Một loài vật khá phổ biến trên bàn ăn của người Việt Nam là loài nhông cát trinh sản mà giới khoa học phương Tây chưa từng biết.

Leiolepis ngovantrii – loài nhông cát trinh sản mới được tìm thấy ở Việt Nam

Điểm đặc biệt của Leiolepis ngovantrii – tên của loài nhông cát trinh sản nói trên – là tất cả con cái sinh con mà không cần con đực. Điều đó có nghĩa là những con nhông cái sẽ sinh ra những đứa con có bộ gene giống hệt mẹ.

“Người dân Việt Nam ăn nhông cát trinh sản Leiolepis ngovantrii từ nhiều thập kỷ qua. Ở vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam, nhiều nhà hàng giết chúng để làm món ăn”, nhà nghiên cứu động vật bò sát Lee Grismer của Đại học La Sierra tại Mỹ, cho biết.

Ông Ngô Văn Trí, một nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phát hiện những con nhông cát trinh sản khi vào một nhà hàng ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nhận thấy đây là những con vật lạ, ông Trí chụp ảnh chúng rồi gửi cho Grismer. Sau khi xem các bức ảnh, Grismer nhận thấy đây có thể là một loài bò sát không có con đực và thuộc họ Leiolepis.

Vì thế ông và con trai, một nghiên cứu sinh tiến sĩ về chuyên ngành động vật bò sát, bay tới Việt Nam. Họ tới nhà hàng mà đồng nghiệp người Việt Nam đã gặp những con nhông. Hai người kiểm tra gần 70 con và phát hiện chúng đều là nhông cái.

Khu vực sinh sống của chúng là khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo Grismer, nhông Leiolepis ngovantrii có thể tiến hóa từ hai loài nhông có quan hệ gần gũi. Đây là hiện tượng thường xảy ra đối với động vật ở những vùng nằm giữa hai môi trường khác nhau. Khu bảo tồn Bình Châu – Phước Bửu nằm giữa hai địa hình khác biệt là rừng cây thấp và các bãi cát.

Loài nhông mới có kích cỡ tương đối nhỏ, chiều dài thân khoảng 11,5 cm. Ngoài 9 hàng vảy có gờ nở rộng, chúng còn có 37 – 40 giáp phụ bên dưới ngón chân thứ tư. Màu sắc cơ thể trông rất đẹp: trên lưng có những đốm nâu trắng nhạt hình mắt lưới rải đều từ sau gáy và nhỏ nhạt dần ở cuống đuôi. Hai sọc màu vàng nhạt chạy song song hai bên riềm (nếp) lưng và hai sọc khác có màu vàng nhạt hơn ở hai bên hông. Màu sắc này giúp cho nhông cát hòa lẫn tốt với màu của nền rừng vào mùa khô, vốn rất nhiều những bụi cỏ khô lá và cành có màu vàng nhạt. Đây là một trong những loài thích nghi tuyệt vời với kiểu rừng khô trên nền đất cát ven biển, hay kiểu rừng tràm trên vùng đất nhiễm phèn của khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu.

Sinh sản vô tính (hay trinh sản) là hình thức sinh sản không có liên quan đến quá trình phân bào giảm nhiễm, hay thụ tinh. Nghĩa là chỉ có một cá thể mẹ (không cần con đực, bố) là có thể sinh sản được. Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản nguyên thuỷ nhất của những sinh vật đơn bào như vi khuẩn và sinh vật nguyên sinh. Nhiều loài thực vật và nấm cũng có thể sinh sản vô tính.

Theo bee

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *