Bên bờ hạnh phúc

Qua thử lửa chiến trường, Bowers mới thấy được thực tế : Khi nhắc quân Việt Nam tiến quân thì viên chỉ huy nói không rõ tiếng Anh “lắc đầu”. Khi mượn máy truyền tin điện về cấp trên, họ sợ bày vẽ kiểu này kiểu khác đưa họ chết nên họ không cho mượn, nói đang để tần số nghe truyền lệnh cấp trên. Còn khi mượn truyền tin gọi cấp trên cho máy bay oanh tạc, cho pháo bắn yểm trợ thì họ sẵn sàng. Nhưng kêu chi viện yểm trợ đâu phải dễ dàng, nên họ thiếu tin. Ngay cả máy bay dội bom lân tinh (napal), thúc họ tiến quân thì họ nói hơi lân tinh làm cho họ ngạt thở nên không tiến quân được. Thế mà quân Việt cộng vừa đội bom vừa đi chiến đấu, “Bowers cảm thấy khâm phục Việt công !”.

Hai người lính đứng cạnh Bowers bỗng nhiên bị té nhào chết. Bowers tìm không phải đạn bắn tỉa từ bên phải, bên trái, mà đối phương leo lên ngọn cây bắn tỉa xuống nên trúng phóc. Loại bắn kiểu này “sách vở Mỹ” và “binh thơ yếu lược” không có nên Bowers rất ngạc nhiên.

Điều rất đau lòng của cố vấn Bowers là khi gay gắt ra lệnh, viên Trung úy Việt Nam (ngụy) không chấp hành, lại cắn càn : “Ông là cố vấn, ông không có quyền chỉ huy. Cuộc chiến tranh này là của ai?”, hoặc : “Ông là cấp thấp hơn tôi, không có quyền ra lệnh!”. “Còn khi họ cần, họ yêu cầu thì cấp nào nói, họ cũng nghe”.

Trước tình thế nguy khốn, Vann – Trung tá cố vấn Ban Tham mưu tác chiến Mỹ – ngồi trên L.19 suốt 10 tiếng đồng hồ lại gọi đến Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao – Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật – xin cho Tiểu đoàn dù Bộ Tổng dự bị đến chữa cháy. Đúng 4 giờ 30 đổ quân : “19 quân dù bị chết, 32 bị thương, trong đó có 2 cố vấn Mỹ, một Đại úy và một Trung sĩ. Vừa mới đổ quân đợt đầu”.

Bài báo PV Neil Sheehan còn ghi nhận một cách đầy đủ : “Qua thử lửa, Diệm đổ lỗi cho Tướng Huỳnh Văn Cao. Cao thì đổ lỗi cho Đại tá Bùi Đình Đạm. Cao phát cáu với Vann và Đạm vì hai ông này đẩy Cao vào tình trạng nguy hiểm”.

Cao nhận xét về Vann : “Chỉ tăng cường chi viện bằng sự thất bại”. Còn Vann thì mạt sát Cao : “Mẹ kiếp, ông muốn để cho họ thoát, ông sợ chiến đấu!”. Vì khi đoàn dù nhảy xuống, bao vây quân giải phóng không cho rút quân, Vann thì đòi bắn pháo sáng suốt đêm để ngăn chặn quân giải phóng rút quân, còn Cao thì nói bắn pháo sáng, quân dù để làm mồi cho quân giải phóng tập kích. Cuối cùng, Cao giành thế thắng là như Cao nói đưa Vann vào thế bí : “Ông là một Trung tá, tôi là Tướng, tôi chỉ huy. Đây là quyết định của tôi!”.

“Vann gần như mất hết tinh thần vì những thất bại”.

Kết quả, PV Neil Sheehan đã diễn tả : “350 quân du kích đã đứng thẳng trên mặt đất chế nhạo quân đội tân tiến đông hơn họ gấp 4 lần với thiết giáp, pháo binh, được yểm trợ bằng trực thăng, máy bay ném bom. Họ (quân giải phóng và du kích) chỉ chết 18 người, 39 người bị thương. Còn về phía Mỹ và Sài Gòn, bắn 8.400 viên đạn súng máy, hơn 100 hỏa tiễn, 80 người bị trúng đạn chết, hơn 100 người bị thương thuộc Quân lực Sài Gòn, 3 cố vấn Mỹ, 5 trực thăng bị hạ. Sau, phía Sài Gòn đính chính chỉ có 63 chết, 109 bị thương. Quân du kích tiết kiệm đạn, chỉ tốn khoảng 5.000 viên, trong đó có hàng ngàn viên đạn chiến lợi phẩm thu từ quân Sài Gòn. Viên đạn đầu tiên bắn vào quân bảo an, viên cuối cùng bắn vào quân nhảy dù.

Mỗi quyết định của họ (người chỉ huy Đặng Minh Nhuận) có ảnh hưởng đến số phận mọi người. Vì vậy, một người có kinh nghiệm và óc phán đoán mới có thể có những quyết định một cách có nhận thức liên quan đến sinh mạng chiến sĩ để đi đến chiến thắng. Họ thành công trong trận đánh theo cách thức của tổ tiên họ, một chiến thắng lạ kỳ”.

Theo bản tổng kết của trận Ấp Bắc (1) : Đại úy Tiểu đoàn ghép của Hai Hoàng về đây tối 31/12/1962, có nhiệm vụ phối hợp để phá ấp chiến lược và sẵn sàng ở lại chống càn. Trận Ấp Bắc có trên 2.000 quân Sài Gòn, có cả Tiểu đoàn dù, 3 tiểu đoàn của Sư đoàn 7 và quân bảo an ngụy bao vây, định sáng 3/1/1963 siết chặt vòng vây, bóp chết quân giải phóng và du kích, nhưng trong đêm, Ban Chỉ huy Hai Hoàng, Đặng Minh Nhuận cùng đoàn quân rút khỏi Ấp Bắc một cách bí mật. Có 21 người hy sinh, trong đó có 4 dân công, 39 bị thương, kể cả 8 người dân tại chỗ lo cơm nước cho bộ đội, 7 trực thăng bị rơi và bị cháy, 12 xe M.113 bị hỏng, có một số chiếc bị cháy bỏ tại chỗ, một tàu chìm. Tốn khoảng 5.000 viên đạn đáng giá.

Đồng chí Trần Văn Trà (3) nói : “Hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của kẻ thù, hiểu được chỗ mạnh chỗ yếu của ta thì mới có được chủ trương, biện pháp đấu tranh đúng, đưa đến thành công”.

“Vụ thất bại này (tức Ấp Bắc) là một đau đớn nhưng cần thiết để giảm bớt cái tư tưởng lạc quan do những lời tuyên bố của Hoa Thạnh Đốn (theo Thời báo New York 5/1/1963).

Nguyễn Minh Tua, người chiến sĩ tham gia chiến đấu trong trận Ấp Bắc, sau này được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” nói về người Đại đội trưởng của mình : “Suốt ngày chiến đấu trận Ấp Bắc, Bảy Đen vẫn mặc bộ đồ ka-ki mùa thu (màu xanh) không ướt, không dính sình. Chỉ huy tác chiến ngoài mặt trận, anh luôn thể hiện tài năng, xử lý tình huống bình tĩnh, gan dạ, đặc biệt là bắn tỉa rất giỏi… ”

Quyển nhật ký người Đại đội trưởng

Đặng Minh Nhuận (bí danh Đoàn Triết Minh, Nguyễn Bảy, Bảy Đen) sinh năm 1932 ở xã Long Châu (nay là Phường 3 – TPVL), con của ông Đặng Văn Tỉnh và bà Nguyễn Thị Bảy, gia đình sống nghề công thương. Được người chú ruột Đặng Văn Thiềng giáo dục, năm 16 tuổi, Đặng Minh Nhuận sớm rời khỏi nhà trường tham gia lực lượng võ trang (3) chống Pháp. Năm 1954 tập kết ra Bắc, được học tập nhiều khóa quân sự cơ bản trong nước và dự khóa huấn luyện Trường lục quân Khóa I ở Trung Quốc, qua các cương vị từ chiến sĩ đến cán bộ đại đội. Trong quyển nhật ký cho thấy rõ Đặng Minh Nhuận là một trong những người tình nguyện sớm nhất với nguyện vọng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, dù gian khổ nhưng tinh thần lạc quan cách mạng. Đặng Minh Nhuận có lòng căm thù Mỹ – Diệm sâu sắc, hết lòng thương yêu, thông cảm đồng bào nghèo khó trong hoàn cảnh chiến tranh. Chính điều đó là động lực thúc đẩy tinh thần dũng cảm chiến đấu. Suốt gần một năm đi bộ từ Bắc vào Nam, về đến miền Nam, chưa móc nối thăm được người thân, cha mẹ trong gia đình do địch bao vây, đánh phá ác liệt. Trong đoạn nhật ký, đồng chí ghi : “Phải san bằng mọi bất công, phải xây dựng cuộc sống mới, dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng!” như lời tuyên ngôn của người chiến sĩ – anh bộ đội cụ Hồ, tất cả vì mục tiêu lý tưởng giải phóng miền Nam, xây dựng nước nhà đi lên CNXH.

Đối với gia đình, người vợ Lưu Thị Nguyệt đang công tác hậu cần (Hà Nội), các con Nguyệt Hồng, Nguyệt Ánh còn nhỏ, anh dành tình thương yêu sâu đậm. Anh viết cho các con :

“Bên ngoài thì nói cười cho khuây khỏa để chiến đấu, chớ nhiều đêm nhớ con,  ba rơi nước mắt! (4)

Ba hứa với các con sẽ làm tròn nhiệm vụ đảng viên, một cán bộ quân đội không bao giờ để các con phải nhục vì có một người cha không xứng đáng.

Ba mong sau này các con khôn lớn, nếu ba có hy sinh rồi, các con nhớ làm tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước quê hương. Gởi các con nhiều cái hôn!”.

Trong trận đánh tại Ấp Bắc, Đặng Minh Nhuận suốt ngày đội bom đạn, đánh giặc không bao giờ “lấm mình”. Nhưng rồi 8 tháng sau, ngày 30/8/1963, trong một trận đánh đồn Nhựt Thạnh (Mỹ Tho), ta thắng lớn, nhưng Đặng Minh Nhuận bị trọng thương. Trước khi tử thương, đ/c còn động viên đồng đội chiến đấu, còn nhắc đến Bác Hồ.

Đại hội Chiến sĩ thi đua Quân ủy Miền đánh giá về Đặng Minh Nhuận : “Trong trận Ấp Bắc, dưới sự chỉ huy của Đặng Minh Nhuận, Đại đội 1 cùng với quân dân Ấp Bắc đã đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận trên chiến trường ĐBSCL, tạo nên khí thế mới trong phong trào thi đua diệt máy bay trực thăng và xe bọc thép của địch trong toàn quân khu. Với cương vị chỉ huy, Đặng Minh Nhuận đã thể hiện tư tưởng tiến công kiên quyết, linh hoạt táo bạo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (5).

Ngày 20/12/1994, Đặng Minh Nhuận được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tên tuổi Đặng Minh Nhuận – người con ưu tú – sống mãi với nhân dân Vĩnh Long anh hùng.

Nguyễn Long Hồ – Theo sách Những người con trung hiếu

——————————–

(1) của Quân khu 9

(2) Tư lệnh lực lượng võ trang miền Nam

(3) C991 – D331 – bộ đội Vĩnh Trà

(4) Theo nhật ký Đặng Minh Nhuận viết tháng 1/1963

(5) Sách Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *