Bên bờ hạnh phúc
Nói đến nhà thơ, soạn giả Kiên Giang – Hà Huy Hà giới văn nghệ lẫn công chúng trước lẫn sau 1975 đều nghiêng mình trước một tài hoa lớn và một nhân cách sống bình dị, trong sáng. Nay thì lãng tử thi sĩ ấy đã dừng bước phiêu du ở chốn hồng trần để trở về cát bụi. 

20 năm qua, người Sài Gòn – giới văn nghệ miền Nam đã quen thuộc, gần gũi với bóng dáng một “chàng” thi sĩ tóc bạc phơ, dong dỏng dáng hình trong chiếc áo túi ký giả thoắt ẩn thoắt hiện như một lãng tử phiêu du đây đó khắp nơi.

Một đời không hơn thua

Khi tin nhà thơ Kiên Giang mất vừa loan ra, liền có một nhóm văn nghệ sĩ nhận là học trò, đàn em của ông từ miền Tây lên Sài Gòn ở lại để lo đám tang cho ông. Thậm chí nhà thơ Trần Ngọc Hưởng còn ở bệnh viện cả tuần liền để chăm sóc ông suốt ngày đêm khi biết tin ông bị đột quỵ nhiều ngày trước. Lý giải điều này, nhà báo Tần Nguyên – Phó ban Ái hữu Hội Nghệ sĩ TP.HCM nói: “Anh Kiên Giang là một người rất dễ gần gũi, hòa đồng với tất cả mọi người dù lớn hay nhỏ. Anh có tiếng thơm về sự nâng đỡ đồng nghiệp, giúp được là giúp, rất có tấm lòng với bạn trẻ. Như tôi đây, rất phục ảnh. Trước năm 1975 ảnh là một cây bút lớn, bậc đàn anh, là người nâng đỡ một đứa em út như tôi có được tên tuổi thành công trong giới ký giả kịch trường. Vậy nhưng sau 1975, tôi về Ban Ái hữu nghệ sĩ có vị trí hơn ảnh mà ảnh vẫn rất vui vẻ hợp tác, không chút tị hiềm, trong khi nhiều người trong giới không có được tính đó. Không chỉ tôi mà ảnh còn là thầy nâng đỡ nhiều soạn giả, nghệ sĩ tên tuổi khác thành danh”.

Nhà thơ-soạn giả Kiên Giang trong một lần lên thăm mộ người bạn thuở thiếu thời, nhà văn Sơn Nam. Giờ ông sẽ được yên nghỉ bên cạnh như ý nguyện. Ảnh: T.MẬN

 

Nhà thơ Thiên Hà (tác giả những bài thơ được phổ nhạc nổi tiếng như Nhớ nhau hoài, Gió về miền xuôi) xúc động cho biết: “Tôi yêu quý anh Kiên Giang không chỉ vì anh làm thơ hay mà còn vì anh là người sống rất hiền lành, chân thật. Về mặt tình cảm anh rất đào hoa nhưng cũng rất đau khổ bị lừa nhiều thứ tài sản, tiền bạc đến trắng tay mà cũng chẳng hơn thua. Có bị thiệt thòi trong tình cảm ông vẫn không oán giận gì người thân mà còn mở lòng thương thêm họ và những người bên cạnh họ. Anh chơi với bạn bè rất hết lòng, có bao nhiêu là bỏ ra hết”.

Nhà thơ Tần Nguyên bảo: “Kiên Giang còn là người rất có tấm lòng với mọi người. Bản thân anh anh chẳng lo gì mà lại cứ sẵn lòng giúp người khác. Có lẽ chính vì vậy mà trong các vở tuồng của Kiên Giang gần như không có nhân vật nào độc ác hết. Các nhân vật gần như đều là người có tính hiền lương, nhân hậu. Tội ác nếu có đều không phải do nhân vật độc ác gây ra mà là từ một nguyên nhân khác bên ngoài. Như nhân vật Mạc Thiên Tích trong Áo cưới trước cổng chùa luôn tự dằn vặt với cảnh tình của nàng Xuân Tự và sự đau khổ của anh người yêu Tô Châu dù mình chẳng phải là người thủ ác”.

Cuối đời rong chơi phiêu du khắp chốn

Khoảng 20 năm trở lại đây, khi đã nghỉ hưu, người ta thấy Kiên Giang rong chơi khắp chốn. Gọi là rong chơi vì ông chẳng ngại gì tên tuổi, địa vị thuộc dạng đàn anh, cha chú trong giới văn nghệ sĩ, cứ thấy thích, thấy vui là ông đến chơi hồn nhiên. Khi thì ông ghé hội thơ ở Nhà văn hóa Phú Nhuận. Lúc lại thấy ông xuất hiện ở rạp Hưng Đạo lặng lẽ xem một vở cải lương. Lần khác thì ông đến Nhà dưỡng lão Nghệ sĩ ở quận 8 để nghe các lão nghệ sĩ ca hát. Tiếp nữa, ông có mặt trong một buổi ra mắt thơ của một nhà thơ trẻ. Bạn văn nghệ tổ chức lai rai ngoài quán cóc hay nhà hàng, thậm chí rước ông về tỉnh vui chơi hay tham gia sự kiện gì đó ông cũng tham gia. Đi đây đi đó chán, cơm hàng cháo chợ chán, ông lại về nhà bạn bè hay con cháu bạn bè ở vài hôm hay vài tháng. Như nhà thơ Thiên Hà đã có lần rước ông về nhà mình ở đến gần cả năm…

Vậy nhưng cho dù có phiêu du ở chốn nào đi nữa thì ông vẫn có một sự gắn bó máu thịt với sân khấu, với cải lương.

Ngay cả cái sự ra đi hôm nay của Kiên Giang cũng xuất phát từ một nỗi lòng bởi một sự gắn kết sâu xa với cải lương. Ông mất vì đột quỵ khi đem tiền lương hưu của mình từ nhà con gái ở Long Xuyên lên TP.HCM giúp gia đình đứa trẻ ở An Giang bị xe tông văng khỏi bụng mẹ.

Ngoài sự xúc động, thương cảm cảnh ngộ, gia đình này còn khiến Kiên Giang nhớ đến lời ước hẹn với soạn giả Hoa Phượng hơn 40 năm về trước. Vốn là người An Giang, Hoa Phượng có hẹn cùng ông khi nào giàu có hay có điều kiện sẽ về quê hương tổ chức hát miễn phí cho bà con ở quê xem. Gia đình đứa bé trên ở cùng làng, cùng quê với Hoa Phượng khiến Kiên Giang động lòng quyết đi thăm. Ông gom được 3 triệu đồng tiền lương hưu và nhờ con mượn thêm cho đủ 5 triệu đồng lên thành phố thăm cháu bé. Trong khi ông đang ngồi viết một lá thư dài kể về ý định vì sao mình muốn giúp gia đình này, chuyện này  gắn với Hoa Phượng ra sao thì ông đột quỵ, nhập viện và mất.

Ra đi với một tấm lòng nồng hậu, cùng với một thái độ sống nhẹ nhàng lúc tại thế, có lẽ nhà thơ – soạn giả Kiên Giang cũng chỉ như đang đi rong chơi, phiêu du đây đó ở một cõi khác mà thôi!

Nguồn: Hòa Bình ( PL TPHCM )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *