Bên bờ hạnh phúc

Sáng 16-11, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể để thảo luận dự án Luật Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam (sửa đổi). Đa số đại biểu QH cho rằng dự luật chưa làm rõ được tính độc lập của NHNN trong khi cắt bỏ lãi suất cơ bản có vẻ như mở đường cho việc cho vay nặng lãi.

Xu hướng tự do hóa lãi suất?

“Từ năm 2006 đến nay tình trạng các tổ chức tín dụng cho vay vượt trần lãi suất cơ bản đã trở nên khá phổ biến. Thay vì phải xử lý các tổ chức vi phạm và làm bình ổn thị trường lãi suất thì NHNN lại ra tay cứu các tổ chức tín dụng” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lên tiếng.

Bà Nga dẫn chứng hàng loạt động thái “chữa cháy” của NHNN: Ngày 22-11-2006 có Tờ trình số 15 đề nghị Thường vụ QH khóa XI trình QH ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi quy định về trần lãi suất tại Điều 476 Bộ luật Dân sự (BLDS). Ngày 15-2-2007 lại có Tờ trình số 13 và đề nghị Thường vụ QH giải thích Điều 476 theo hướng là điều luật này không điều chỉnh các tổ chức tín dụng. Ngày 23-3-2008 tiếp tục có Tờ trình số 23 đề nghị sửa BLDS theo hướng quy định lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng không tuân theo Bộ luật Dân sự (BLDS) mà tuân theo quy định của pháp luật về ngân hàng. Ngày 14-4-2008 lại có thêm tờ trình đề nghị sửa Điều 476 BLDS theo hướng nâng trần lãi suất cho vay bằng 200% lãi suất cơ bản. Tất cả các tờ trình trên đều không được cơ quan thẩm tra của QH chấp thuận.

Bà Nga đặt vấn đề: “Từ năm 2006 đến nay, NHNN theo đuổi một mục tiêu rất kiên trì là đưa các tổ chức tín dụng thoát khỏi sự điều chỉnh của BLDS, hợp thức hóa cho các vi phạm của các tổ chức tín dụng về tự do hóa lãi suất. Câu hỏi lớn được đặt ra ở đây là việc kiên trì như vậy nhằm mục tiêu bảo vệ cho lợi ích của ai, của nhà nước, của nhân dân để ngăn chặn việc cho vay lãi nặng, ổn định thị trường tiền tệ hay bảo vệ lợi ích cục bộ của các tổ chức tín dụng?”. Bà Nga cũng phê phán việc bỏ quy định về lãi suất cơ bản trong dự luật lần này được làm “lặng lẽ” và “không hề có một lời giải thích” với QH.

Nhà nước phải định hướng

Lãi suất cơ bản là căn cứ để xác định mức trần lãi suất cho vay của các tổ chức, cá nhân. Điều 476 BLDS quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố”.

Đó cũng là căn cứ để xác định hành vi cho vay lãi nặng theo Điều 163 BLHS: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm”.

Bà Nga cho rằng nếu bỏ quy định về lãi suất cơ bản, nhà nước sẽ mất vai trò định hướng, có thể dẫn đến cuộc chạy đua lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đồng thời không kiểm soát được tình trạng cho vay lãi nặng. “Tôi đề nghị Chính phủ giải trình rõ điều này, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ QH đưa nội dung bỏ lãi suất cơ bản trong Luật NHNN và nội dung tự do hóa lãi suất trong Điều 91 của Luật Các tổ chức tín dụng để thảo luận và xin ý kiến của QH” – bà Nga kết luận.

Phát biểu của bà Nga sau đó được nhiều đại biểu nhắc lại và tán thành. Quy định về lãi suất cơ bản thực chất là việc thể hiện vai trò định hướng của nhà nước trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội về cho vay vốn, để các quan hệ này diễn ra một cách trật tự, lành mạnh, ổn định cơ bản thị trường tiền tệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cho vay lãi nặng, mang tính bóc lột. Trên thế giới, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật đều dùng công cụ này với mục tiêu góp phần điều tiết thị trường lãi suất.

Ngân hàng nhà nước, anh là ai ?

“Mức độ độc lập của NHNN trong dự luật này còn khá hạn chế, thể hiện ở sự phụ thuộc quá nhiều vào các quan hệ hành chính và cũng có nhiều điều, khoản quy định giao cho Thủ tướng quy định. Chẳng hạn Thủ tướng có thể yêu cầu NHNN bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài…” – bà Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) nêu. Bà lấy ví dụ từ Luật Ngân hàng trung ương của Trung Quốc năm 2003 đã cấm NHNN bảo lãnh cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.

Theo bà Hương, trong những năm gần đây, vấn đề thâm hụt ngân sách, lạm phát đã trở nên rất nóng và là một trong những nguyên nhân lớn gây bất ổn vĩ mô. “Do vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải đặt ưu tiên quyết tâm hơn nữa, đẩy nhanh hơn nữa việc tăng tính tự chủ trong NHNN” – bà Hương kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) đồng tình: Tôi tán thành là trong tình hình hiện nay NHNN vẫn thuộc Chính phủ nhưng phải có vai trò độc lập và tự chủ hơn, giữ nguyên vị trí không có nghĩa là không đổi mới và cải cách.

Việc chưa rõ chỗ đứng cho NHNN, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý (Nghệ An), là sự “lúng túng trong chủ trương tăng tính độc lập của NHNN với thực hiện quản lý nhà nước một cách chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động về ngân hàng, tổ chức tín dụng”.

Dự luật sẽ tiếp tục được chỉnh sửa và trình QH vào giữa năm 2010.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *