Bên bờ hạnh phúc
Ảnh minh họa

 Dịch Ebola là một căn bệnh truyền nhiễm do virus Ebola gây nên. Nó đã được xác nhận tại châu Phi vào năm 1976 và đang quay trở lại với sức công phá khủng khiếp.

Dịch Ebola đang lan ra khắp các nước Châu Phi, Châu Âu… người dân trên thế giới đang lo sợ về một đại dịch bệnh sẽ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.

Ở Việt Nam, chưa ghi nhận có trường hợp nhiễm bệnh Ebola nhưng cũng khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Nhất là trẻ em đang tuổi đi học, tiếp xúc với môi trường đông người càng khiến cha mẹ lo lắng. Vì vậy, để con có sức khỏe tốt, cha mẹ cần biết những điều sau đây:

Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, dấu hiệu nhận biết dịch bệnh

Virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm; lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da, niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm virus (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Ngoài ra, người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng buồn nôn/nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban (ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành nên tổn thương ban dát sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh), suy thận, suy gan.

Các triệu chứng xuất huyết: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, chảy máu âm đạo.

Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Tránh những khu vực đang có dịch hoặc nghi ngờ có dịch

Trên trang Eva cho biết, tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh, chúng ta nên hạn chế đến các vùng đang có dịch hoặc nghi ngờ có dịch. Bạn cũng nên tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh, hoặc bất cứ ai bạn nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Bởi hiện nay trên thế giới, một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines… đã bắt đầu xuất hiện người nhiễm bệnh Ebola… Điều này cho thấy, dịch bệnh này còn có thể lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Đồng thời, nên hạn chế cho trẻ đến bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe để thăm khám. Trừ khi nghi ngờ trẻ có thể bị nhiễm bệnh Ebola thì mới cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm và được điều trị sớm nhất.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh

Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, trẻ cần thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân (khẩu trang N95, kính đeo bảo hộ mắt, mũ, găng tay, bao giầy, quần áo), cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

Nhưng tốt nhất, trong trường hợp không bắt buộc, không nên cho trẻ đến gần người bệnh.

Không ăn thịt tái hay động vật hoang dã

Ebola xuất hiện trên người lần đầu tiên được xác định là thông qua tiếp xúc gần gũi với máu, dịch tiết, phủ tạng hoặc các dịch cơ thể khác của động vật nhiễm bệnh.

Chính vì vậy, nếu bạn đang ở trong khu vực nghi ngờ có dịch, tuyệt đối không nên mua, ăn và săn bắt thú rừng hoang dã vì chúng có thể đang có sẵn mầm bệnh gây nguy hiểm cho gia đình.

Không cho con bú khi mẹ nghi mắc bệnh Ebola

Ebola gây nguy cơ sảy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao ở phụ nữ có thai. Ebola có thể truyền qua sữa mẹ nên khi nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh.

Nguồn: An nguyên (Gia đình Việt Nam )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *