Bên bờ hạnh phúc

Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng "Đạo học", tái hiện hình ảnh con người đức độ, liêm minh của Chu Văn An.

Đạo học là một vở kịch khai thác đề tài lịch sử với hình tượng xuyên suốt là nhà giáo Chu Văn An – một trung thần trong triều đại nhà Trần. Ông được vua trọng dụng và mời làm thầy dạy học cho các hoàng tử trong cung. Vốn là người ngay thẳng, chính trực, không chịu được những điều vô đạo trong triều chính, Chu Văn An đã dâng sớ xin chém bảy tên gian thần. Không được vua phê chuẩn, ông từ quan về ở ẩn. Tuy từ quan, nhưng công trạng của Chu Văn An vẫn được lịch sử ghi nhận.

Kịch "Đạo học" ca ngợi thầy Chu Văn An.

 

Hình tượng Chu Văn An đi vào nghệ thuật với nhiều hình thức sân khấu khác nhau. Hầu hết tác phẩm đều ca ngợi đức độ và sự liêm minh chính trực của người thầy giáo. Vở Đạo học (kịch bản Bùi Vũ Minh, đạo diễn: NSND Lê Hùng) một lần nữa tái dựng hình ảnh con người mang phong cách cao đẹp của bậc triết nhân, cương trực, giữ tiết tháo, tư cách thanh cao và học vấn sâu rộng.

Điểm hay của Đạo học là thể hiện nỗi niềm, tâm sự đầy vơi của Quan tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An. Cho đến cuối đời, dù dạy dỗ nhiều học trò trở thành những bậc bề tôi lương đống của triều đình như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh… Chu Văn An vẫn mang trong lòng nỗi xót xa, ân hận vì đã không rèn giũa được người học trò là Vua Dụ Tông trở thành một đấng minh quân. Đã có những lúc Chu Văn An đau buồn và thất vọng vì niềm tin đổ vỡ. Triều đình mà ông từng tôn thờ bộc lộ những mặt trái mà ông biết nhưng không thể cản nổi. Chu Văn An mơ ước có được một minh chúa xứng đáng với lòng tin và sự ngưỡng mộ của mình, ông luôn vọng nhớ nhà Trần buổi đầu như nhớ về thời oanh liệt đã đi qua…

Để thể hiện ý đồ ngợi ca Chu Văn An, vở kịch tạo ra hai lớp diễn. Sự kiện "thất trảm sớ" trong lịch sử được thể hiện qua chi tiết Chu Văn An trả ấn, treo áo mũ từ quan về ở ẩn. Lớp diễn này cho thấy rõ đức tính cương trực, tư cách thanh cao và lòng yêu nước thương dân. Bên cạnh chi tiết lịch sử ấy, đạo diễn đưa vào cả những truyền thuyết dân gian. Vở kịch khai màn với cảnh Chu Văn An cầu mưa, tránh cho dân nạn hạn hán. Kết hợp chi tiết lịch sử cùng truyền thuyết, đạo diễn Lê Hùng dựng lên hình ảnh một Chu Văn An với phẩm chất đẹp, làm lay động được thủy thần và cảm hóa được cả trời đất.

Tuy nhiên, Đạo học do nặng về thể hiện hình tượng nhân vật mà trở nên thiếu điểm nhấn. Vở kịch được xây dựng bằng các tình tiết rời rạc, thiếu gắn kết. Có những đoạn diễn đạt sự trụy lạc của vua hay thể hiện cảnh ân ái chưa được tinh tế.

Nghệ sĩ Xuân Bắc tham gia vở kịch và thể hiện xuất sắc một nhân vật phản diện. Vừa chọc cười bằng lời thoại, tình huống hài hước thâm thúy, Xuân Bắc vừa làm lộ rõ tính xảo quyệt, a dua, bất tài nhưng gian tham, vô đạo của Thái Giám. Cũng bởi sự tỏa sáng của Xuân Bắc mà mỗi lần xuất hiện trong những cảnh chung, nhân vật Chu Văn An có phần mờ nhạt.

Đạo học được Nhà hát kịch Việt Nam chọn tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2014. Vở diễn còn có sự tham gia của các diễn viên như Vĩnh Xương, Phú Đôn, Quỳnh Hoa, Hoàng Tùng…

Nguồn: Lam Thu ( VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *