Bên bờ hạnh phúc

Chiều 29/9, trong chương trình làm việc tại phiên họp thứ 31 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.

 

Theo đó, nội dung chất vấn Thống đốc gồm việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, kết quả xử lý nợ xấu; tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015.

Nhận trách nhiệm về sai phạm của ngân hàng

Báo cáo với Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).

Nói riêng về Agribank-ngân hàng quốc doanh chưa được cổ phần hóa, Thống đốc nói, đây là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trong thời gian trước nhưng thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng một đề án lớn để tái cấu trúc lại Agribank. Đề án này bao gồm 8 đề án nhỏ đã được Chính phủ phê duyệt, đang tổ chức triển khai.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, trong số 9 ngân hàng yếu kém được xác định từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 8 phương án cơ cấu lại, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cơ cấu lại đối với 01 ngân hàng còn lại. Hiện nay, các ngân hàng này đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt.

Thống đốc cho biết, hầu hết các phương án tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Sau khi sáp nhập, hợp nhất hoặc phương án cơ cấu lại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, các ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và khắc phục các sai phạm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Đến cuối tháng 6/2014, tổng tài sản của 09 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém tăng 3,17% so với cuối năm 2013; huy động vốn tăng 3,28% so với cuối năm 2013; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 10,18% so với cuối năm 2013.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động bình thường, Ngân hàng Nhà nước đã nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 ngân hàng; trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 18 phương án tái cơ cấu, đồng thời yêu cầu các ngân hàng còn lại tiếp tục hoàn thiện phương án.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về trách nhiệm của Thống đốc khi để xảy ra sai phạm của Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Thống đốc khẳng định: “Dù sai phạm ở đâu, khi nào, dù lúc đó tôi là Thống đốc hay không thì hiện giờ tôi là Thống đốc, tôi xin hoàn toàn nhận trách nhiệm.”

Thống đốc thừa nhận có nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống. Khi đó, xử lý các ngân hàng yếu kém phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dựa vào nguồn lực của thị trường, mời gọi các nhà đầu tư tham gia tái cơ cấu để giúp tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước.

Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, họ có sai phạm. Song bản thân sai trái không diễn ra ở ngân hàng này mà ở các ngân hàng khác. Chính vì vậy, hoạt động giám sát tại chỗ đối với Ngân hàng Xây dựng “không thấy vấn đề gì”.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chặt chẽ việc thanh tra giám sát nhưng với phương châm không hình sự hóa các quan hệ dân sự mà chỉ phát hiện và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Nếu không khắc phục được, sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Thống đốc, nhờ các hoạt động thanh tra giám sát tại chỗ rất sát sao trong thời gian vừa qua mà các sai phạm cực lớn như Huyền Như, bầu Kiên, Công ty Tài chính II Agribank … đã được phát hiện.

Nợ xấu sẽ được xử lý căn cơ

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, các đại biểu Quốc hội đã rất quan tâm đến vấn đề nợ xấu và chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

Một số đại biểu thì quan tâm đến Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), cho rằng nợ xấu là vấn đề rất cấp bách nhưng mới chỉ được nêu lên vấn đề, còn xử lý thì hết sức lúng túng, VAMC ra đời nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Trả lời chất vấn, Thống đốc cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, khi bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Thống đốc cũng cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu, từ đó thúc đẩy xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, tháng Bảy có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.

Cũng theo Thống đốc, trước đây các ngân hàng có xu hướng che giấu nợ xấu để làm đẹp sổ sách, báo cáo, từ đó chia cổ tức cao. Ba năm qua Ngân hàng Nhà nước đang làm chặt và xử lý nghiêm những trường hợp nợ xấu cao mà vẫn chia cổ tức, chia lợi nhuận. Nhiều ngân hàng đã ngừng chia cổ tức, dùng tiền thặng dư để xử lý nợ xấu.

Theo lý giải của Thống đốc, sở dĩ có sự khác biệt trong con số nợ xấu thời gian qua là vì “việc giám sát minh bạch hơn, do vậy Ngân hàng Nhà nước quản lý rất sát tình hình hoạt động và phân loại nợ”.

Ngân hàng Nhà nước quản lý rất sát tình hình hoạt động cũng như việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng. Thực hiện chủ trương cho phép các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại nợ đối với khách hàng nhằm tạo điều kiện cho khách hàng. Trong tổng số nợ hơn 300.000 tỷ đồng cơ cấu lại, có khoảng 157.000 tỷ đồng nếu không tiến hành cơ cấu sẽ biến thành nợ xấu.

“Với tốc độ xử lý nợ xấu như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng sẽ ở trong khoảng hơn 3% còn giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa về trong khoảng 6% cuối năm nay”.

Đề cập rõ hơn về VAMC, vị tổng tư lệnh ngành ngân hàng cho hay, VAMC mới hoạt động được một một năm hoạt động. Việc mua nợ xấu là cố gắng lớn.

Ngay từ đầu, hoạt động mua bán nợ của VAMC đã có chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu, nên đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam với nước ngoài. Trong bối cảnh không có tiền ngân sách nhưng VAMC đã tạo ra được cơ chế tháo gỡ khó khăn, giảm nợ xấu trong thời gian nhất định.

Đến nay, VAMC đã mua được gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu. Tính cả phần các ngân hàng báo cáo đã tự xử lý khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tổng số nợ xấu được xử lý từ đầu năm đến nay vào khoảng 105.000 tỷ đồng, tăng đáng kể so với hai năm trước (năm 2012 là 69.000 tỷ đồng, 2013 là 98.000 tỷ đồng).

Thống đốc nhìn nhận đây là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Vì vậy, Thống đốc cho biết ông đồng tình với quan điểm của một số đại biểu Quốc hội về việc nếu không có tiền từ ngân sách thì phải có cơ chế và trao thêm công cụ cho VAMC. Mặt khác, sẽ phải tăng năng lực tài chính bằng cách tăng vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng hiện nay lên 2.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng trả lời các đại biểu về tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, Nghị định 41, giảm lãi suất trong thời gian tới…/.

Nguồn: Minh Thúy (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *