Bên bờ hạnh phúc

Bất ngờ trong những ngày cuối năm, trên cung đường phố xuân tôi bắt gặp chuyên gia trang điểm Tony Nguyễn trong gian hàng dưa hấu nghệ thuật tại Nhà văn hóa Thanh Niên.

 

Từng là gương mặt thân quen trên phim trường qua các bộ phim như: Về đất Thăng Long, Đường chân trời, Trở về và hiện anh đang tất bật với dự án phim Biệt thự Pansee của đạo diễn Minh Trương trong công tác tiền kỳ để chuẩn bị cho ngày bấm máy vào mùng 10 tết tới đây.
Vậy mà tại nơi này anh lại chễm chệ trong một gian hàng tết, miệng luôn nở nụ cười khi khách đến tham quan hoặc hỏi mua. Cứ nhìn đôi tay anh thoăn thoắt với những đường nét tinh tế, cứ 20 phút lại xong một quả dưa, có lúc thì hình ông Phước Lộc Thọ, có lúc là đôi long phụng, đơn giản hơn thì hình chữ lộc chữ tài… hầu hết đều không cần vẽ phác thảo, chỉ cần khách hàng đưa yêu cầu hình gì, chữ gì là anh tất tả chọn dưa và lên ý tưởng ngay trong đầu, cứ thế lần lượt từng quả dưa xanh, trung bình cứ khoảng 10 đến 15 ký ra đời.
Ôm trọn quả dưa trên lòng đầu gối, chỉ cần một cây chạm bằng sắt khá đơn giản là anh đã có thể vẽ theo ý muốn của mình. Biết tôi đang thắc mắc, anh cười rất duyên và trò chuyện: “Nghề này em theo đã 7 năm. Có thể xem em là người tiên phong trong việc chạm khắc dưa nghệ thuật. Tuy nhiên nghề chính của em vẫn là trang điểm cho các người đẹp, từ hoa hậu, diễn viên, ca sĩ cho đến cô nội trợ và bạn sinh viên, chỉ cần có yêu cầu là em làm tuốt luốt" – Tony Nguyễn nói.
"Làm đẹp như thế này phải bắt nguồn từ đam mê, sau đó phải sáng tạo nhiều mẫu mã mới, thì mới đáp ứng được thị trường. Nghề khắc dưa nghệ thuật bắt nguồn từ các chương trình tỉa rau củ quả trên ti vi, nhưng em thấy khắc cà rốt, củ cải nó nhỏ quá, không thấy sướng nên mới nghĩ ra chuyện khắc dưa. Ban đầu chỉ là chơi vui rồi tặng bạn bè, người thân, sau đó nhiều người thấy đẹp đặt hàng thế là em “chơi” luôn tới bến" – Tony nói thêm.

Tính đến nay Tony Nguyễn đã có bảy năm thâm niên – một chặng đường khá dài. Nghề này tự học, tự chế đồ nghề. Có người là thợ mộc chuyển sang, có người chuyên vẽ thư pháp, cũng có lắm người là thợ bạc cũng mon men với nghề này, nhưng không phải ai cũng thành công.

Có anh đang là thợ xăm hàng đầu thành phố, với tay nghề điêu luyện thuộc hàng bậc thầy, nhưng khi tham gia thử “ngón” khắc dưa cũng phải bỏ chạy vì không quen. Đây là nghề đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, đặc biệt là năng khiếu trời cho, bởi những sự sáng tạo trong một không gian tưởng tượng thì chưa có trường lớp nào đào tạo cả. 

Tony bật mí tiếp: “Ở thành phố mình hiện giờ cũng có nhiều điểm mở ra để phục vụ bà con những ngày tết, có nơi tạo khung đóng mộc cho nhanh, cũng có nơi vẽ vài đường lả lướt xem như có màu mè chưng trong ngày tết là vui rồi, có chỗ “chơi” thư pháp cho nhanh gọn lẹ, nhưng cũng có chỗ yêu cầu rất cao, Long lân quy phụng và có đường nét đàng hoàng. Những đòi hỏi kiểu này làm mình rất mất thời gian, nhưng được một điều là mình thỏa sức sáng tạo, nhất là chọn những quả dưa khổng lồ từ 20 -30 ký, tha hồ chạm khắc, ra được tác phẩm nhìn sướng lắm, chỉ cần thêm cái nơ màu đỏ, “chơi” thêm tí bọt màu, kim tuyến là có ngay hàng độc trong ngày xuân".

Nhiều người thích loại hình dưa nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng có thể mua được bởi giá hơi cao, bởi "sự sáng tạo trong nghệ thuật bằng 'tim óc' thật khó mà định giá". Một quả dưa chạm khắc mất từ 20 phút đến 1 giờ tùy theo hình vẽ. Quả dưa khoảng 10 ký có giá từ 300 đến 500 ngàn. Một ngày nếu người nghệ sĩ chịu "cày" có thể khắc từ 30 – 50 quả dưa là bình thường.

Tuy nhiên, Tony kể, tiền mặt bằng từ 23 tết đến ngày 30 đã ngốn gần 8 triệu, rồi phải có nhân viên giao hàng, thay ca… lời không nhiều nhưng được cái là vui. Nhất là các bạn diễn viên, người mẫu, ca sĩ cứ liên tục đến tham quan và xin chụp hình lưu niệm. Thôi thì, ngày xuân mình cũng nên dành chút thời gian trổ tài mọn, trước giúp vui cho mọi người có món quà ý nghĩa, sau kiếm chút “cháo” trong ba ngày xuân. Nghề nào cũng vậy, miễn sao đem lại niềm vui cho mình, cho mọi người là ý nghĩa nhất rồi.

Tạm chia tay anh khi gian hàng quá đông khách, Tony chỉ cái bảng ở trên quầy với hàng chữ "Khắc Dưa nghệ thuật" kèm theo số điện thoại di động, anh cười rất tươi: “Nhờ nó mà em làm không kịp nghỉ tay, bởi khách hàng quen bây giờ nhiều lắm, chỉ cần alo là một giờ sau em đã có thể giao hàng tận nơi”.

Nguồn: Lữ Đắc Long ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *