Bên bờ hạnh phúc

Đi về các xã vùng sâu, chúng ta mới thấy hết những cơ cực của người dân nghèo lam lũ. Thế nhưng, bà con vẫn tin rằng cuộc sống mai đây sẽ thay đổi nếu như đôi tay còn miệt mài với công việc. Bao trăn trở cứ oằn nặng lên đôi vai người lao động khi mái nhà là nơi che mưa che nắng lại không được lành lặn. 

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 193: Xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình

Gia đình anh Trần Thanh Dân, ấp Mỹ Thành

Tai nạn bất ngờ từ những ngày đi cắt lúa thuê đã khiến thị lực của anh Trần Thanh Dân ngụ ấp Mỹ Thành trở nên kém hẳn. Trở về nhà với đôi mắt không còn khỏe mạnh, anh Dân không cho phép mình nghỉ ngơi, tiếp tục đi phụ hồ để trang trải cuộc sống bớt phần chật vật.

Thương chồng gánh vác cả gia đình nên chị Dung, dù thể trạng yếu ớt sau 2 lần sinh nở khó, nhưng vẫn gắn bó với công việc đan thảm lát mong có thể lo cho 2 con được học hành đến nơi đến chốn.

Căn nhà, tài sản duy nhất kể từ ngày anh chị ra riêng, hơn chục năm chưa một lần sửa sang giờ không còn lành lặn để chở che cho các thành viên trong những ngày sắp tới.

Gia đình anh Huỳnh Văn Tài, ấp Mỹ Hưng

Sau lần đổ sập vì mưa gió, mái lá nhỏ được dựng lên tạm bợ làm nơi chở che cho gia đình anh Huỳnh Văn Tài ở ấp Mỹ Hưng.

Miệt mài đi làm mong có số tiền cất lại mái nhà chắc chắn cho vợ con, nhưng vụ tai nạn té giàn giáo cách đây 2 tháng đã khiến cho ước mơ của anh vụt tắt. Cảnh nhà quá chật vật nên dù đôi chân chưa lành hẳn, anh Tài vẫn tiếp tục ngược xuôi khắp các công trình xây dựng mong kiếm tiền trang trải gia đình.

Thương chồng chẳng nề hà cơ cực, nên dù bận bịu chăm sóc con thơ nhưng chị Thảo, vẫn tranh thủ nhận hàng gia công hột quẹt. Cơm, áo, gạo, tiền xen lẫn nợ thuốc thang, vài chục ngàn tiền công mỗi ngày của chị không đủ để đắp đổi, thì ước mơ về ngôi nhà chắc chắn với anh chị đến giờ vẫn chưa thành hiện thực được.

Gia đình anh Ngô Quốc Quy, ấp Mỹ Phú Tân

Chục năm ra riêng với đôi bàn tay trắng, cuộc sống của gia đình anh Ngô Quốc Quy càng khốn khó hơn khi đứa con trai chỉ mới 5 tuổi đã mang trong người nhiều căn bệnh hiểm nghèo: xuất huyết cơ, khớp mà nặng nhất là xuất huyết não, phải duy trì bằng thang thuốc mỗi ngày.

Vài chục ngàn tiền công kiếm được sau những buổi lặn đất thùng của anh hay cả ngày dài lựa bọc nilong của chị, lo cho cái ăn cái mặc cho cả gia đình đã khó thì việc chạy chữa cho con càng khiến cảnh nhà rơi vào bế tắc.

Căn nhà, tổ ấm duy nhất của các thành viên, sau bao năm xác xơ cùng mưa nắng vẫn chưa được sửa sang, lại càng đè nặng bao âu lo trong lòng anh chị.

Gia đình ông Nguyễn Tấn Lực, ấp Mỹ Trung 2

Hơn 10 năm mang trong người căn bệnh tai biến nên tất cả mọi sinh hoạt của ông Nguyễn Tấn Lực ở ấp Mỹ Trung 2 đều trong chờ vào vợ, vào con.

Tuổi ngoài 70, thương chồng, thương con, lại cưu mang thêm đứa cháu nên 7 năm qua, từng nải chuối, mớ rau dại ngoài vườn là tất cả tình yêu thương mà bà đã dốc sức vun vén cho gia đình.

Tranh thủ những ngày không rửa xe thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Lượng – con trai ông bà, về quê tranh thủ vài việc đồng áng để giúp cha mẹ già bớt vất vả.

Trăn trở nhiều cho mái nhà được địa phương hỗ trợ mười mấy năm qua không còn vững chắc, nhưng thu nhập ít ỏi từ công việc hiện tại của gia đình đã khiến ước mơ an cư vẫn còn xa lắm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết, ấp Mỹ Thành

Căn nhà nhỏ nằm sâu trong một vùng quê hẻo lánh đã không còn đủ vững chắc để chở che cho 5 thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ngụ ấp Mỹ Thành gần chục năm qua.

Hơn nửa đời vất vả đi làm thuê tứ xứ, vợ chồng chị Tuyết chẳng tích cóp được gì ngoài căn nhà lá ọp ẹp cùng chứng bệnh hẹp van tim khiến chị thường xuyên mệt mỏi, sức khỏe của anh cũng yếu đi từ khi xương bả vai bị gãy trong lúc đang làm việc, khiến chuyện áo cơm của gia đình rơi vào túng quẫn.

Người mẹ già nay ốm mai đau, căn bệnh thiếu máu não của đứa con trai càng khiến số nợ thang thuốc cho cả gia đình cứ chất chồng.

Giữa bao thiếu thốn vì bệnh tật vây quanh nhưng gia đình anh chị vẫn không thôi hy vọng về một mái nhà không còn dột nát để ước mơ về con chữ của các con được chắp cánh từng ngày.

Gia đình chị Bùi Thị Mười Ba, ấp Mỹ Phú 5

Không muốn trở thành gánh nặng cho chồng nên dù sức khỏe chưa kịp hồi phục sau lần mổ tim miễn phí cách đây 2 năm, chị Bùi Thị Mười Ba, ngụ ấp Mỹ Phú 5, vẫn gắng gượng đi đan võng thuê để trang trải tiền thuốc thang hàng ngày và cùng chồng nuôi đứa con thơ.

Bao năm qua một mình gánh vác chuyện áo cơm, anh Phong hàng ngày vẫn nhẫn nại chạy từng cuốc xe ôm kiếm vài chục ngàn. Thế nhưng làm sao gia đình có thể thoát nghèo khi số nợ 15 triệu đồng vay chăn nuôi gà thất bại đến nay chưa trả được, nên mơ ước về một tổ ấm không còn xiêu vẹo phải che chắn bằng những tấm cao su vẫn là nỗi trăn trở bấy lâu trong lòng anh chị.

Tấn Đạt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *