Bên bờ hạnh phúc

Tìm đến mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện mưu sinh với nhiều khó khăn thiếu hụt, thế nhưng họ đều cố gắng hết mình để mong muốn có được một chốn an cư. Hy vọng rằng, với sự sẻ chia của chương trình Chuyến Xe Nhân Ái, những ngôi nhà mới nghĩa tình sẽ là động lực giúp các gia đình vượt qua nghèo khó…

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 186: Xã Phú Đức, huyện Long Hồ

Dừng chân tại xã Phú Đức huyện Long Hồ, những người thực hiện chương trình Chuyến Xe Nhân Ái đến thăm gia đình anh Chương Hồng Hải ngụ ấp An Thuận trong tiếng ê a của trẻ nhỏ. Hòa trong tiếng nói cười ngây thơ là nỗi lo canh cánh về tương lai của các con mà chị Phượng – vợ anh – vẫn từng ngày trăn trở. Không thể bám trụ với công việc buôn bán rau ở chợ bởi những lần ngất xỉu do chứng hạ canxi, nhưng chị vẫn cố làm thêm công việc đánh dây lát để san sẻ gánh nặng cùng chồng.

Chị Phượng vừa đánh dây lát vừa trông con học bài

Tuy tai không còn nghe rõ bởi chứng viêm tai giữa và căn bệnh gai cột sống khiến cơ thể anh phải đau nhức mỗi khi lao động nặng trở về. Thế nhưng, anh Hải vẫn chọn công việc phụ hồ vì công việc này là nguồn thu cao nhất với những người làm thuê làm mướn như anh. Để rồi, đi qua biết bao công trình lớn nhỏ anh vẫn mong mỏi 1 ngày không xa chính đôi tay của mình sẽ xây cho vợ con 1 ngôi nhà vững chắc thay cho chái lá đã hư hỏng trước thời gian.

Anh Hải chọn công việc phụ hồ vì nó mang lại nguồn thu nhập cho gia đình 

Ngụp lặn nơi sông sâu để bắt thêm mớ hến khi không có người thuê mướn làm hồ là hoàn cảnh của anh Nhi – con trai bà Trần Thị Hoa – ngụ cùng ấp An Thuận. Thiếu đi tình thương của cha từ thuở nhỏ nên khi dựng xây 1 mái gia đình anh luôn cố gắng vun vén cho cuộc sống của các thành viên thêm phần no đủ. Thế nhưng, khi thu nhập vẫn còn trông mong vào sự thuê mướn của bà con, mà chi phí thuốc thang cho căn bệnh khớp và những lần cao huyết áp của bà Hoa cùng căn bệnh thoái hóa cột sống của vợ, thì biết đến bao giờ mái nhà dột ướt này sẽ được sửa sang kiên cố.

Thu nhập từ việc cào hến, làm thuê thì làm sao anh Nhi có thể lo cho cả gia đình?

Ở cái tuổi xế chiều nhưng bà Trần Thị Ba, ngụ ấp Phú Thạnh vẫn chưa thể an lòng khi mái nhà này không biết sẽ đổ sập lúc nào. Hơn 80 tuổi, nhưng mỗi ngày bà vẫn vun vén trong ngoài để anh Sơn – con trai bà – sau những lúc lao động trở về sẽ có được bữa cơm no. Dẫu trí não không được phát triển như bao người, nhưng anh Sơn vẫn cố tìm cho mình công việc cắt cỏ thuê để bữa cơm của 2 mẹ con bớt phần quạnh quẽ. Giờ đây, trong không gian nhỏ hẹp, 2 mảnh đời phải chật vật chuyện áo cơm thì một ngôi nhà vững vàng là sự hỗ trợ kịp thời giúp bà Ba an tâm khi tuổi già sức yếu.

80 tuổi, bà Ba vẫn còn vất vả với việc nhà và nỗi lo áo cơm hằng bữa

Khi câu chuyện áo cơm vẫn còn là gánh nặng thì hoàn cảnh của gia đình anh Huỳnh Văn Thanh cùng ấp với bà Bà lại thêm nỗi lo bệnh tật. Từ ngày mang chứng bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối phải chạy thận hàng xuyên thì chị Thúy – vợ anh phải ngậm ngùi khi tương lai của 2 con không được tròn con chữ. Để rồi, khi đất đai đều theo bệnh tật ra đi, con gái lớn -Thúy Ngân – phải bôn ba lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc, còn con gái nhỏ – Mỹ Ngọc – phải cùng cha chăm lo cho những lần chạy thận của chị ở tận Cần Thơ, mà ngôi nhà này không còn đủ vững vàng để chở che cho các thành viên trước những khó khăn thử thách.

Vợ mắc bệnh nằm một chỗ, mọi nỗi lo, gánh nặng anh Thanh đều gánh trên vai

Cùng hoàn cảnh với anh Thanh khi bệnh tật vây quanh khiến những dự tính thoát nghèo của gia đình chị Võ Kim Phượng ở ấp An Thành còn xa xôi lắm. Tai nạn lao động đã lấy đi những ngón tay của chị, nhưng chị vẫn cần mẫn trên khắp các cánh đồng, mương sâu để tìm vài mớ cá, mớ cua trang trải cho bữa cơm nghèo. Từ ngày mang căn bệnh tai biến không thể cùng vợ gồng gánh mưu sinh, mà sức khỏe chỉ biết trông chờ vào những thang thuốc nam, khiến anh Bé – chồng chị – phải xót xa để đứa con trai sống cảnh tha hương cầu thực. Để rồi, căn nhà của 4 thành viên đến nay đã hở sau trống trước thì mong muốn sum vầy của các thành viên đến khi nào mới thành hiện thực.

Vợ chồng anh Bé – chị Phượng loay hoay tìm lối thoát cho gia đình trong vòng vây của bệnh tật, khó nghèo

Nếu những vất vả khó khăn của chị Phượng còn có con trai đỡ đần gánh vác thì hoàn cảnh của anh Lâm Văn Hà ngụ ấp Phú An là câu chuyện đầy cảm động. Sau lần chăn nuôi thất bại khiến cuộc sống trở nên khó khăn, nên vợ anh đã bỏ ra đi để lại anh một mình nuôi 2 con khôn lớn. Để rồi, hết nhận đất thùng anh lại tranh thủ đào đất mà bao nhiêu công việc gần xa không thể giúp anh lo cho con được học hành đến nơi đến chón thì nói gì đến chuyện sửa lại mái nhà lụp xụp nhiều năm.

Hồng Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *