Bên bờ hạnh phúc

Đi tìm lời giải cho việc loài kền kền không ngửi được đồ ăn của chính mình.

Mặc dù kền kền không thuộc nhóm những loài chim “đáng yêu” trong mắt nhiều người, song chúng có một vai trò không thể thay thế trong hệ sinh thái.

Có thể ví kền kền như những vệ sinh viên chăm chỉ của môi trường tự nhiên, dọn sạch những xác chết động vật trên đồng cỏ. Từ thế kỉ XIX, người nông dân ở các nước phương Tây như Anh và Mỹ ngày càng quan tâm hơn tới sự hữu ích của kền kền. Vào thời gian đó, mọi người đều cho rằng kền kền tìm kiếm thức ăn bằng khứu giác. Họ cho rằng, những xác động vật chết bốc mùi sẽ dụ kền kền háu đói tới đánh chén.

Tuy nhiên, John James Audubon (1785-1851) – nhà tự nhiên học nổi tiếng người Mỹ gốc Pháp lại không nghĩ như vậy.

Hình ảnh John James Audubon – nhà tự nhiên học và đồng thời là họa sĩ. Ông đã vẽ tuyển tập các loài chim ở Bắc Mỹ.

Audubon trong một lần đi vào rừng đã nhìn thấy một con kền kền. Chỉ đến khi ông tiến lại rất gần, con chim mới giật mình bay đi trong khi đáng nhẽ nó phải ngửi được mùi người từ rất xa. Từ đó, nhà khoa học bắt đầu nghi ngờ về khả năng khứu giác của loài vật này.

Ông quyết định làm thử một thí nghiệm. Audubon dùng da hươu bọc quanh đống cỏ khô, sau đó trang trí thêm đầu, mắt và các bộ phận để làm giả xác một con hươu trên đồng cỏ. Thật ngạc nhiên, một con kền kền xuất hiện và mổ vào “xác hươu”. Nếu kền kền có thể ngửi được mùi, nó sẽ không thể nào bị đánh lừa dễ dàng như thế.

Audubon thử làm một thí nghiệm khác. Ông lấy xác một con lợn chết đang phân hủy đặt ra giữa đồng cỏ nhưng phủ lên trên những cành cây.

Mặc dù khu vực đó có nhiều kền kền đang bay lượn, không có con nào phát hiện ra bữa ăn thịnh soạn này. Audubon bèn phỏng đoán rằng, khả năng khứu giác của kền kền đã bị con người phóng đại so với thực tế. Theo ông, kền kền sử dụng cặp mắt tinh tường của chúng nhiều hơn là dùng mũi để kiếm thức ăn.

Vào năm 1826, Audubon thuyết trình về phát hiện của mình tại London. Tuy nhiên, ông bị phản đối dữ dội. Nhà tự nhiên học người Anh – Charles Waterton còn nhận xét quan điểm của Audubon là vớ vẩn và đáng bị lên án. Dù vậy, Audubon vẫn không bị lay chuyển.

Các chuyên gia trong lĩnh vực điểu cầm học quyết định họp tại Charleston, bang South Carolina (Mỹ) – nơi có nhiều kền kền sinh sống. Họ làm thử một thí nghiệm như sau. Một bác họa sĩ được thuê vẽ một bức tranh vẽ xác chết của một con cừu bị thương – bữa ăn hoàn hảo cho những con kền kền. Bức tranh được đem ra ngoài đồng cỏ.

Cùng lúc đó, người ta chuẩn bị một đống thịt đang bốc mùi và giấu dưới một tấm gỗ nhỏ, sao cho kền kền có thể vào lấy được thức ăn.

Không khí có thể đi vào trong tấm gỗ và phát tán mùi thịt ôi ra khắp xung quanh. Họ đặt đống thịt bị giấu này ra cách bức tranh vẽ bữa ăn giả kia chỉ khoảng 5 mét.

Thí nghiệm bắt đầu và trước sự ngạc nhiên của mọi người, những con kền kền bay xuống đều rỉa vào bức tranh có con cừu chết. Nhà tự nhiên học Jon Bachman – người thiết kế thí nghiệm này nhận thấy, dù đống thịt bốc mùi nằm ngay gần kề, song chẳng có con kền kền nào thèm lại gần. Vậy là Audubon đã thắng trong cuộc tranh luận với các nhà khoa học. Bằng những thí nghiệm thực tế, niềm tin phổ biến rằng kền kền dùng mũi tìm thức ăn đã bị bác bỏ.

Thay vào đó, thị giác mới là công cụ chủ yếu giúp loài vật này phát hiện con mồi. Có thể thấy nếu không có khoa học thực nghiệm, hiểu biết của chúng ta về tự nhiên và vạn vật nói chung sẽ đầy sai sót.

Tuy nhiên cũng cần chú ý là thí nghiệm trên chỉ đúng với loài kền kền đen. Các nhà khoa học sau này phát hiện ra một số loài kền kền khác như loài kền kền cathartes aura có thể dùng khứu giác để tìm kiếm đồ ăn.

Có một điều thú vị là vào thập niên 1930, các kĩ sư dầu mỏ ở Texas (Mỹ) đã lợi dụng khứu giác tinh nhạy của loài này để phát hiện các kẽ nứt trên ống dẫn dầu. Họ bơm một hóa chất thơm vào ống dẫn dầu và nếu có khe hở, những con kền kền cathartes aura sẽ bay quanh đó, báo cho các kĩ sư biết nơi gặp sự cố.

Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *