Nói đến Tết Thanh Minh thì người ta nghĩ ngay đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh. ‘Đạp thanh’ có nghĩa là ‘giẫm lên cỏ’, với ngụ ý thời tiết ấm áp, thích hợp du xuân.

Tết Trùng Cửu còn có một cách nói khác là ‘Từ thanh’, chính là ‘tạm biệt thảm cỏ xanh’. Sau ngày Trùng Cửu là mùa đông, cây cối không có sức sống, không thích hợp để đi chơi ở vùng ngoại ô. Vì thế, tết Trùng Cửu là cơ hội đi chơi sau cùng của mọi người khi thời tiết sang đông.

Người dân Trung Quốc thường tổ chức leo núi vào ngày tết Trùng Cửu

 

Thành phố Thái An của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nằm ở chân núi Thái Sơn. Vào tết Trùng Cửu hằng năm, nơi đây thường tổ chức cuộc thi leo núi, thu hút nhiều người đến tham gia. Hơn 2.000 năm qua, núi Thái Sơn được xem là núi thần, là nơi tế lễ của hoàng đế thuộc nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Núi Thái Sơn còn có tên là Đông Nhạc, được xem là thánh địa của Đạo giáo và Phật giáo.

Vào dịp tết Trùng Cửu, người ta còn làm loại bánh mang tên ‘bánh Trùng Cửu’. Loại bánh này bắt nguồn từ những nơi không có núi. Trong tiếng Hán, bánh ngọt gọi là “cao điểm” – trong đó, “cao” nghĩa là bánh. Chữ ‘cao’ này phát âm trùng với chữ “cao” trong từ “đăng cao”, có nghĩa là lên cao. Vì vậy, mọi người cho rằng, ăn bánh Trùng Cửu còn có thể thay thế cho việc lên núi cao. Ở nhiều khu vực không có núi non, việc chế biến bánh Trùng Cửu đã kết hợp hài hòa với thói quen ẩm thực các vùng, miền, làm xuất hiện nhiều dạng bánh. Không chỉ nguyên liệu sử dụng khác nhau mà ngay cách chế biến cũng khác nhau và vì thế, mùi vị của bánh sẽ khác nhau.

Bánh Trùng Cửu đã kết hợp hài hòa với thói quen ẩm thực của các vùng miền

 

Ở nhiều nơi, người ta cắm thêm cây cờ giấy màu đỏ trên bánh Trùng Cửu. Theo sử sách ghi chép, bánh có gắn cờ được dành cho người đi học với hy vọng người ăn sẽ thi đỗ trạng nguyên, thăng quan phát tài.

Ở một số thành phố ven biển phía Nam Trung Quốc, việc làm quan trọng trong ngày Trùng Cửu không phải là leo núi hay ngắm nhìn hoa cúc, mà là cúng tế thần linh.

Ma Tổ là nữ thần biển được người Trung Quốc phụng thờ. Ma Tổ là từ địa phương, được sử dụng phổ biến ở phương Nam Trung Quốc dùng để chỉ người phụ nữ lớn tuổi. Nữ thần biển Ma Tổ có tên thật là Lâm Mặc. Tương truyền, năm 8 tuổi, bà đã dùng phép tiên cứu cha thoát khỏi cơn sóng hung tợn khi ông ấy đánh bắt cá ngoài biển khơi. Từ đó, bà đã cứu nhiều người gặp nạn trên biển. Bà qua đời ở tuổi 28. Để những thương nhân và người dân yên tâm đi lại trên biển, quan phủ đời Tống đã cho dựng tượng nữ thần biển và người được chọn là Ma Tổ.

Cùng với sự phát triển của hoạt động mậu dịch trên đường biển, việc tín ngưỡng Ma Tổ còn lan rộng ra các nước vùng Đông Nam Á. Theo truyền thuyết, những người được bà cứu cuối cùng vào đúng ngày tết Trùng Cửu. Do cứu nhiều ngư dân, hao tốn nhiều thần lực nên bà đã vĩnh viễn ra đi. Từ đó về sau, việc cúng tế Ma Tổ vào dịp tết Trùng Cửu trở thành hoạt động không thể thiếu của các thương nhân vận chuyển bằng đường biển và ngư dân thời cổ. Hoạt động cúng tế Ma Tổ vẫn được duy trì cho đến nay.

Ngày nay, người dân Trung Quốc đã gửi gắm một ý nghĩa mới cho ngày tết Trùng Cửu. Năm 1989, Trung Quốc xem tết Trùng Cửu là tết của người già. Như vậy, ngày 9 tháng 9 vừa bao gồm ý nghĩa vốn có của ngày tết Trùng Cửu truyền thống vừa biểu đạt lòng tôn kính người già của mọi người, chúc các cụ mạnh khỏe, sống lâu.

Tết Trùng Cửu cũng là tết của người già

 

Không ngừng phát triển trong hàng ngàn năm qua, tết Trùng Cửu của người Trung Quốc đã mang thêm nhiều ý nghĩa mới. Nhưng dù mang ý nghĩa gì thì ngày 9 tháng 9 hàng năm vẫn là ngày lễ truyền thống mong đợi của bao người Trung Quốc.

Hồng Mẫn
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *