Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất lúa ở ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long còn lớn là do thiếu sân phơi, lò sấy để làm khô hạt lúa, nhất là vào vụ thu hoạch rộ.

Nhiều địa phương không có lò sấy lúa, còn ở từng hộ dân thì không có đủ sân phơi nên khi thu hoạch lúa với số lượng nhiều hoặc gặp thời tiết mưa bão, nông dân đành phải ủ đống, hạt lúa rất dễ bị giảm chất lượng, phải bán giá thấp. Để hạn chế tình trạng này, bà con nông dân đã tìm thuê dịch vụ sấy lúa hoặc thuê sân phơi lúa. Nhờ đó, những năm gần đây, nhiều hộ dân đầu tư vốn xây dựng sân phơi lúa cho thuê, cách làm nầy phát triển khá mạnh. Dịch vụ sân phơi lúa hiện không chỉ giải quyết nhu cầu làm khô lúa nhanh cho bà con nông dân sau khi thu hoạch mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Theo thống kê, tổng diện tích lúa cả 3 vụ Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông ở Vĩnh Long gần 177.000 ha/năm. Với năng suất bình quân là 5 tấn/ha, sản lượng lúa cả năm của tỉnh đạt trên 900.000 tấn. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ ở từng nông hộ, việc thất thoát sau thu hoạch chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 10% -12% , làm thu nhập giảm đáng kể. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tổn thất này, trong đó có tình trạng thiếu sân phơi, lò sấy lúa khi đến vụ thu hoạch.

Thống kê trong toàn vùng ĐBSCL cho thấy số lò sấy lúa chỉ giải quyết được 30% nhu cầu của nông dân

Làm ra hạt lúa rất vất vả, khi lúa chín lại hao hụt nhiều và chất lượng giảm do việc phơi sấy không thuận lợi, nhất là khi thu hoạch rộ và gặp phải mưa bão. Nếu có sân phơi, lò sấy tốt sẽ giúp cho việc làm khô lúa rất nhanh, đảm bảo chất lượng hạt lúa, ngược lại lúa sẽ sẩm màu do bị ẩm ướt kéo dài. Đây là nỗi lo của rất nhiều nông dân.

Thiếu sân phơi lúa đang là thực trạng chung tại nhiều địa phương hiện nay. Nông hộ không có sân phơi hoặc sân phơi nhỏ thì lúa sẽ “ứ đọng” khi mưa dầm, trong khi lò sấy lúa thì thiếu hoặc có lò nhưng công suất nhỏ và chỉ hoạt động cầm chừng. Lò nhỏ lại làm phát sinh chi phí, công vận chuyển khá tốn kém nên hầu hết người trồng lúa ở vùng châu thổ sông Cửu Long vẫn trông chờ vào “ông trời”. Hạt lúa sau khi thu hoạch được đem phơi nắng là phổ biến.

Việc làm khô lúa bằng cách phơi nắng cũng thừơng không mấy thuận lợi. Nông hộ nào có sân phơi tốt, sức chứa nhiều thì lúa khô nhanh trong vòng vài ba ngày, còn ngược lại thì sẽ gặp khó khăn khi thời tiết xấu. Lúa “kẹt sân”, đồng nghĩa với việc kẹt luôn giá bán. Để giải quyết tình trạng này, bà con nông dân đã tìm đến các dịch vụ cho thuê sân phơi lúa. Từ nhu cầu thực tế, những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đầu tư vốn xây dựng sân phơi lúa để cho thuê, mô hình này được hình thành và phát triển khá mạnh.

Ông Nguyễn Chí Linh, ở ấp 5, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình cho biết, gia đình ông làm ruộng và từng nếm trải vất vả trong việc phơi lúa sau khi thu hoạch. Lúc đông ken, mùa mưa đến, cả nhà phải chạy tìm nơi phơi lúa nên ông đã quyết định đầu tư sân phơi lúa. Hiện sân phơi của ông có diện tích trên 1.000 mét vuông với sức chứa mỗi đợt phơi gần 30 tấn lúa. Theo ông, việc xây dựng sân phơi lúa này một phần là do nhu cầu của gia đình, sau đó sẽ làm dịch vụ cho thuê sân phơi lúa, giúp cho bà con lân cận.

Mô hình sân phơi lúa ở Vĩnh Long đang phát triển khá mạnh và thu hút nhiều hộ dân đến thuê. Theo bà con, mô hình này rất tiện ích và có hiệu quả, bình quân một sân phơi 1000 mét vuông có thể chứa từ 25 – 30 tấn lúa/ngày. Nếu trời nắng thì thời gian phơi khô lúa từ một đến một ngày rưỡi, mùa mưa, thời tiết xấu thì thời gian phơi khô lúa cũng chỉ từ 2 – 3 ngày. Hoạt động của các sân phơi lúa như hiện tại sẽ giải quyết khá nhanh một khối lượng lúa hàng hóa, giúp nông dân bớt vất vả và lo lắng khi tới vụ thu hoạch.

Dịch vụ cho thuê sân phơi lúa vừa tạo thu nhập cho chủ sân phơi, vừa giúp cho những người dân địa phương có ít đất hoặc không có đất đai canh tác có thêm công ăn việc làm. Hiện nay, giá thuê sân phơi lúa trọn gói là 100.000 đồng/tấn lúa, trong đó chủ sân phơi được 25.000 đồng, nhóm nhân công phơi đảo lúa 27.000 đồng , còn lại đội bốc vác lúa từ ghe lên và ngược lại là 48.000 đồng. Nếu sân phơi có sức chứa 25 tấn, trời nắng, phơi trong vòng 2 ngày thì lúa khô. Với 15 nhân công lao động, sau khi trừ phần thu của chủ sân và các chi phí khác, tùy theo công việc mà mức thu nhập trung bình của mỗi nhân công phục vụ phơi lúa từ 50.000 – 70.000 đồng/ngày.

Hiện thời chưa có thống kê đầy đủ tổng số sân phơi lúa cho thuê trong tỉnh Vĩnh Long là bao nhiêu, nhưng qua tìm hiểu thì số lượng các sân phơi đang tăng hàng năm. Chỉ tính ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình đã có đến hơn 10 sân phơi lúa cho thuê, với tổng diện tích trên 1 ha, trung bình mỗi sân phơi từ 800 – 500 mét vuông. Riêng ở ấp 6 của xã Hòa Hiệp, do nằm ở cận sông nên đã có đến 5 sân phơi lúa làm dịch vụ cho thuê. Bình quân một sân phơi sẽ giải quyết từ 15 – 20 lao động ở nông thôn có việc làm. Trung bình một lao động có thể kiếm thêm hơn 1,5 triệu đồng/tháng từ dịch vụ sân phơi lúa.

Thống kê trong toàn vùng ĐBSCL cho thấy số lò sấy lúa chỉ giải quyết được 30% nhu cầu của nông dân, riêng ở Vĩnh Long thì lò sấy chỉ mới đáp ứng khoảng 10% sản lượng lúa của cả tỉnh. Trước thực trạng người nông dân gặp khó khăn trong việc làm khô lúa do thiếu sân phơi, đồng thời các địa phương không đủ hoặc không có lò sấy lúa, việc xây dựng các sân phơi lúa để làm dịch vụ cho thuê đã giải quyết kịp thời “cơn khát” thiếu sân phơi lúa của nông dân vào mỗi vụ thu hoạch. Thiết nghĩ đây là một mô hình mang lại lợi ích thiết thực và có hiệu quả cần phát huy nhân rộng.

Quốc Chiến
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *