Bên bờ hạnh phúc

Ấn Độ là một trong những quốc gia có các nghi thức cưới hỏi truyền thống nhiều màu sắc nhất trên thế giới. Đối với người dân nước này, đám cưới là một lễ hội lớn và là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời.

Bộ vòng đeo tay truyền thống của người Ấn sẽ được cô dâu bắt đầu đeo từ khi cử hành hôn lễ đến ít nhất một năm sau mới được tháo ra. Khi thấy những cô gái đeo loại trang sức này trên phố, mọi người sẽ biết rằng đó là người mới lập gia đình. Khi ấy, cô dâu sẽ nhận được lời chúc phúc của những người đi đường.

Bộ vòng đeo tay được cô dâu đeo trong suốt 1 năm đầu sau lễ cưới

Nghi thức quan trọng nhất được thực hiện trước khi xuất giá 1 ngày là nghi thức Henna, còn gọi là Mehdi, tức vẽ hoa văn lên tay chân cô dâu. Henna cũng là tên của là một loại thực vật được trồng để lấy lá sấy khô rồi trộn với keo dùng làm thuốc nhuộm tóc hay làm màu vẽ lên da.

Trước khi vẽ Henna, thợ vẽ sẽ thoa nước hoa lên những vị trí chuẩn bị vẽ. Làm như thế, màu mới dễ bám và đẹp. Nghệ thuật vẽ Henna không chỉ mang tính chất làm đẹp mà còn được xem là nghi thức chúc phúc cho cô dâu. Tương truyền, bàn tay của cô dâu được vẽ hoa văn càng nhiều và đậm màu thì càng được chồng yêu thương.

Bàn tay cô dâu có càng nhiều hoa văn và càng đậm thì sẽ được chồng yêu thương

Từ xưa đến nay, người Ấn Độ luôn rất thích bộ môn nghệ thuật này. Phụ nữ Ấn thích làm đẹp bằng nghệ thuật vẽ Henna lên tay, chân vào những ngày lễ hội, đặc biệt là ngày cưới. Hoa văn được chọn vẽ thường là hình ảnh các loài hoa, muôn thú, nhất là chim công. Đó là những hình ảnh được xem là may mắn và thể hiện sự cao quý, sang trọng.

Người thợ vẽ Henna phải là người có khiếu thẩm mỹ, sự khéo tay và tính cần mẫn. Như thế, họ mới có thể theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Hầu như bất kỳ phụ nữ Ấn Độ nào khi tham dự lễ cưới đều làm đẹp với nghệ thuật vẽ Henna.

Không chỉ có cô dâu mà bất kỳ phụ nữ Ấn Độ nào tham gia lễ cưới cũng trang trí cho mình một hình vẽ Henna

Có lẽ không ít người cho rằng, phong tục cưới hỏi của dân tộc mình phức tạp. Nhưng khi tìm hiểu các nghi thức đám cưới của người Ấn, chúng ta mới thấy được hết sự phức tạp, cầu kỳ trong phong tục cưới hỏi của họ. Sau khi vẽ hình lên tay chân, cô dâu còn được người thân đút từng muỗng cơm.

Ở Ấn Độ, dừa và phô mai được xem là những lễ vật mang đến sự may mắn vì đó là những thứ thiết yếu trong cuộc sống của người dân nước này. Cha của cô dâu sẽ là người thực hiện nghi thức gội đầu cho con gái. Tuy nhiên, ông ấy không sử dụng xà bông mà dùng phô mai rắc lên tóc của con mình. Người Ấn cho rằng, gội bằng phô mai không những giúp tóc được bóng mượt mà còn có thể mang đến sự may mắn. Nghi thức này là lời chúc phúc của người cha gởi đến con gái.

Cô dâu Ấn phải thực hiện rất nhiều nghi thức trong suốt một tuần diễn ra lễ cưới. 

Nghi lễ dẫm nát các đồ vật mà cô dâu đã từng sử dụng sẽ được diễn ra ngay sau khi cô dâu được chúc phúc. Người cậu của cô dâu sẽ thực hiện nghi thức này, dẫm nát chúng và ẵm cô ấy vào nhà. Nghi thức này thể hiện sự yêu mến của người thân trong gia đình dành cho cô gái trước khi cô đi lấy chồng. Dù nhà chồng ở xa đến đâu, mọi người cũng mong cô ấy được may mắn, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của chồng, gia đình và bè bạn.

Theo phong tục của người Ấn, trước khi xuất giá, cô dâu sẽ in dấu bàn tay lên một tờ giấy để làm kỉ niệm. Tờ giấy đó sẽ được treo ở nhà trong 1 năm đầu nhằm ghi nhớ về sự kiện này cũng như nhắc nhở người thân luôn nhớ về cô con gái của họ.

Trong khi đó, nhà trai sẽ mở tiệc rất linh đình 1 ngày trước khi cử hành hôn lễ. Mọi người cùng nhau nhảy múa, trẻ con và cả người lớn tuổi đều hào hứng tham gia

Vào ngày đại lễ, cô dâu phải thực hiện những nghi thức cuối cùng ở nhà gái trước khi nhà trai đến rước dâu. Bắt đầu là nghi thức Kala, tức nghi thức đeo vòng truyền thống cho cô dâu do người cậu đảm nhiệm. Trong lúc được đeo trang sức, cô dâu phải nhắm mắt lại. Để được may mắn, cô dâu phải nhắm mắt đến khi nào bộ vòng được đeo hoàn tất vào 2 tay. Ngoài 2 bộ vòng, cô dâu còn phải đeo 2 vật trang trí rất cầu kỳ gọi là Kala. Kala có hình dạng như những chiếc chuông gió. Chúng được treo vào vòng nhằm tạo sự rực rỡ cho đôi tay của cô dâu. Sau khi đeo xong, người cậu sẽ dùng vải bọc 2 bộ vòng lại. Đến lúc này, cô dâu mới được mở mắt ra.

Cô dâu được người cậu thực hiện nghi thức mang vòng vào tay

Kala có hình dáng như chiếc chuông gió

Theo phong tục tuyền thống, chàng rể sẽ cưỡi 1 con ngựa trắng đến gõ cửa nhà gái để xin đón dâu. Cưỡi ngựa trắng đi rước dâu là phong tục bắt nguồn từ giới hoàng tộc xưa kia ở Ấn Độ. Có những lễ cưới, chú rể không cưỡi ngựa trắng mà cưỡi voi! Không những chú rể mặc trang phục đỏ lấp lánh mà con ngựa cũng thế! Điều này cho thấy, tất cả mọi thứ của một đám cưới truyền thống Ấn Độ đều được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, chu đáo. Đặc biệt, con ngựa mà chú rể cưỡi phải là một con ngựa cái.

Chú rể rước dâu trên một con bạch mã

Khi chú rễ cùng nhà trai đến nơi, chú rể phải xuống ngựa để thực hiện nghi thức tế thần nhằm thể hiện sự thành khẩn đón dâu cũng như nguyện vọng được yêu thương, chung sống với cô dâu trọn đời. Sau đó, chú rể và nhà trai tiến vào nơi cử hành hôn lễ trong sự hò reo của mọi người.

Chú rể được mẹ vợ thực hiện nghi lễ khi bước vào nhà rước dâu

Nghi lễ đón dâu còn bao gồm việc thoa chấm đỏ lên trán cho cô dâu và chú rễ

Trong khi đó, nhà gái đã sẵn sàng đón tiếp họ nhà trai. Lễ vật cũng đã chuẩn bị hoàn tất. Khi vừa đến nơi, chú rể liền được mẹ vợ thoa chấm đỏ lên trán. Sau đó chàng được nhận 1 trái dừa. Tiếp đến là được ăn 1 miếng bánh gạo và đeo vòng hoa vào cổ. Sau nghi thức này, chàng rể và nhà gái đã trở thành người một nhà.

Ở Ấn Độ, mọi chi phí trong đám cưới hầu hết đều do nhà gái lo liệu.

Cô dâu Ấn được che bằng một tấm lưới hoa văn rất đẹp khi bước ra trong ngày lễ

Giờ phút long trọng nhất của đám cưới ở Ấn Độ là lúc cô dâu bước ra. Cô dâu được che bởi một tấm lưới có trang trí hoa hồng rất đẹp trên đầu. Tấm lưới này thể hiện sự bảo bọc của người thân, gia đình dành cho cô.

Giống như các dân tộc khác, người Ấn đi dự tiệc cưới cũng mang theo quà hoặc tiền mừng để tặng cho cô dâu, chú rể.

Trong văn hóa Ấn Độ, người ta thích cuộc sống đại gia đình, do vậy con trai sau khi cưới vợ thường sống chung với cha mẹ chứ ít khi dọn ra ở riêng.

Gia Nữ
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *