều hạn chế, nhưng nó vẫn có một vị trí quan trọng sau hệ thống đường bộ. Một mạng lưới sông rạch chằng chịt khắp ĐBSCL đã giúp cho việc vận tải hàng hóa giữa ĐBSCL với thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn cũng như giữa các trung tâm kinh tế trong vùng trở nên thuận lợi. Miền Nam có 7 thương cảng là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ và Vĩnh Long, trong đó cảng lớn và quan trọng nhất là cảng Sài Gòn với khả năng đón được tàu có trọng tải 2 – 2,5 vạn tấn, công suất thiết kế của cảng là 5 – 7 triệu tấn hàng hóa/ năm.

Ở Vĩnh Long vào thời kỳ này, đường liên tỉnh, liên quận, liên xã, cả loại đường rải nhựa, rải đá đều có sự phát triển đáng kể, tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh : Vĩnh Long nối liền thành phố Sài Gòn với các tỉnh miền Tây qua tỉnh Vĩnh Long từ bắc Mỹ Thuận đến bắc Cần Thơ, đường Liên tỉnh 7 nối liền Vĩnh Long với tỉnh Trà Vinh, đường Liên tỉnh 8 nối liền tỉnh Vĩnh Long với tỉnh An Giang. Đường hàng tỉnh nối liền tỉnh lỵ với các huyện lỵ. Đường hương lộ nối liền các xã đến huyện lỵ.

Về đường thủy, nhiều sông ngòi rải khắp trong tỉnh Vĩnh Long giúp sự vận tải bằng đường thủy các thổ sản từ thôn quê đến quận lỵ hoặc tỉnh lỵ hoặc hàng hóa từ tỉnh lỵ về thành phố Sài Gòn được dễ dàng với giá rẻ.

Tổng chiều dài các kênh rạch, sông mà thuyền ghe lưu thông được là 750 km.

Ngoài ra còn có những chuyến tàu chuyên chở hàng hóa về thành phố Sài Gòn và các tỉnh lân cận :

– Từ Vĩnh Long đi Sài Gòn

– Từ Vĩnh Long đi Định Tường

– Từ Vĩnh Long đi Trà Vinh

– Vĩnh Long – An Giang

– Vĩnh Long – Cần Thơ

đã giúp cho việc vận tải hàng hóa giữa Vĩnh Long với thành phố Sài Gòn, giữa Vĩnh Long với các tỉnh trong khu vực trở nên thuận lợi.

TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *