Bên bờ hạnh phúc

Những cơn đau do khớp thoái hóa rất khó chịu và dai dẳng, khiến việc đi đứng khó khăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Bệnh này thường gặp ở người trung niên, nhưng một số dạng thoái hóa khớp có thể phòng từ tuổi thanh, thiếu niên.

 

Những kẻ giấu mặt

Ngoại trừ thoái hóa khớp có liên quan đến miễn dịch, di truyền, thì phần lớn khớp bị “hư hỏng” gây đau là hậu quả của những kẻ “ném đá giấu tay” sau:

Thừa cân

Kinh tế phát triển, dịch vụ phát triển nên các món ăn ngon ngày càng nhiều, càng tiện. Không mất công sức sơ chế, nấu nướng mà vẫn thoải mái ăn ngon miệng nên chúng ta dễ dàng lựa chọn món ăn yêu thích. Trọng lượng thừa của cơ thể buộc các khớp lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân phải “làm thêm” và khi không thể gồng gánh nữa thì chúng sẽ báo hiệu bằng những cơn đau để “đình công”.

Tập sai

Khi thừa cân, không ít người tìm đến thể dục để giữ dáng, giữ gìn sức khỏe, song lại lựa chọn theo quảng cáo như “do các huấn luyện viên có thâm niên hướng dẫn”! Hậu quả, đã có trường hợp tập trên máy những bài tập nặng tới mức cột sống đau cấp tính, nứt cột sống… Các quý ông cũng giữ cân bằng cách chạy “huỳnh huỵch” ngoài sân tennis. Tư thế đánh sai, việc chạy quá sức so với độ tuổi, lại không tập luyện thể dục từ trước, không khởi động đúng và đủ nên dễ bị trật vai, thoái hóa khớp gối…

Tư thế sai

– Các em học sinh hiện nay cao hơn xưa, nếu ngồi bàn ghế thấp sẽ cong vẹo cột sống, dễ bị gù, đầu gối không thẳng, thiếu máu nuôi khiến khớp “từ giã tuổi thanh xuân” sớm.

– Các chị tiểu thương ở chợ, đa phần bị đau lưng, đau khớp gối… do ngồi bán trên những chiếc ghế đẩu. Chưa kể, một số hàng hóa được sắp xếp cho thuận tay dễ với lấy dẫn đến tình trạng khớp “già sớm” vì bị sử dụng quá thường xuyên.

– Các cô gái trẻ ngày nay thích mang giày, guốc cao trên 10cm. Khi mang giày dép lênh khênh, chỉ cần đường gập ghềnh là có thể gặp tai nạn trẹo chân, té ngã.

Bảo vệ khớp

Phụ huynh cần tạo điều kiện con em ngồi bàn ghế sao cho phù hợp với chiều cao và đúng với sinh lý cơ thể như: chọn mua bàn ghế hoặc góp ý với nhà trường… BS Thái Thị Hồng Ánh – Bệnh viện FV TP.HCM tư vấn: “Cần hướng dẫn các bé ngồi học ngay ngắn. Chân chạm đất, cẳng chân vuông góc với đùi, đùi vuông góc với mình, đầu hơi cúi, đặt hai cẳng tay lên mặt bàn, tránh ngoẹo cổ. Cặp học sinh cần đeo cả hai vai để giữ được tư thế ngay ngắn. Trọng lượng cặp không quá 4kg để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

Phụ nữ nên hạn chế đi guốc cao vì dễ bị té ngã, lật cổ chân… Những người làm việc một tư thế trong thời gian dài sẽ khiến khớp xuống cấp. Do đó, cần chủ động đổi tư thế sau mỗi một tiếng đồng hồ làm việc liên tục…

Ai cũng biết, việc luyện tập thể dục, thể thao giúp cơ bắp khỏe mạnh, khí huyết lưu thông, giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động, giúp xương khớp khỏe. Tuy nhiên, phải tập sao cho đạt được mục tiêu? BS Phan Vương Huy Đổng – Hội Y học Thể thao TP.HCM giải đáp: “Cùng một môn thể dục, thể thao, giữa dù hai người ngang tuổi nhau, nhưng thể lực khác nhau, và giữa người thường xuyên tập luyện với người mới tập sẽ có sự khác biệt. Điều này lý giải cho những trường hợp bệnh nhân chấn thương tập máy. Khi tập, bạn cần lưu ý:

– Chọn môn thể dục yêu thích và phù hợp.

– Rèn luyện kỹ thuật cho chính xác.

– Khởi động kỹ, tập luyện lượng sức, có thời gian nghỉ theo tư vấn của huấn luyện viên. Vài ngày đầu, người tập có thể thấy ê ẩm, nhưng sẽ hết dần. Nếu cơn đau không dứt mà tiếp tục lan tỏa thì phải ngưng tập ngay và tìm đến chuyên gia về y học thể thao để tìm nguyên nhân.

– Nếu có điều kiện, nên đa dạng hóa các môn để tạo sự hứng khởi và gia tăng hiệu quả.

Nguồn: Hà Nam ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *