Bên bờ hạnh phúc

Trong chuyến hành trình đến với xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp chúng tôi đã tìm gặp hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Kim Chi ngụ ấp Mỹ Điền để lắng lòng mình với một câu chuyện đời cảm động. Đó là câu chuyện của những chia ly, mất mát.. nhưng vẫn nồng ấm hơi thở yêu thương lớn lao của một người mẹ.

Một năm đã trôi qua kể từ ngày chồng bà ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư dạ dày nhưng những nỗi đau mất mát dường như vẫn vẹn nguyên trong ngôi nhà lạnh lẽo vắng vẻ, trên đôi mắt đượm buồn mệt mỏi của người phụ nữ gần 60. Cố cất đi nỗi đau của một gia đình không trọn vẹn, mất đi một điểm tựa tinh thần, bà Chi buộc mình phải mạnh mẽ hơn để gồng gánh gia đình, nuôi dạy con thơ khôn lớn.

Một ngày của bà bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn yên giấc để chuẩn bị cho gian hàng rau cải bán quanh xóm. Gắn bó với nghề bán rau đã hơn một năm sau chuỗi ngày lênh đênh với đủ nghề làm thuê làm mướn, với bà Chi công việc này giờ là kế mưu sinh duy nhất. Dù công việc không ít vất vả và đồng lời kiếm được chỉ vài chục ngàn đồng để đắp đổi qua ngày nhưng bà vẫn nhẫn nại gắn bó với nghề. Bởi đâu đó là tình thương lớn lao của một người mẹ là niềm mong ước bình dị để con trẻ có được tương lai vẹn tròn từ trong nghèo khó.

Cha mất khi bà mới lên 7, mẹ đi thêm bước nữa, bà về sống cùng bà ngoại nhưng cuộc sống ngày ấy cũng muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng có lẽ điều khiến bà thấy tủi lòng nhất là không có được sự yêu thương trong vòng tay ấm áp của cha mẹ. Để rồi, từ những năm tháng thiếu thốn tủi cực ấy, bà càng khát khao mãnh liệt hơn về một hạnh phúc vẹn tròn. Nên duyên muộn với ông Nguyễn Tấn Lực, hành trang lập nghiệp của đôi vợ chồng chỉ có đôi bàn tay trắng và niềm tin từ sự cần cù nhẫn nại cuộc sống rồi sẽ ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng cảnh sống làm thuê cứ mãi bấp bênh theo mùa vụ và càng chật vật hơn khi suốt quãng thời gian dài ông bà phải đối mặt với bao sóng gió khi mang trên mình những căn bệnh ngặt nghèo. Để rồi những ước mơ bình dị về một mái nhà lành lặn hơn mà ông bà vẫn hằng ấp ủ bao cứ mãi xa tầm tay với.

Thấu hiểu cảnh sống khó khăn thiếu thốn của gia đình từ những ngày còn tấm bé, Đạt – đứa con duy nhất của ông bà- đã phải sớm lao động gánh vác gia đình phụ mẹ. Hình ảnh cậu bé một buổi làm thêm một buổi đến lớp đã trở nên quen thuộc với bạn bè thầy cô. Dù mới bước vào lớp 8 nhưng Đạt lại khá chững chạc so với những bạn bè đồng trang lứa. Bao năm tháng làm bạn với mưa nắng, Đạt hiểu hơn về nỗi nhọc nhằn chất chồng lên vai mẹ. Để rồi sau những ngày miệt mài hôm sớm những đồng tiền em kiếm được dù có ít ỏi vẫn chan chứa bao yêu thương của một đứa con thảo hiền dành cho mẹ.

Ngôi nhà nhỏ đơn sơ ở tạm của một người bà con này hiện tại là nơi mà hai mẹ con vẫn gọi là tổ ấm sau những ngày phải sống cảnh rày đây mai đó. Nghĩ về chốn dừng chân của đời mình mà bà Chi không khỏi nghẹn lòng khi làm lụng vất vả suốt gần một đời người mà bà chẳng thể có cho riêng mình một tổ ấm thực sự. Trong không gian quạnh quẽ ấy chỉ có hơn ấm của tình thương mà hai mảnh đời côi cút đã dành cho nhau để sưởi ấm, sẻ chia cùng nhau qua những tháng ngày giông bão.

Thương mẹ một mình lo toan gánh vác, Đạt không ít lần chạnh lòng khi nghĩ đến chuyện phải nghỉ học để mưu sinh. Thế nhưng nhờ sự động viên kịp thời của thầy cô bạn bè mà Đạt đã có thể tiếp tục viết tiếp ước mơ cắp sách.

Giữa bao khó khăn của cảnh sống gia đình, những năm qua, mỗi ngày đến lớp với Đạt là một sự cố gắng khi em phải sắp xếp thời gian cho việc học và làm thêm phụ mẹ kiếm tiền. Những buổi chăn vịt, làm cỏ mướn ngoài đồng phải thường xuyên chịu cảnh nắng cháy rát da nhưng tất cả đều đã trở thành một phần trong cuộc sống của cậu học trò nghèo. Để rồi niềm hi vọng vẫn nhẹ nhàng len lỏi trong những giọt mồ hôi thấm mặn, trong những bước chân nhọc nhằn cơ cực và em vẫn luôn tự dặn lòng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bằng tất cả sự chăm chỉ vượt khó, tin rằng đường tương lai của em sẽ được rộng mở hơn.

Có đi qua những ngày tháng thiếu vắng tình thương, bà Chi mới thấm thía hết sự thiếu thốn của con mình để cố gắng bù đắp cho con. Cố vun vén cho con không phải thiệt thòi so với những đứa trẻ khác, bà làm thuê đủ mọi việc để cho con được cơm no lành áo. Vậy mà bao khó khăn cứ vây lấy, nỗi lòng người mẹ lại quặn thắt từng cơn khi không thể lo cho con được đủ đầy. Tình yêu thương của một người mẹ đành gửi vào những đường kim, mũi chỉ, chăm chút cho con tấm áo mặc được lành lặn.

Bữa cơm nghèo chỉ có vài con ốc, mớ rau mà hai mẹ con lặn lội từ mương sâu mới có được, nhưng đâu đó nơi mái lá nghèo hơi ấm yêu thương vẫn nồng đượm và lan tỏa để mẹ con có thêm nghị lực bước tiếp chặng đường ngày mai.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Bà Nguyễn Thị Kim Chi, xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Cẩm Nhường 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *