Bên bờ hạnh phúc

Xuân Ất Mùi 2015 là cột mốc đánh dấu Chương trình Chuyến xe nhân ái tròn 5 năm tuổi. Năm năm, một chặng đường dài Chuyến xe nhân ái đã đi khắp các vùng quê xa xôi, hẻo lánh trong địa bàn tỉnh Vĩnh Long để cùng chia sẻ với những bà con nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở. 

Gia đình ông Huỳnh Châu Đảnh, ấp Mỹ Phước 1

Bị mù từ lúc nhỏ, lại mắc căn bệnh thiếu máu cơ tim, vậy mà đều đặn mỗi ngày không quản nắng mưa, ông Huỳnh Châu Đảnh ngụ ấp Mỹ Phước 1 lại ngụp lặn dưới dòng nước lạnh để phụ vợ bắt hến đem bán đắp đổi qua ngày.

Ông bà có 6 người con nhưng đều nghèo khó phải bôn ba làm mướn phương xa, không đỡ đần được gì cho cha mẹ, chỉ còn người con trai út sống chung thì trí óc không được như bao người, càng khiến gánh mưu sinh thêm oằn nặng.

Nguồn thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào con nước, nên mái nhà nhỏ được hỗ trợ từ nguồn vốn của xã và tấm lòng thảo thơm của bà con lối xóm không còn đủ lành lặn để che nắng che mưa cho 3 thành viên. Bao nỗi lo lại chất chồng theo những ngày tết đến khi làm sao ông bà có đủ khả năng dựng xây lại một mái nhà chắc chắn để an cư.

Gia đình bà Phạm Thị Bé, ấp Mỹ An

Chồng bỏ ra đi khi đứa con trai vừa tượng hình trong bụng, gần 20 năm qua bà Bé phải bươn chải một mình nuôi con không lớn. 

Cuộc sống gia đình nhọc nhằn cơ cực nên Vàng- con trai bà Bé sớm dở dang việc học để đỡ đần cho mẹ. Công việc hái bưởi mùa vụ hay phụ hồ rày đây mai đó ít tiền lại không cố định, nên gánh nặng áo cơm cứ mãi chất chồng trên mái tranh nghèo.

Một mùa xuân mới lại về, nỗi lo cơm áo lại tiếp tục oằn nặng trên vai, nên mái nhà xiêu vẹo này chưa biết khi nào bà mới có khả năng xây lại cho lành lặn hơn.

Gia đình chị Hồ Thị Nghiệp, ấp Mỹ An

Chồng qua đời trong một tai nạn điện cách đây 4 năm, khiến gánh mưu sinh oằn nặng trên vai chị Hồ Thị Nghiệp ngụ ấp Mỹ An. Không việc làm ổn định, mớ ốc mà mà người mẹ đơn thân kiếm mỗi ngày cũng chỉ đủ trang trải bữa rau bữa cháu cho 4 mẹ con.

Thêm vào đó, căn bệnh sỏi thận và thận ứ nước ngày càng trở nặng, không tiền phẫu thuật chị Nghiệp chỉ có thể cầm chừng bằng vài loại cây thuốc quanh nhà, càng khiến tương lai của cả gia đình rơi vào túng quẫn.

Căn chòi nhỏ dựng tạm trên bờ sông quanh năm đất lở là tổ ấm giúp 4 mẹ con tá túc, nhiều năm nay đã dột xiêu, nghiêng ngả, những cơn gió se lạnh ngày tết tràn về càng làm tổ ấm quạnh quẽ hơn. Khi áo cơm vẫn còn là nỗi trăn trở thì ước mơ có được một nơi ở chắc chắn để an cư với gia đình vẫn còn xa lắm…

Gia đình chị Lê Thị Dúng, ấp Mỹ An

Hơn 10 năm chồng bỏ ra đi, là ngần ấy năm bà Lê Thị Dúng ngụ ấp Mỹ An âu lo nhiều hơn cho cuộc sống bởi đứa con trai duy nhất, trụ cột trong gia đình, bất ngờ phát bệnh tâm thần.

Lặn lội vài cây số mỗi ngày trong các vườn cây ăn trái của bà con để xin mớ rau, mớ ốc về trang trải bữa cơm thì làm sao người mẹ này dám mơ về một mái nhà chắc chắn?

Đau lòng hơn khi chốn đi về rách nát ấy lại bị sập từ sau một trận bão, khiến mẹ con bà Dúng phải đi ở nhờ ở đậu bà con lối xóm. Mong ước có một mái nhà vững luôn là nỗi khát khao bấy lâu nhưng không biết đến bao giờ bà và con trai mới có thể đón một mùa xuân trọn vẹn hơn trong một ngôi nhà chắc chắn của riêng mình.

Gia đình anh Trần Văn Lóc, ấp Mỹ An

Ngôi nhà nhỏ vách ván, cây lá được dựng lên từ sự giúp sức của bà con hàng xóm, 5 năm qua không còn đủ lành lặn để gia đình anh Trần Văn Lóc, ngụ ấp Mỹ An, vượt qua những mùa giông gió. 

Những cơn đau kéo dài từ căn bệnh bướu tim hành hạ khiến sức khoẻ anh Lóc suy yếu nhiều. Không thể tiếp tục công việc phụ hồ, anh chuyển sang nghề giăng lưới cá trên sông để 2 con được tiếp tục giấc mơ đại học.

Dầm mưa dãi nắng nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng thu nhập ít ỏi từ công việc chẳng đủ để lo cơm áo, càng không đủ lo cho gia đình có được một cái Tết đầm ấm như bao người. Và anh lại trăn trở nhiều hơn khi ước mơ xây lại một ngôi nhà vững vàng hơn vẫn cứ xa dần.

Gia đình anh Lê Tấn Đạt, ấp Mỹ Phước 1

Dưới cái nắng oi ả, anh Lê Tấn Đạt ngụ ấp Mỹ Phước 1 vẫn cần mẫn đẩy từng xe hồ, xe gạch, để kiếm từng đồng tiền công về trang trải cho cuộc sống gia đình.

Nhiều lần ngất xỉu tại nơi làm vì căn bệnh thiếu máu cơ tim và suy tim, nhưng mỗi khi khoẻ lại là chị Cảnh-vợ anh Đạt lại tiếp tục làm thuê quanh xóm để cùng chồng san sẻ nhọc nhằn.

Bao bộn bề lo toan vì cuộc sống áo cơm, chi phí học tập và ước mơ cho con có một mái nhà ổn định để vui vầy trong những ngày tết đến cứ ngày đêm trăn trở trong lòng người cha, người mẹ. Gồng mình chống chịu trước gió mưa, biết đến bao giờ ngôi nhà nhỏ mới có điều kiện sửa sang cho lành lặn? 

Hạnh Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *