Bên bờ hạnh phúc

Quyên góp từ khán giả xem phim tài liệu "Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát" ở nhiều nước trên thế giới, ông Andre Menras chia sẻ khó khăn cùng gia đình ngư dân Quảng Ngãi có người thân gặp nạn ở Hoàng Sa.

Ông Hồ Cương Quyết trao tiền của khán giả nhiều nước trên thế giới hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.

 

Sáng 22/7, ông Andre Menras (Hồ Cương Quyết), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển & Trao đổi Sư phạm Pháp – Việt (ADEP) về huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thăm hỏi, hỗ trợ cho 9 gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, người thân chết, gặp nạn trong lúc đánh bắt thủy sản ở vùng biển Hoàng Sa. Trước đó, ông đã về thăm, tặng quà cho 13 ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. 

Tổng số tiền ông Quyết hỗ trợ cho 22 gia đình ngư dân là hơn 52 triệu đồng. "Đây là số tiền do người dân các nước Pháp, Cộng hòa Czech, Ba Lan… quyên góp sau khi xem phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát thể hiện tình cảm với ngư dân Quảng Ngãi", ông Quyết nói.

Theo ông Quyết, món quà tuy nhỏ nhưng đây là tình cảm nhân văn của người dân khắp nơi trên thế giới yêu chuộng hòa bình, tôn trọng lịch sử, sự thật… về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Hiện bộ phim tài liệu này đã được công chiếu rộng rãi tại châu Âu cũng như ở Việt Nam.

Thời gian tới, ông dự định tiếp tục thực hiện một bộ phim ở Hoàng Sa, điểm bắt đầu chính là giàn khoan Hải Dương 981. 

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng gửi email cho André Menras chia sẻ: "André, tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không làm được một bộ phim như vậy". Còn đạo diễn Trần Văn Thủy thì nói về André Menras: "Con người ông, nội dung phim của ông khiến chúng ta khâm phục".

Khi được hỏi tại sao một người Pháp gốc lại quan tâm tới Việt Nam như vậy, André Menras bảo rằng vì chịu ơn Việt Nam bởi nơi đây đã cho ông trưởng thành. "Tới Việt Nam từ khi còn là một thanh niên vô ưu, tôi đã thành 'người lớn'. Tình cảm với Pháp là tình yêu sinh học bởi nơi đó có quê hương, cha mẹ, họ hàng… Tôi yêu Việt Nam từ trái tim, khối óc, đi xuống chân và đã mọc rễ sâu bền", ông nói.

Tháng 9/1968, chàng trai 23 tuổi André Menras sang Việt Nam dạy học. Tháng 7/1970, anh cùng bạn Jean Pierre Debris phất cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn chống cuộc chiến xâm lược của Mỹ trước tòa nhà Quốc hội chính quyền Sài Gòn. Sau đó, André bị bắt và giam cầm tại khám Chí Hòa. Tết 1971, một người bạn tù trí thức đặt tên cho ông là Hồ Cương Quyết.

Năm 1972, André Menras và Jean Pierre Debris bị chính quyền Sài Gòn trục xuất. Từ đó, hai người đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền rồi viết sách tố cáo tội ác của Mỹ. Cuốn Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn – Chúng tôi tố cáo của hai ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, tạo phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trên khắp thế giới. Sau ngày Việt Nam thống nhất, năm 1977 André Menras được Chính phủ Việt Nam mời sang thăm.

Quay lại Việt Nam năm 2002, ông lập Hiệp hội Phát triển & Trao đổi sư phạm Pháp – Việt. Từ năm 2004 đến nay, dù đã hơn 62 tuổi, ông vẫn đều đặn sang Việt Nam trao tặng học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học. Ông cùng ăn ở, kéo lưới đánh bắt cá với người dân Quảng Ngãi để thực hiện phim tài liệu về đời sống ngư dân, về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa. 

Năm 2009, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cấp thẻ chứng minh lấy họ tên ông là Hồ Cương Quyết, công nhận là công dân Việt Nam.

Nguồn: Trí Tín ( VnExpress )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *