Bên bờ hạnh phúc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cử các đoàn công tác đi kiểm tra việc giải ngân các dự án ODA, đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.

Có tới 14 trong số 17 dự án sử dụng vốn ODA mà TP.HCM đang thực hiện chỉ đạt mức giải ngân so với kế hoạch năm dưới 20%. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng này là năng lực nhà thầu hạn chế.

Trong khi đó, Dự án mở rộng hệ thống cấp nước Mê Linh và Dự án Nâng cấp và mở rộng hệ thống cấp nước TP. Cà Mau (đều do Italy tài trợ) cũng đang chậm tiến độ. Nguyên nhân là Công ty Bebringg ApA (Italy), nhà thầu chính của cả hai dự án này đã chính thức tuyên bố phá sản và không thể hoàn thành Dự án.

Ảnh minh họa.

Là một trong những bộ được giao sử dụng vốn ODA nhiều nhất, Bộ Giao thông – Vận tải trong 5 tháng đầu năm giải ngân được 1.848 tỷ đồng (1.571 tỷ đồng vốn ODA và 277 tỷ đồng vốn đối ứng), bằng 38% kế hoạch năm.

Trong số 38 dự án mà Bộ Giao thông – Vận tải đang thực hiện, có tới 27 dự án có mức giải ngân so kế hoạch năm dưới 20%. Cá biệt có những dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như Dự án cầu Nhật Tân (0,96%), Dự án cảng Cái Mép – Thị Vải (2,27%), Dự án Hành lang ven biển phía Nam (0,03%)… Và một trong những nguyên nhân quan trọng được nhắc tới cũng là năng lực nhà thầu thấp.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn ODA trong 5 tháng đầu năm mới bằng 38% kế hoạch giải ngân của cả năm 2009, đạt khoảng 720 triệu USD.

Con số này, mặc dù theo ông Cao Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phản ánh thực tế thường xảy ra đối với các tháng đầu năm, song rõ ràng là thấp hơn kế hoạch đặt ra và càng thấp hơn nữa nếu đặt trong bối cảnh cả nước đang tập trung cho kích cầu.

Về nguyên nhân, ngoài năng lực nhà thầu, theo ông Cường, còn do một số cơ chế, chính sách và quy định ở các văn bản pháp quy nằm ngoài Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA còn nhiều bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng.

Cùng với đó là các địa phương, trong bối cảnh phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan chủ quản, vẫn chưa phát huy được tính chủ động trong việc đề xuất và lựa chọn những dự án ưu tiên sử dụng vốn ODA…

“Việc thay đổi quy hoạch ở địa bàn nơi thực hiện dự án cũng tác động không nhỏ tới tiến độ dự án. Chẳng hạn, Dự án Quản lý và Xử lý chất thải rắn do Hàn Quốc tài trợ vì chọn địa điểm gần khu vực dân cư nên không được người dân ủng hộ”, ông Cường phân tích và cho biết, không thể không nhắc tới những nguyên nhân như chậm bàn giao giải phóng mặt bằng, thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, sự khác biệt trong quy trình, thủ tục với nhà tài trợ…

Trên một khía cạnh khác, ông Cường cũng đã nhắc tới cơ chế bố trí vốn đối ứng giữa Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, trong các hiệp định ký kết, địa phương cam kết cân đối vốn đối ứng, song trong quá trình thực hiện lại đề nghị Trung ương hỗ trợ.

Điều này có thể lý giải vì sao trong khi Chính phủ luôn tuyên bố không để thiếu vốn đối ứng, thì ở dưới địa phương, vẫn không ít lời đề nghị về việc tăng thêm hoặc nhanh cấp vốn đối ứng.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh một lần nữa khẳng định rằng, Chính phủ sẽ không để thiếu vốn đối ứng, kể cả phải ứng trước vốn năm 2010, đặc biệt là vốn cho các công trình trọng điểm.

“Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA”, Thứ trưởng Cao Viết Sinh nói và nhấn mạnh quan điểm rằng, mục tiêu trong năm nay là giải ngân được càng nhiều vốn ODA càng tốt.

Trong bối cảnh hiện nay, việc giải ngân vốn ODA không chỉ giúp giải quyết vấn đề đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng phát triển trong tương lai, mà còn có thể góp phần bù đắp cho cán cân thanh toán quốc tế – đang được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay.

Chính vì vậy, sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cử các đoàn công tác đi kiểm tra việc giải ngân các dự án ODA, đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ để thúc đẩy giải ngân vốn ODA.

Cùng với đó, Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đã đề xuất một loạt giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn ODA. Đó là hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến ODA, cải cách hành chính và tinh giản quy trình, thủ tục trong việc tiếp nhận và thực hiện nguồn vốn ODA; thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống theo dõi và đánh giá các dự án ODA, làm cơ sở để đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này.

Theo Hà Nguyễn (VnEconomy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *