Bên bờ hạnh phúc

Mỗi lần được về thăm nhà, Tố Linh lại theo cha ra tận rìa con sông gần nhà đốn lá. Với em, nơi đó gắn liền với tuổi thơ cơ cực vất vả nhưng rất đỗi thân thương, trìu mến. Tố Linh nhớ những ngày cùng cha lặn lội suốt ngày đốn lá dừa nước về chằm. Công việc nhọc nhằn làm bàn tay em đầy sẹo, đường mưa trơn trợt làm em vấp ngã. Nhưng nhờ những tấm lá dừa xanh mướt ấy, gia đình em mới có thể trang trải cuộc sống khi mẹ em phát bệnh. Cũng nhờ những tháng ngày lao động miệt mài ấy mà ước mơ học vấn của em được tiếp tục vun đắp.

Video clip chương trình Thắp sáng niềm tin – Kỳ 268: Em Phạm Tố Linh

Những cơn đau đầu vẫn còn dai dẳng, chứng mất ngủ triền miên do di chứng của căn bệnh tâm thần hành hạ nhưng mẹ của Tố Linh gắng gượng làm thuê chia sẻ cùng chồng. Sau khi sinh Tố Linh không bao lâu thì mẹ em phát bệnh tâm thần. Căn bệnh khiến bà không thể tiếp tục làm việc khi đang là y sĩ tại trạm y tế xã Hòa Thuận. Thương vợ lâm bệnh, con lại còn quá nhỏ, cha của Tố Linh quyết định nghỉ việc dành toàn bộ thời gian chăm sóc cho người vợ tâm thần và cả đứa con thơ. Suốt mười mấy năm ròng rã, ông đưa mẹ Tố Linh điều trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Nhờ tình yêu thương của chồng và hình ảnh hồn nhiên, tội nghiệp của các con, mẹ của Tố Linh dần dần tỉnh trí. Có trải qua những giây phút nguy nan mới hiểu hết tình cảm gia đình chính là liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm xoa dịu nỗi đau, bất hạnh trong đời.

Trước đây, cha em từng là một y sĩ có chuyên môn vững, nhiều kinh nghiệm của trạm y tế xã lân cận nơi mẹ Tố Linh công tác. Vì hoàn cảnh gia đình ông đã từ bỏ công việc yêu thích ấy, nguồn thu nhập không còn nên ông phải lần lượt bán hết toàn bộ tài sản mà gia đình tích lũy. Ông hy vọng nếu kiên trì chạy chữa thì vợ mình cũng sẽ được chữa khỏi. Giờ đây, khi mái tóc đã pha sương, người y sĩ ngày nào trở thành “thợ đụng” – một từ mà người dân quen gọi những người làm thuê bất cứ công việc gì. Từ việc bón phân, xạ lúa, xịt thuốc đến làm cỏ bờ…., miễn được thuê là ông đều nhận làm mong sao tiếp tục vượt qua khó khăn để lo cho các con học hành đến nơi đến chốn.

Là chị hai trong nhà nên Tố Linh luôn làm gương cho các em Yến Linh, Huyền Anh cả trong học tập lẫn cách sống. Mấy năm cha đưa mẹ đi trị bệnh khắp nơi, Tố Linh ở nhà vẫn cố gắng học tập và lo cho các em. Dụng cụ học tập, hay quần áo mới của cả ba chị em vào đầu năm học đều được Tố Linh chắt chiu từ công việc bắt ốc bán, đỡ đần phần nào gánh nặng lo toan cho cha mẹ. Nhờ sự kèm cặp, dạy bảo của Tố Linh mà Yến Linh và Huyền Anh đều đạt học sinh khá, học sinh xuất sắc trong suốt nhiều năm qua.

Tố Linh bắt đầu với công việc chằm lá từ khi em chỉ mới sáu tuổi. Mười mấy năm gắn bó với nghề này nên em chằm rất nhanh nhẹn và tỉ mỉ. Không kể khoảng thời gian vất vả đốn lá ngoài sông. Mỗi ngày Linh chằm được trên 80 tấm lá. Thu nhập vài chục ngàn cho một gia đình ở nông thôn như thế cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt. Nhưng khoản nợ 40 triệu đồng vay ở ngoài để chạy chữa cho mẹ em mà lãi suất rất cao như một rào cản khiến gia đình không thể vượt qua được cái khó cái nghèo mà vươn lên. Vì vậy, con đường học tập của Tố Linh cũng gập ghềnh gian khó.

Tố Linh từng là cô học trò đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của trường THCS & THPT Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Thương cha vất vả, thương mẹ bị bệnh, thương các em còn nhỏ dại, Tố Linh phải tạm dừng việc học ở nhà phụ giúp gia đình. Ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, được chinh phục đỉnh cao tri thức đã thôi thúc Tố Linh quyết tâm thi đại học sau một năm gián đoạn. Ban ngày đi chằm lá, ban đêm về tự mày mò ôn tập. Không có tài liệu ôn luyện, Tố Linh trau dồi kiến thức trong sách giáo khoa, những điều mà thầy cô truyền dạy trên lớp. Trong kỳ thi năm đó, Tố Linh đã đạt được 21, 5 điểm và trúng tuyển vào ngành Giáo dục công dân của trường Đại học Cần Thơ.

Con đường đến với Giảng đường của Linh không chỉ có chuỗi ngày vui tươi hồn nhiên cùng trang sách mà là những trăn trở, lo âu vì gia đình vẫn còn đó khoản nợ nần, còn đó cuộc sống thiếu hụt trăm bề. Mấy bao gạo sau mùa vụ là cả tài sản của một gia đình nghèo. Mỗi lần về thăm nhà Tố Linh đều được cha mẹ gởi cho vài ký gạo đem theo lên Cần Thơ ăn dần trong những tháng ngày xa nhà học tập. Với em không gì quí bằng món quà đơn sơ ấy, những hạt gạo mang nặng mồ hôi và tình yêu thương con hết mực. Tình cảm thân thương đó chính là nguồn động viên lớn nhất giúp Linh có thêm sức mạnh vượt qua nghịch cảnh và đỗ đạt trong một ngày không xa.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Phạm Tố Linh, xã Hòa Thuận, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang

2/ Chương trình “Thắp sáng niềm tin”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Minh Trang
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *