Chi phí để có một chiếc xe chẳng đáng là bao nhưng để sở hữu một bộ sưu tập đầy đủ các đời Vespa thì những ai trót “nghiện” phải lao tâm khổ tứ.

Vậy mà anh Vũ Hải Sơn – một tay chơi Vespa cổ thứ thiệt tại TP.HCM đang sở hữu dòng xe này cả trăm chiếc.

Mê xe từ thuở lên ba

Sinh năm 1966, anh Sơn có một thời hành nghề bác sĩ, sau đó ra nước ngoài học nhiếp ảnh rồi về làm nhiếp ảnh gia tự do và là giảng viên môn nhiếp ảnh tại khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Anh đã từng đoạt giải nhất phóng sự ảnh của báo Người Lao Động (1990), của báo Tuổi Trẻ (1994 và 2005); năm 1996 đoạt huy chương bạc cuộc thi ảnh nghệ thuật TP.HCM…

Đối với xe cổ, anh chỉ đam mê sưu tập Vespa và chỉ lấy dòng xe này để làm phương tiện đi lại. Ngay từ bé, anh Sơn đã được thừa hưởng niềm đam mê xe cổ của bố là nhà báo Vũ Hải Vân. Ký ức về chiếc xe Vespa ACMA đời 1956 hiện lên trong anh rất rõ. Chiếc xe đã gắn bó với gia đình suốt 50 năm nay, từ ngày bố anh chở anh đi học và giờ anh lại dùng chính chiếc xe đó để chở con mình đến trường. Không biết chiếc xe đã chạy được bao nhiêu ngàn, bao nhiêu vạn cây số nhưng nó đã trở thành một vật không thể thiếu. Ở Việt Nam, anh là một trong số rất ít người sở hữu được nguyên bản chiếc xe này.

Số lượng xe cổ của anh Vũ Hải Sơn có trên 100 chiếc.

Trong bộ sưu tập hơn 100 chiếc xe của mình, anh có trong tay trên 90% các dòng xe Vespa từ lúc xuất hiện ở Việt Nam đến nay. Sở dĩ nói 90% bởi các dòng xe Vespa từ đời 1980 trở lại đây, anh không sưu tập vì nó hiện đại, không hợp gu của mình.

Với Vũ Hải Sơn, những chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại mà là những người bạn thân thiết.

Kỳ công để sở hữu Vespa nguyên bản

Để chơi và có chỗ chơi xe, suốt 15 năm nay anh đã thuê nguyên một căn nhà kho có cả người trông coi, bảo quản. Thỉnh thoảng anh đến thăm chúng cho đỡ ghiền, chiếc xe nào mà nhớ quá thì anh mang hẳn về nhà. Bởi thế trong nhà anh, chỗ nào trống đều được dựng xe. Có những chiếc đã hoàn thiện, có những chiếc đang được phục hồi.

Không chỉ là nhiếp ảnh gia, anh cũng là một tay sửa xe có tiếng. Những chiếc bánh xe, vành xe, khung xe vứt ngổn ngang, lộn xộn trong nhà nhưng rất sạch sẽ, đủ biết chủ nhân của chúng nâng niu những người bạn của mình như thế nào.

“Vespa như những người bạn đỏng đảnh vậy! Như chiếc Vespa Mini 50 phân khối, buổi sáng sớm phải đạp khổ sở nhưng khi nóng máy rồi thì chạy rất ngon, phù hợp với chạy đường dài. Còn ACMA 1956 chỉ cần đạp nhẹ là nổ, chạy trong thành phố thì vô tư nhưng chạy đường dài thì máy bị lì. “Có lần sáng dậy vừa nổ máy đã thấy nó giở chứng, khói ra nhiều nhưng do vội quá nên để thế phóng đại xuống Thủ Đức đi dạy. Tiếng nó kêu ầm ầm, cộng thêm khói nữa nên cả phố ngoái nhìn. Chạy đến chân cầu Sài Gòn, lúc leo qua cầu máy bị ì, phải xuống đẩy bộ”.

Nhiều khi thấy chiếc xe ưng là Sơn cố gắng tìm mọi cách để sở hữu nó. Có chiếc khi mua thì thấy một vài chi tiết không đúng với nguyên bản, anh bèn bỏ ra nhiều tháng trời đi lùng mua năm chiếc xe Vespa đồng nát, về ngồi nhà cả tuần, rã toàn bộ để lấy các chi tiết còn thiếu lắp vào chiếc xe mới mua. Nhiều khi có những chi tiết gửi mua ở nước ngoài rồi vận chuyển về bằng máy bay.

Chiếc Vespa được cách điệu, trồng nguyên một cây lan thật phía trước.

Để hiểu tất cả những thông số kỹ thuật, đời xe, series, màu xe gốc và những linh kiện đi theo xe nhằm phục hồi như cũ, anh đã bỏ cả ngàn euro ra nước ngoài mua một bộ sách 10 cuốn về kỹ thuật xe Vespa. Đây có thể xem là bộ sách gối đầu giường của anh mà ở Việt Nam cũng là của hiếm.

Truyền thụ niềm đam mê

Có một anh thợ sửa xe máy sau một thời gian quản lý kho Vespa cổ của anh Sơn đã “nghiện” xe lúc nào không biết. Hiện tại anh là một người sửa xe Vespa trẻ và có tiếng tăm nhất Sài Gòn, cũng là người dám làm, dám thực hiện những chiếc xe rất khó phục hồi.

Đối với con trai của mình, mặc dù mới năm tuổi nhưng anh đã cố gắng truyền thụ niềm đam mê cho con bằng cách cho con tiếp xúc nhiều với xe để nó hình thành nên một thói quen ngay từ nhỏ. “Hồi xưa, ông cụ mình mê xe. Ngay từ tấm bé, mình đã cảm thụ được những đường nét sắc sảo, màu sắc trang nhã với tiếng kêu “phành…phạch” của nó. Những chiếc xe của ông cụ đã theo gia đình mình suốt 50 năm rồi, không biết liệu sau này khi con lớn lên, nó có cảm thụ được giống mình hay không. Nhưng hiện tại toàn bộ đại gia đình mình ai cũng xài loại xe cổ này hết. Mỗi lần đèo con đi học, thấy nó thích thú được đứng đằng trước, không ngượng ngùng như mình hồi còn sinh viên, đi chiếc Vespa bạn bè cười “nhìn như ông già vậy”. Thấy con mình cũng cảm thấy hạnh phúc” – anh Sơn chia sẻ.

Vợ Vũ Hải Sơn cũng là một người mê xe Vespa. Có lần nhân sinh nhật vợ, anh đã quyết định mua tặng chị một chiếc Piaggio Vespa đời mới. Sau khi cầm xe mới chuẩn bị tính tiền thì ông chủ hãng xe chạy ra đề nghị “Để chiếc xe cổ của anh lại và đưa chiếc xe mới trị giá hơn 6.000 USD về”. Tuy nhiên, vợ anh nằng nặc không đồng ý.

Truyền thụ niềm đam mê có nhiều cách, đôi khi chỉ để cho có bạn mà chơi, hay khi xe thiếu một vài chi tiết chỉ cần alô bạn bè để trao đổi với nhau. “Những tay chơi xe cổ cũng được chia làm ba cấp độ. Những người sành nhất thì chỉ cần nhìn qua là có thể biết xe đó đời nào, tốt hay xấu; những người thuộc cấp độ thứ hai là phải nghe tiếng máy nổ mới biết; cấp độ cuối là cưỡi lên xe chạy thử. Chính vì vậy, việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và “khoe” hàng độc cũng là một cách để truyền thụ niềm đam mê đó” – anh Sơn chia sẻ thêm.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *