Bên bờ hạnh phúc

Không chỉ ở bản tính mà ngay cả ngoại hình, loài cáo đã toát lên vẻ thông minh và lanh lợi. Thế nhưng loài cáo sa mạc Tây Tạng hay còn gọi là cáo Tây Tạng lại hoàn toàn khác với họ hàng nhà mình không chỉ ở hình dáng mà đặc biệt còn ở bộ mặt không thể chán nản hơn được nữa.

Sở hữu đôi mắt nhỏ và cụp nên thần thái của chúng lúc nào trông cũng có vẻ lờ đờ, kém lanh lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, cáo Tây Tạng cũng là một tay săn mồi cừ khôi. Chúng thường ăn những động vật nhỏ như thỏ pika, chuột, sóc đất, thằn lằn, hươu xạ, cừu xanh…

Cáo Tây Tạng có tên khoa học là Vulpes Ferrilata. Chúng phân bố chủ yếu ở cao nguyên Tây Tạng, phía Tây Trung Quốc và cao nguyên Ladakh ở phía Pakistan. Ngoài ra, cáo Tây Tạng còn được tìm thấy ở một số tỉnh Trung Quốc như Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam, Tứ Xuyên, khu tự trị Tân Cương và tại phía Bắc Bhutan, biên giới phía Bắc giữa Nepal – Ấn Độ, phía Bắc dãy Himalaya.

Loài cáo mặt chán nản này có thân hình nhỏ nhắn nhưng lại sở hữu bộ lông dày và mềm. Con trưởng thành thường có chiều dài thân từ 60 – 70cm từ đầu tới thân và chiều dài đuôi dao động từ 29 – 40cm. Trong khi đó, trọng lượng trung bình của chúng là từ khoảng 4 – 5,5kg.

Do tỷ lệ giữa mắt và hộp sọ không cân đối, kết hợp với phần đầu vuông như chiếc hộp nên khuôn mặt trông "chán hẳn" nhưng có phần hài hước của cáo Tây Tạng đã khiến không ít người liên tưởng tới một con cáo hoạt hình bị vẽ sai tỷ lệ. Vì vậy, như đã dự đoán từ trước, trào lưu chế ảnh meme cũng không "buông tha" cho loài cáo mặt "ngáo" này.

Theo Trí thức trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *