Bên bờ hạnh phúc

Một sự việc đau lòng xảy ra chiều ngày 8/9/2014, tại quán karaoke ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, trong đó 6 người đã chết, 6 người còn lại rất nguy kịch (1 nạn nhân vừa tử vong).

Một sự việc đau lòng xảy ra chiều ngày 8/9/2014, tại quán karaoke ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, trong đó 6 người đã chết, 6 người còn lại rất nguy kịch (1 nạn nhân vừa tử vong). Nguyên nhân nghi các nạn nhân bị ngạt khí xăng máy nổ. Trước đó, ngày 26/3, cũng liên quan đến tình trạng tử vong do ngạt khí trong phòng kín tại nhà nghỉ kiêm karaoke ở phường Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương đã xảy ra vụ việc khiến 3 người tử vong… Vậy làm sao cấp cứu nạn nhân? Phòng tránh những trường hợp tương tự xảy ra thế nào?

 

“Thần chết” nấp trong máy nổ

Loại máy nổ mà chúng ta vẫn sử dụng hiện là loại động cơ đốt trong tức là sử dụng nhiên liệu xăng hoặc dầu. Nhiên liệu được đốt cháy trong buồng đốt (xy lanh) là hỗn hợp cacbuahydro sau khi cháy sinh ra một lượng nhiệt năng lớn và cho sản phẩm cuối cùng là khí carbonic (CO2) và nước. Trong quá trình đốt cháy, không phải tất cả đều cháy hết và cho sản phẩm cuối cùng CO2 mà có nhiều phần cháy dở (cháy không hoàn toàn do xăng dầu không tiếp xúc hoặc không đủ lượng ôxy cần thiết) nên cho sản phẩm cháy dở là khí carbon monoxid (CO). Cả hai loại khí CO2 và CO đều là sản phẩm của quá trình đốt cháy các loại nhiên liệu như củi, than đá, xăng dầu và chúng đều là những chất khí hết sức độc hại đối với con người. Vì vậy, khi sử dụng các thiết bị có phát thải nhiều hai chất khí này như máy nổ chẳng hạn, phải hết sức tránh nguy cơ ngộ độc.

Khi đưa một máy nổ vào phòng rồi đóng kín cửa, sẽ có các nguy cơ gây tử vong như lượng CO tăng cao do phòng thiếu ôxy cần thiết cho sự cháy hoàn toàn, nồng độ CO2 phát thải trong khi nhiên liệu được đốt cháy và thứ ba là lượng ôxy bị suy giảm nghiêm trọng do bị tiêu thụ quá nhiều khi máy nổ chạy. Cả hai loại khí CO2 và CO đều không màu, không mùi nên không thể phát hiện được khi chúng tăng cao trong phòng kín bằng giác quan con người.

Trong cơ thể người, CO2 cũng là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa năng lượng sinh nhiệt. Phân áp CO2 trong máu bình thường vào khoảng 40mmHg. Khi CO2 tăng cao sẽ gây toan máu (nhiễm acid) và khi giảm sẽ gây kiềm máu (nhiễm base). CO2 được cơ thể đào thải chủ yếu qua phổi và một người trung bình thở ra khoảng 450 lít loại khí này/24h. Nồng độ CO2 trong không khí vào khoảng 0,04%, với nồng độ 3% sức chịu đựng của con người tối đa là 10 phút, nồng độ 4% bắt đầu nguy hiểm ngay khi tiếp xúc.

So với CO2, khí CO còn có độc tính cao hơn rất nhiều lần. CO có ái lực với hồng cầu mạnh hơn ôxy khoảng 250 lần nên khi vào máu, CO gắn chặt với hồng cầu khiến cho hồng cầu mất chức năng chuyên chở ôxy từ phổi tới các tế bào. Mặt khác, CO còn gắn với myoglobin trong tế bào cơ và các cytocrom gây nên tổn thương cơ, đặc biệt là cơ tim và thương tổn hệ thần kinh. Nồng độ khí CO lên tới 0,1% trong không khí đã đủ nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Biểu hiện của ngộ độc khí xả máy nổ

Như đã nói ở trên, ngộ độc khí xả máy nổ chủ yếu do nồng độ CO2 và CO tăng cao trong phòng kín. Các biểu hiện bao gồm mức độ nhẹ như mệt mỏi, đau đầu, nôn, ù tai, chóng mặt; nặng hơn bắt đầu có cảm giác tức ngực, khó thở, nôn mửa dữ dội, mắt nhìn mờ, mỏi cơ; nặng hơn nữa, nạn nhân có những cơn co giật, thất điều, liệt cơ, suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu, tụt huyết áp và tử vong. Điều hết sức nguy hiểm cần nhấn mạnh ở đây là: mặc dù các biểu hiện được mô tả theo các mức độ từ nặng đến nhẹ, hay nói cách khác, người bệnh hoàn toàn có thể biết được mức độ triệu chứng của mình, nhưng đó là những trường hợp nạn nhân tiếp xúc với khí độc khi chưa ngủ hoặc khi đầu óc trong trạng thái minh mẫn. Giai đoạn đầu khi máy nổ mới chạy trong nhà, lượng CO2 và CO còn thấp, lượng ôxy trong phòng còn cao, mọi người vẫn thấy bình thường và đi ngủ.

Khi nồng độ hai chất khí này tăng dần, mức độ ngộ độc bắt đầu tăng khiến cho nạn nhân rất khó cảm nhận khi đã ngủ say.

Nguy hiểm hơn là khí CO gây yếu cơ và liệt cơ nếu ngộ độc nặng nên trong nhiều trường hợp, nạn nhân không thể còn phản xạ gì để vùng dậy mở cửa hoặc làm các động tác tương tự để tự giải thoát. Trong tuyệt đại đa số các trường hợp, nạn nhân đều tử vong với tư thế còn nằm yên trong chăn như đang ngủ và chỉ có một vài trường hợp được tìm thấy nạn nhân tử vong cạnh cửa ra vào (đã bò ra đến cửa nhưng không đủ sức mở ra). Vì vậy, khí CO còn được mệnh danh là “kẻ giết người im lặng” (silent killer). Mức độ nguy hiểm khi đưa máy nổ vào trong phòng kín còn có sự đóng góp thêm của việc nồng độ ôxy bị sụt giảm và nạn nhân sẽ hầu như không còn cơ hội sống sót nếu như ngủ quá say sau một ngày lao động quá sức, cơ thể mệt mỏi, người có dùng thuốc ngủ, uống bia rượu hoặc sử dụng ma túy.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nguy hiểm là vậy nhưng việc phòng tránh tai nạn do ngộ độc khí CO, CO2 lại hết sức đơn giản: đó là không nên đưa máy nổ vào chạy trong phòng kín. Trường hợp quá nóng, cần phải chạy quạt, điều hòa nhiệt độ thì cũng có thể nhưng tốt nhất phải có quạt thông gió để đảm bảo độ thông thoáng cho căn phòng đặt máy nổ. Việc này hết sức quan trọng vì phòng có thoáng thì lượng CO2 và CO sinh ra trong quá trình máy chạy sẽ được thoát ra ngoài và lượng ôxy được cung cấp đủ thì lượng dầu, xăng trong máy cháy càng hết và lượng khí CO sinh ra càng ít. Cũng không nên để máy nổ ở gần nơi ngủ hoặc để khói xả thẳng vào phòng kín sẽ rất nguy hiểm do hít phải lượng khí độc cao.

* Lưu ý

Sơ cấp cứu nạn nhân

Khi phát hiện nạn nhân ngộ độc khí CO, cần khẩn trương sơ cấp cứu theo trình tự như sau: nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu. Nhanh chóng gọi người hỗ trợ để sơ cứu cho nạn nhân, đồng thời gọi Cấp cứu 115. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Cách làm: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, ép tim ngoài lồng ngực. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2 – 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 – 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại.

Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.

Nguồn: TS.BS. Vũ Đức Định (Trưởng khoa Hồi sức tích cực – BV E TW) ( SK & ĐS )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *