Bên bờ hạnh phúc

Sau đúng 4 năm, từ một chủ công bóng chuyền vô danh, cô gái quê lúa đã vụt sáng thành một người đẹp nổi bật và lọt vào top 25 hoa hậu thế giới.

Giống nhiều thiếu nữ quê Thái Bình, một “lò” bóng chuyền hàng đầu, từ nhỏ cô bé Loan đã mơ trở thành một chủ công với thần tượng chính là “búa máy” đồng hương Bùi Thị Huệ. Loan đã có tới 2 năm dự thi vào lớp năng khiếu song đều bị trượt.
Nguyễn Thị Loan (phải) khoe sắc cùng các người đẹp khắp 5 châu ở cuộc thi Hoa hậu thế giới 2014. Ảnh: Getty Images.
 
 
Không nản chí, năm 14 tuổi, cô đã lặn lội lên tận Hà Nội ứng tuyển rồi đỗ vào đội bóng Phòng không Không quân. Được đặt vào đúng vị trí ưa thích là chủ công, lại có thừa sự đam mê và bền bỉ trong môi trường quân đội, Loan tiến bộ không ngừng. Chỉ qua hai lần tham dự giải trẻ toàn quốc và thi đấu xuất sắc, Loan đã được đôn thẳng lên tuyến 1 của đội bóng lính. 
 
Dù chiều cao 1,74 m  không phải lý tưởng cho một chủ công, song Loan vẫn nổi lên như một “máy ghi điểm” nhờ sức bật đà trên 2,90 m cùng cái cổ tay rất khỏe và khéo. Với một lứa cầu thủ trẻ mà nổi nhất là Loan, Phòng không Không quân đặt mục tiêu sớm giành quyền lên đấu ở giải VĐQG, và có mùa đã ở rất gần.
 
 
 
Dù xác định mãi gắn bó với nghiệp bóng chuyền, nhưng cuộc đời lại tạo ra những ngã rẽ mà chính Loan cũng không thể ngờ tới. Tất cả có lẽ bắt đầu từ việc bên cạnh niềm đam mê với trái bóng, Loan còn rất ham học văn hóa và học giỏi, đặc biệt ở các môn tự nhiên, dẫu hình thức học chỉ là ở lớp bổ túc ban đêm. 
 
Năm lớp 12, thay vì đăng ký vào trường chuyên ngành thể thao để được ưu tiên, cô quyết định dự thi vào trường Đại học Thương mại. Vẫn phải ngày ngày lăn lê bò toài trên thảm đấu, cũng chỉ ôn thi theo kiểu tranh thủ song Loan đã bất ngờ đỗ với số điểm cao.
 
Rất khó khăn để đưa ra lựa chọn nhưng như một định mệnh đúng thời điểm ấy, mắt của Loan có dấu hiệu bị cận nặng – hệ quả của một thời gian dài đèn sách, và không còn đảm bảo cho việc tập luyện thi đấu bóng chuyền nữa. Và cô đã chia tay bóng chuyền sau 5 năm gắn bó trọn vẹn với nhiều nuối tiếc và trăn trở. Nhiều người cũng cho rằng, cô đã rất tỉnh táo và may mắn, bởi nếu có cố gắng theo bóng chuyền, cùng lắm cũng chỉ đạt tới đẳng cấp của một chủ công loại khá. 
 
 
Giải nghệ sớm, cô con gái con nhà nông quay về với nếp ở nhà trọ, đi làm gia sư và tập trung tối đa cho việc học hành. Thực sự Loan không mảy may nghĩ đến chuyện đi thi hoa hậu, cho đến khi được mấy cô giáo động viên nên thử sức xem sao.
 
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, Loan là một trong những thí sinh đến nộp hồ sơ muộn nhất, và gần như không có sự chuẩn bị. Cứ trình diễn một cách hoàn toàn tự nhiên, thậm chí còn thiếu cả những kỹ năng tối thiểu song cựu chủ công bóng chuyền đã vượt qua vòng loại thẳng tiến vào chung kết. 
 
Tại đây, người đẹp quê lúa gây bất ngờ khi lọt vào top 5 chung cuộc. Nếu như phần trả lời ứng xử tốt hơn, nhất là không bị lẫn lộn giữa “l” và “n”, Loan đã có thể tranh chấp sòng phẳng những ngôi cao nhất. Dù vậy, chân dài này cũng được bù lại bởi danh hiệu “Hoa hậu biển” đầy thuyết phục nhờ thể hình gần như hoàn hảo cùng làn da rám nắng đậm chất thể thao. Loan được coi là Hoa hậu biển số 1 trong các cuộc thi. Không phải ngẫu nhiên, sau đó Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan còn nổi hơn hẳn hai Á hậu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010.
 
Với gốc bóng chuyền, từ bước đột phá với danh hiệu Hoa hậu biển, thay vì cố gắng tận dụng ngay như một bệ phóng, cựu chủ công đã có đến hai năm gần như nói không với showbiz để hoàn thành chương trình Đại học, tích lũy những hành trang quan trọng cho mình. 
 
 
Bởi thế, khi tái xuất, Loan đã lập tức thành công trên rất nhiều lĩnh vực: người mẫu ảnh có hạng, đại diện của một số thương hiệu. Cô cũng có nhiều hoạt động từ thiện và là bà chủ của chuỗi quán “Ốc Bông Hậu” có tiếng ở Hà Nội.
Nguồn: Zing.vn

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *