Bên bờ hạnh phúc

Tối 17/4, tại Hội trường Thống nhất, TPHCM đã diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại con đường tiền tệ”. Đây là lần đầu tiên chủ đề về “Con đường tiền tệ” được tái dựng thông qua những câu chuyện lịch sử về hoạt động tài chính ngân hàng trong thời kỳ chiến tranh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa cho các đồng chí nguyên lãnh đạo ngành Ngân hàng làm nên “Huyền thoại con đường tiền tệ”. Ảnh: TTXVN

 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương những cống hiến của các thế hệ cán bộ ngành ngân hàng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển ngày nay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vai trò của ngành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Theo đó, ngay sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cách mạng là phải xây dựng một nền tài chính tiền tệ độc lập, tự chủ để góp phần vào công cuộc bảo vệ và kiến quốc.

Trên cơ sở chủ trương, chính sách mới về tài chính, kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam.

Ngay khi ra đời, Ngân hàng quốc gia Việt Nam được giao nhiệm vụ quan trọng là phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính, thực hiện quản lý Kho bạc Nhà nước, góp phần thống nhất quản lý thu chi ngân sách, thực hiện tín dụng phục vụ lưu thông hàng hóa, tăng cường năng lực kinh tế quốc doanh và đấu tranh với địch trên mặt trận tiền tệ.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhiệm vụ chính của ngành ngân hàng là củng cố thị trường tiền tệ, bình ổn vật giá, khôi phục kinh tế trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, phát triển tín dụng, đẩy mạnh khôi phục và phát triển nông – công – thương nghiệp, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam.

Để phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt cho ngành ngân hàng là nhận và vận chuyển tiền tệ từ hậu phương miền Bắc, trong đó có khoản tiền tệ ủng hộ của bạn bè quốc tế chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là nhiệm vụ bí mật, nguy hiểm, nhưng cũng rất vẻ vang của ngành ngân hàng. Trong suốt quá trình thực hiện, các cán bộ ngân hàng có lúc phải trực tiếp tham gia chiến đấu và trong số đó đã có nhiều cán bộ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trong những năm đầu thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, ngành ngân hàng đã nỗ lực khắc phục những yếu kém, tồn tại, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, khẩn trương thành lập hệ thống ngân hàng và thống nhất tiền tệ trong cả nước, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong công cuộc đổi mới và kiến thiết đất nước.

Hệ thống ngân hàng đã không ngừng đổi mới cơ chế, góp phần xứng đáng trong công cuộc đổi mới. Điển hình là đã góp phần đẩy lùi nạn lạm phát phi mã, ổn định giá trị đồng tiền, kinh tế vĩ mô, làm nòng cốt cho việc huy động vốn qua kênh tín dụng phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững, ổn định đời sống nhân dân. Cùng với nhiệm vụ được giao, ngành ngân hàng đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội của nước ta, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng với truyền thống của ngành, trong thời gian tới, tập thể, lãnh đạo công chức, viên chức ngành ngân hàng sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa để đưa hệ thống ngân hàng phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, an toàn, bền vững, hội nhập thành công, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Tại buổi lễ, qua lời kể của các nhân chứng lịch sử, người dân cả nước được biết tới con đường tiền tệ huyền thoại. Song hành cùng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, “đội quân” của Ngân hàng Việt Nam đã tạo nên một "Con đường tiền tệ" rất sáng tạo và hiệu quả.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam mang bí số B29 (Trung ương), C32 (bộ phận kho quỹ của Ban Kinh Tài thuộc Trung ương Cục) và B6 (Ban Tài chính đặc biệt với các phiên hiệu B68, D270, N2683…) đã vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ những phương thức vận chuyển tiền mặt (AM) thô sơ, tốn kém, sau đó các cán bộ, chiến sĩ ngân hàng đã chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM), giúp việc vận chuyển tiền từ quỹ đặc biệt ở Hà Nội vào miền Nam từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút.

Bên cạnh đó, một đường dây bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ từ bạn bè quốc tế được hình thành. Sau 10 năm hoạt động bí mật, đến tháng 4/1975, các chiến sĩ ngân hàng đã chi viện cho miền Nam khoảng 1 tỷ đô la Mỹ, hàng tỷ tiền Sài Gòn và một khối lượng lớn tiền tệ Campuchia, Lào, Thái Lan… Tất cả số tiền viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định.

Nguồn: Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *