Bên bờ hạnh phúc

Trưa nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào miền Trung trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục bão số 9. Để cứu đói người dân, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên xin Chính phủ hỗ trợ 24.100 tấn gạo và gần 700 tỷ đồng.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ sáng 1/10, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hơn 400.000 dân phải di dời trong bão số 9. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an cùng máy bay trực thăng, xe thiết giáp, xuồng ca nô đã tham gia cứu nạn, cứu trợ.

"Đây là cơn bão lịch sử và hiện chưa có thống kê thiệt hại cuối cùng về người, vật chất. Đến sáng nay, với sự hỗ trợ của quân đội, không còn khu vực dân cư nào bị cô lập trong mưa lũ", ông Phúc nói.

Chiều nay, Thủ tướng sẽ trực tiếp thị sát và chủ trì cuộc họp khắc phục bão lũ tại Quảng Nam. Thường trực Chính phủ cũng đã quyết định hoãn họp chiều nay để tập trung chống bão.

Vì vỡ đê dọc sông Trà Bồng nên khoảng 500 mét đường ray xe lửa đi ngang qua thôn Phú Lễ, xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị nước xói lở nhiều đoạn như cống thoát nước, sâu chừng 3 mét, trong đó đoạn dài nhất là trên 20 mét. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Vì vỡ đê dọc sông Trà Bồng nên khoảng 500 mét đường ray xe lửa đi ngang qua thôn Phú Lễ, xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị nước xói lở. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đã có 92 người chết, 19 người mất tích và gần 200 người bị thương. Trong đó, số người chết ở Quảng Ngãi là 27, Kon Tum là 21, Nghệ An 9 người, Bình Định và Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh có 6 người, Quang Nam, Quảng Trị 5 người…

Không chỉ gây thiệt hại về người, mưa bão và lũ lịch sử còn làm hơn 6.000 nhà bị sập, trôi; hơn 170.000 nhà tốc mái, xiêu vẹo; hơn 170.000 nhà bị ngập; hơn 500 phòng học hư hỏng, chìm trong nước; hơn 12.000 trạm y tế, trụ sở UBND xã, các công trình công cộng bị hư hỏng…

Hơn 21.000 ha lúa, hơn 11.000 ha ngô, mía chưa kịp thu hoạch đã bị đổ, ngập trong nước. Số diện tích hoa màu và cây công nghiệp bị hư hại lần lượt là 15.000 ha và 25.000 ha.

Do bị ngập và sạt lở lớn nên nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Đặc biệt, Quốc lộ 1A có tới 8 điểm sạt lở, nước dâng cao khiến xe cộ và người dân bị mắc kẹt. Đường Hồ Chí Minh có 26 điểm tắc đường do sạt lở, có đoạn sạt dài 50-150m, sâu 3,5-10 mét…

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã đặt phà trọng tải 20 tấn tại khu vực cầu Đắk Ruồng (Kon Rẫy, Kon Tum) để đảm bảo lưu thông cho nhân dân, đồng thời điều động 5 xe thiết giáp và 1 xe tự hành ứng cứu người dân bị cô lập khu vực cầu Băkbla.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực, hệ thống điện ở khu vực bị ảnh hưởng của bão gặp nhiều sự cố. Gần 15.000 cột điện bị đổ, gẫy; các trạm 110Kv cảng Dung Quất, Tịnh Phong, Cầu Hai, An Khê, Kỳ Hà bị mất điện. Toàn bộ tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và gần toàn bộ tỉnh Quảng Ngãi… cũng bị mất điện.

Ảnh:
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu trao mỳ tôm, nước uống cho chị Trần Thị Vịnh (28 tuổi, tại Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) và đứa con trai đầu bị bại liệt…. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Để kịp thời cứu đói người dân, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ 24.100 tấn gạo và gần 700 tỷ đồng. Trong đó, Quảng Trị xin hỗ trợ 10.000 tấn gạo và 86 tỷ đồng; Quảng Ngãi 5.000 tấn gạo, 100 tỷ đồng; Nghệ An 5.000 tấn gạo, 50 tỷ đồng; Bình Định 2.000 tấn gạo, 32 tỷ đồng; Kon Tum 1.000 tấn gạo, 200 tỷ đồng; Quảng Bình 600 tấn gạo; Thừa Thiên Huế 500 tấn gạo, 100 tỷ đồng…

Ngay trong ngày 30/9, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã đưa 86 người dân bị cô lập khu vực cầu Đăkbla (Kon Tum) về nơi an toàn, đồng thời cứu nạn 15 người dân bị cô lập của Quảng Ngãi. Gần 4 tấn hàng cứu trợ đã được đưa đến vùng ngập lụt bị chia cắt của Kon Tum, Quảng Nam và đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo cấp 200 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 5 triệu viên Cloramin B cho các tỉnh bị ảnh hưởng để điều trị, phục vụ nhân dân trong vùng mưa, lũ. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã được cấp gần 600 áo phao.

Ngôi nhà của ông Bùi Phước Tình, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị sập làm ông Tình chết tại chỗ. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Ngôi nhà của ông Bùi Phước Tình, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị sập làm ông Tình chết tại chỗ. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Đêm 30/9, trong khi lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum và sông Hương đã đạt đỉnh và đang xuống thì lũ sông La và sông Gianh lại đang lên. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vượt đỉnh lũ lịch sử (năm 1964) 0,21 mét; Sông Trà Bồng tại Châu Ổ vượt đỉnh lũ năm 1964 là 0,67 mét; Sông Pô Kô tại Đắk Mốt vượt đỉnh lũ năm 2006 là 4,39 mét; sông Đakbla tại Kon Tum vượt đỉnh lũ năm 1996 là 1,13 mét…

Mưa tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên đã giảm, và đang chuyển hướng ra khu vực Bắc Trung bộ. Từ tối 29/9 đến tối 30/9, lượng mưa đo được tại Hải Tân (Quảng Trị) 148 mm, Tà Lương (Thừa Thiên Huế) 124 mm, Phong Mỹ (Thừa Thiên Huế) 107 mm, Mỹ Chánh (Quảng Trị) 78 mm…

Ngoài khơi Thái Bình Dương đang xuất hiện một siêu bão có tên Parma, với sức gió lên tới 145 km (tối 1/10) và đạt mức 165 km (tối 2/10). Parma đang áp sát Philippines và đều được các đài khí tượng của Nhật Bản, Hong Kong… dự báo đi về phía Trung Quốc.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương khuyến cáo, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, cần cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực ngập sâu, nước chảy mạnh để đảm bảo an toàn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *