Bên bờ hạnh phúc

Một nhà làm phim người Anh đã tổ chức hôn lễ với một chiến binh bộ lạc Huaorani đang sinh sống ở Amazon, nơi việc khai thác dầu mỏ và khoáng sản đang phá hủy môi trường tự nhiên, theo Daily Mail.

Nhà làm phim người Anh, Sarah Begum. (Nguồn: DM)

Sarah Begum đã trải qua nghi lễ mang tính biểu tượng này khi chỉ mới 21 tuổi, sau khi cô rời London để sống với bộ lạc Huaorani trong 2 tuần. Bộ lạc có khoảng 3.000 thành viên, đang sinh sống trong các khu rừng nhiệt đới giàu khoáng sản của Ecuador.

Trong lịch sử, mối quan hệ giữa người bộ lạc và người ngoài là khá căng thẳng khi vào những năm 1950, năm nhà truyền giáo Mỹ cố gắng thâm nhập vào bộ lạc đã bị giết. Tuy vậy, Begum cho biết cô đã được chào đón tại đây với vòng tay rộng mở.

Cô đã học cách dệt cỏ và đi săn tại đây, và cuối cùng là “kết hôn” với một chiến binh 50 tuổi tên là Ginkto. Đây là một cử chỉ tượng trưng nhằm truyền bá lời kêu gọi của người dân bộ lạc chống lại các tập đoàn dầu khí, chứ không phải là một cuộc hôn nhân ràng buộc về pháp lý.

Ban đầu, rào cản về ngôn ngữ cũng đã khiến Begum khá bối rối. “Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ban đầu tôi nghĩ đó chỉ là một nghi lễ chào đón nào đó,” Begum chia sẻ. “Họ hiểu vì sao tôi lại tới đó, và muốn chỉ cho tôi cách họ sống,” cô nói.

“Ginkto là một người dễ mến và là một thợ săn khỏe mạnh, vì vậy ông ấy rất được phụ nữ yêu mến. Ông ấy cũng rất hài hước và tò mò về cuộc sống của tôi ở London.”

Hiện giờ, Begum đã 26 tuổi, và cô đã biến những thước phim ghi lại được tại bộ lạc Huaorani thành một bộ phim tài liệu dài 30 phút mang tên “Amazon Souls” (Những linh hồn Amazon). Bộ phim đã được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes vào năm ngoái.

 

Người Huaorani sinh sống trên một số những mỏ dự trữ dầu lớn nhất Nam Mỹ. Các nhà vận động cho biết sự xâm nhập của người ngoài đã làm gia tăng căng thẳng trên mảnh đất của tổ tiên họ.

Mặt khác, phía dưới lớp đất của rừng mưa ở đây còn có một số mỏ khoáng sản. Những mỏ này đã trở thành mục tiêu của những kẻ khai thác bất hợp pháp. Trong một bộ phim tài liệu của BBC vào năm 2011, thành viên bộ lạc cho biết họ không thể trồng cây lương thực trên bờ sông được nữa, vì lo sợ những chất ô nhiễm sẽ bị rửa trôi xuống hạ lưu.

Vào thời điểm đó, người đứng đầu bộ lạc Cawetipe Yeti cho biết: “Đây không phải là khu du lịch. Đây là một khu vực ở trong tình trạng báo động đỏ. Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan chức năng hành động ngay lập tức theo yêu cầu của chúng tôi để cung cấp hỗ trợ hậu cần nhằm bảo vệ những người anh em Taromenane của chúng tôi.”

Begum cho biết cô vẫn giữ liên lạc thường xuyên với các thành viên bộ lạc qua email hay thậm chí là Facebook, khi họ thực hiện những chuyến đi hiếm hoi tới thị trấn gần nhất. “Tôi rất muốn quay trở lại và gặp lại tất cả họ một lần nữa,” cô chia sẻ./.

Nguồn: My Nguyễn (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *