Bên bờ hạnh phúc

Cuộc sống ngày càng phát triển, nghề giúp việc nhà trở nên phổ biến, quen thuộc hơn. Những bà con gắn bó với công việc này luôn chăm chút từng ngày để nấu những bữa ăn thật ngon, để dọn dẹp từng góc nhà thật gọn gàng, sạch sẽ. Phía sau những mệt mỏi, lo toan mà nghề này mang đến là những câu chuyện về mảnh đời lao nhọc đang gồng gánh gia đình giữa bao trắc trở…

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng, khóm 3, phường 8, TP. Vĩnh Long 

Mỗi ngày, cứ đều đặn hai lượt sớm trưa, chị Hằng vẫn lặng lẽ đạp xe trên con đường nhỏ để kiếm kế sinh nhai. Chiếc xe đạp cũ đã 5 năm nay như người bạn đồng hành đã mấy lượt hư hao nhưng vẫn theo chị cọc cạch, miệt mài như chính những cố gắng không mệt mỏi của người phụ nữ nghèo mong bước qua gian khó…

Trước đây, như nhiều người phụ nữ cùng hoàn cảnh khó khăn, chị Hằng đã khăn gói lên tận TPHCM, Bình Dương rồi Đà Lạt để làm những công việc nặng nhọc trong xưởng gỗ hay phụ hồ ở các công trình xây dựng. Cực nhọc, vất vả vẫn không làm chị nản lòng mà càng giúp người phụ nữ này quyết tâm hơn trên con đường mà mình đã chọn. Thế nhưng, căn bệnh bướu tuyến giáp ác tính, thiếu máu cơ tim khiến chị không thể gắn bó với những công việc này nơi xa xứ. Trở lại quê, nghề giúp việc nhà đến với chị từ dạo ấy. Giặt giũ, nấu cơm, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa… chị đều thực hiện nhanh gọn, chu đáo. Thỉnh thoảng, những cơn đau khiến chị phải gián đoạn công việc đôi ngày. Nhưng hễ bắt tay vào công việc, chị luôn tự nhủ phải nấu những bữa ăn thật ngon, phải lau chùi, sửa soạn từng góc nhà cho thật sạch để không phụ lòng người chủ đã cảm thông với hoàn cảnh chật vật của mình…

Khi trời vừa sáng, bà Hiếu – mẹ chị Hằng vẫn lặng thầm đi khắp ngõ ngách thôn quê để bán từng tờ vé số. Có những khi ế ẩm, cả buổi trưa, bà không bán được tờ nào, người phụ nữ tuổi ngoài 60 này lại đi nhặt nhạnh từng mớ ve chai, phế phẩm để kiếm từng đồng lời ít ỏi. Vất vả mưu sinh, có những khi chứng bệnh tuổi già khiến những bước chân già nua của bà càng thêm mỏi mòn, trĩu nặng. Thế nhưng, người phụ nữ này vẫn lặng lẽ bước đi như đang cố bước qua nỗi tủi buồn khi chồng qua đời vì bạo bệnh, các con phải tứ xứ tha hương vì khó nghèo, cơ cực…

Bước đường gian truân với chị Hằng không chỉ có những tháng ngày đối diện với bệnh tật, với cuộc sống bấp bênh, thiếu hụt mà còn là nỗi buồn hạnh phúc sớm dở dang. Trở lại quê, nương nhờ nhà mẹ ruột, chị nhận được hơi ấm yêu thương và cả sự bao dung, chở che của mẹ. Thế nên, cho dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều nỗi lo toan khi số nợ chục triệu đồng vẫn chưa trả được, khi mái nhà lành lặn vẫn còn nằm trong mơ ước nhưng chị biết mình phải cố gắng hơn để một cuộc sống đủ đầy, no ấm rồi sẽ đến với gia đình…

Hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Thu Lợi, ấp Tường Trí, xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long 

Bao nhiêu năm lênh đênh vất vả với bao công việc, chị Thu Lợi cũng đã tìm cho mình được công việc giúp việc nhà khá ổn định dù thu nhập ít ỏi. Chồng chị qua đời, một mình chị gánh vác gia đình với đứa con nhỏ và chị phải ngày ngày đối mặt với căn bệnh thoái hóa cột sống và những cơn đau nhức. Căn bệnh dù không nguy hiểm nhiều đến tính mạng nhưng là sự cản trở rất lớn trên bước đường mưu sinh của chị. Cuộc sống gia đình phía trước vẫn còn đó bao khó khăn….

Dù gắn bó với công việc giúp việc nhà chưa bao lâu nhưng với chị Lợi, công việc không chỉ là miếng cơm, manh áo mà còn chất chứa một tình yêu nhất định ở sự tỉ mỉ, thận trọng trong từng thao tác. Công việc như một bến đỗ sau chuỗi ngày long đong lận đận của chị giữa dòng đời tấp nập hối hả trên xứ người với bao công việc dở dang vì không đủ sức khỏe đảm nhận. Suốt ngày cặm cụi với công việc chị chỉ mong sao mình có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất để có thể mang những đồng tiền ít ỏi gửi về quê nhà để con được cái ăn, cái mặc, được cắp sách tới trường như chúng bạn đồng trang lứa. Đôi tay người phụ nữ từng lấm lem bùn đất, chai sạn, thô ráp qua những mùa mưa nắng của chuỗi ngày làm thuê vất vả, nặng nhọc lại khéo léo với những công việc bếp núc.

Gần bốn năm trôi qua kể từ ngày chồng chị qua đời là ngần ấy thời gian chị phải đối mặt với biết bao gian truân, thử thách. Nỗi đau về sự mất mát dường như vẫn còn hiển hiện đâu đó trong mái nhà cũ đơn sơ chưa đầy 10 mét vuông, vẫn còn in hằn trên những nếp nhăn của gương mặt sạm đen vì dãi dầu mưa nắng khi chồng chị, người trụ cột từng san sẻ khó khăn, cùng vun đắp hạnh phúc gia đình đã không thể cùng chị đi tiếp quãng đời còn lại. Từ bỏ làng quê, bon chen ra chốn thị thành với ước vọng đổi đời bằng chính đôi bàn tay siêng năng cần cù của mình, anh chị đã phải đối mặt với biết bao vất vả, khó khăn, những lạ lẫm nới đất khách quê người. Cùng làm phụ hồ, cuộc sống không dư giả, nhưng đâu đó chị vẫn cảm nhận được sự ấm áp của một mái ấm gia đình,… Sau ngày anh qua đời, cố nén những nỗi đau mất mát, chị một mình ở lại đất Sài thành tiếp tục công việc để nuôi con.

Cố gắng bằng hết sức lực, đôi tay mềm yếu đã không còn đủ sức để tiếp tục những công việc nặng nhọc khi một ngày chị phát hiện mình bị thoái hóa cột sống. Gác lại công việc, những mong ước bình dị của một người mẹ đơn thân, hai mẹ con dắt díu về làng quê để chị trị bệnh. Đối mặt với những cơn đau nhức hành hạ nơi các khớp, chị chỉ có thể cầm chừng bằng những thang thuốc nam mà cố gượng dậy để đi làm kiếm tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, ai mướn gì làm nấy, khi cạo hạt điều, khi làm cỏ, khi làm ở tiệm vải…nhưng công việc không đi tới đâu khi chị không đủ sức khỏe để làm..

Ngôi nhà được cất bao nhiêu năm đã cũ dột, cái cột, mái lá đã in hằn vết tích của sự nghèo khó. Nhưng đâu đó trong ngôi nhà vẫn ấm áp tình yêu thương của hai mẹ con dành cho nhau trước bao mùa giông bão. Bé Thảo cố cất đi những niềm mong nhớ để chấp nhận xa mẹ, ở lại quê nhà. Cô học trò lớp 4 vẫn thường mang về những tờ giấy khen để mẹ vui lòng, đã tháo vác việc nhà những lúc vắng mẹ…

Dù cuộc sống vẫn còn đó là bao lo toan, vất vả, nhưng chị Lợi đang từng ngày cố gắng, miệt mài với với công việc bằng chính đôi tay cần mẫn, chịu thương chịu khó của mình, để căn nhà được lành lặn, ấm áp hơn, con mình sẽ bước đến một chân trời tươi sáng hơn trên con đường phía trước.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ :

1/ Chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng, khóm 3, phường 8, tp. Vĩnh Long

2/ Chị Nguyễn Thị Thu Lợi, xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

3/ Chương trình Vượt qua thử thách“, Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT:0706.250555

4/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Kim Thơ – Cẩm Nhường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *