Từ lâu, văn hóa Ấn Độ đã có sức hút mãnh liệt đối với du khách quốc tế, nhất là các hoạt động liên quan đến phong tục cưới hỏi. Người Ấn được xem là một trong những dân tộc có nghi thức cưới hỏi đặc sắc, cầu kỳ nhất trên thế giới.

Hiện, Ấn Độ là một trong những quốc gia có nghi lễ cưới hỏi truyền thống nhiều màu sắc nhất trên thế giới. Trong đám cưới, cô dâu và chú rể phải thực hiện rất nhiều nghi thức. Đây là nét đẹp văn hóa đáng tự hào của người Ấn.

Nghi lễ cưới hỏi của Ấn Độ ngập tràn màu sắc

Lúc chuẩn bị lấy chồng, hầu hết phụ nữ Ấn Độ đều chuẩn bị trang phục cưới và các vật dụng cần thiết cho hôn lễ. Mũ là loại thường được dùng trong các lễ cưới ở Ấn Độ. Mũ dành cho chú rể còn gọi là khăn Kalgi. Phụ kiện của chú rể còn có thêm mạng che mặt bằng những sợi chuỗi.

Chú rể đội khăn Kalgi và mạng che mặt bằng những sợi chuỗi

Những xấp tiền được xếp và trang trí rất đẹp cũng là một trong những lễ vật không thể thiếu trong ngày cưới của người Ấn. Các tờ tiền thường có mệnh giá từ 10 đến 100 rupee Ấn Độ.

Bánh mứt, trái cây hay các loại hạt sấy khô là sính lễ quan trọng trong ngày cưới của dân tộc Ấn, trong đó, táo, nho, hạt dẻ, dừa khô… luôn là những thứ rất được người dân chuộng mua.

Do cây dừa rất hữu dụng nên người Ấn luôn xem trái của loài cây này là vật may mắn. Ngày nay, nếu không muốn sử dụng trái dừa khô thật, người ta có thể dùng những trái dừa giả được trang trí nổi bật. Ngoài dừa và tiền, phần lễ vật nhà trai mang sang nhà gái còn có gạo trắng và một ít mỹ phẩm như phấn, kem nghệ. Chúng đều là những sản phẩm thiết yếu trong đời sống của người phụ nữ Ấn Độ.

Những quả dừa được trang trí cầu kỳ, nổi bật, sẽ mang lại may mắn cho cô dâu

Mặc dù xã hội đã rất phát triển và có nhiều đổi mới nhưng hầu hết phụ nữ ở nước này đều thích mặc trang phục truyền thống sari trong ngày cưới. Trang phục truyền thống sari của phụ nữ Ấn Độ đến nay đã có mấy ngàn năm lịch sử. Chất liệu, màu sắc, hoa văn của nó ngày càng đa dạng.

Trước ngày cưới, các cô dâu ở Ấn Độ phải trải qua rất nhiều nghi thức. Theo phong tục, 3 ngày trước khi cử hành hôn lễ, mỗi ngày, các cô dâu Ấn Độ đều phải tắm 3 lần. Sau khi tắm, cô dâu phải ngồi yên để bà con họ hàng đến chúc phúc. Trong lúc chúc phúc, từng người thân sẽ đến bên cạnh và dùng một số loại hương thảo đã được xay nhuyễn thoa lên người cô dâu. Kem nghệ được dùng để thoa lên da mặt, tay và chân của cô dâu. Người Ấn cho rằng, kem nghệ không những có tác dụng làm đẹp da mà còn mang đến phước lành cho cô dâu.

Cô dâu được thoa kem nghệ vào mặt và tay, chân 3 ngày trước đám cưới

Khi lấy chồng, của hồi môn được ví như thước đo thân phận, địa vị của cô dâu. Của hồi môn là phần tài sản cha mẹ cho cô dâu mang theo về nhà chồng. Số tài sản đó có thể giúp con gái có được cuộc sống đủ đầy hơn. Của hồi môn càng nhiều, cô dâu càng được bên nhà chồng tôn trọng. Của hồi môn mà các cô gái mang theo về nhà chồng thường là tiền, vàng, đồ gia dụng, đôi khi còn được cha mẹ ruột cho giường ngủ, nhà lầu, xe hơi…, trong đó vàng là phổ biến nhất.

Không chỉ người Ấn mà hầu hết các dân tộc khác trên thế giới đều có phong tục tặng vàng cho cô dâu làm của hồi môn mang về nhà chồng trong ngày cưới. Tuy nhiên, có lẽ các cô dâu đeo trang sức nhiều nhất là người Ấn.

Bông tai, vòng đeo mũi, vòng đeo trán, vòng cổ, vòng tay là những thứ trang sức cô dâu Ấn

nào cũng phải có trong ngày cưới

Teeka là loại trang sức được mang trước trán của cô dâu Ấn. Trong khi đó, bông tai của cô dâu thì có hình dáng rất dài. Một loại trang sức độc đáo của người Ấn mà các dân tộc khác không có, đó là vòng đeo mũi. Họ đeo loại trang sức này ở mũi và thường có một sợi dây dài gắn lên tóc hay trên vành tai. Trong bộ trang sức truyền thống của Ấn Độ còn phải có thêm 2 chiếc vòng. Nhà gái thường phải chuẩn bị một bộ trang sức như thế cho cô dâu trong ngày cưới.

Ngoài đồ trang sức, nhà gái còn phải lo nhiều khoảng chi phí khác cho đám cưới. Theo phong tục, những người đến dự cưới đều có thể ở lại và nghỉ ngơi thoải mái vì họ quan niệm rằng, càng có nhiều người đến dự đám cưới càng tốt.

Ngoài việc lo chỗ ở, gia chủ còn phải chuẩn bị nhiều lễ vật để thết đãi và tặng cho khách. Hầu hết khách đến dự đám cưới thường ở lại cả tuần lễ. Mọi chi phí, sinh hoạt, ăn uống, vui chơi… đều do gia chủ lo liệu.

Cô dâu và chú rể nhận lời chúc phúc từ mọi người

Trong văn hóa Ấn Độ, điều quan trọng nhất đối với một đám cưới không phải là tình yêu mà là môn đăng hộ đối. Người Ấn Độ chia xã hội của họ thành 4 giai cấp. Mọi hoạt động trong đời sống đều dựa trên các quy tắc của giai cấp đó.

Phần lớn các chàng rể ở Ấn Độ đều do cha mẹ vợ chọn, và các cô dâu đều rất yên tâm với sự lựa chọn đó. Trong khi ngày nay, nhiều bạn trẻ trên thế giới đều muốn kết hôn với người mình chọn thì ở Ấn Độ vẫn duy trì truyền thống văn hóa hôn nhân sắp đặt.

Ở Ấn Độ, không chỉ cha mẹ tốn nhiều tiền cho đám cưới con gái mà cậu của cô dâu cũng phải chuẩn bị một số tiền không nhỏ. Trong số của hồi môn của cô dâu có nhiều thứ là do người cậu chuẩn bị. Không ít người lần đầu tiên nghe đến phong tục này đều cảm thấy thắc mắc. Tại sao lại là cậu lo mà không phải là chú, hay bác của cô dâu? Trong văn hóa Ấn Độ, anh trai có vai trò vô cùng quan trọng trong gia đình. Do vậy, khi con gái của em lấy chồng, người cậu phải thay mặt bên nhà ngoại lo liệu rất nhiều thứ, nhất là của hồi môn cho cháu gái. Ngoài việc lo lễ vật, của hồi môn, người cậu còn là người cùng với mẹ cô dâu đảm nhận việc thoa chấm đỏ lên trán cho những người đến tham dự lễ cưới.

Gia Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *