Bên bờ hạnh phúc

Ai cũng muốn có một trái tim khỏe mạnh. Thói quen hằng ngày có thể góp phần làm trầm trọng thêm hoặc thuyên giảm bệnh tim, theo Health. Các chuyên gia sức khỏe đã liệt kê một số thói quen xấu sau gây ảnh hưởng không tốt đến tim.

Nhiều thói quen hằng ngày ảnh hưởng xấu đến tim – Ảnh: Shutterstock

 

Ngồi nhiều giờ liên tục

Ngồi nhiều giờ liên tục làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tiến sĩ Harmony R. Reynolds, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng tim mạch thuộc Trung tâm y tế Langone, New York, Mỹ cho biết, ngồi nhiều, thiếu vận động có thể ảnh hưởng đến nồng độ chất béo và đường trong máu. Tiến sĩ Reynolds khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe quả tim, trong lúc làm việc, thỉnh thoảng đứng lên và đi bộ xung quanh vài vòng.

Không kiểm soát được trầm cảm

Bạn đang cảm thấy căng thẳng, bực bội và chán nản? Điều này có thể tác động xấu đến tim bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh những người hay bị stress rất dễ bị bệnh tim. Hãy nhanh chóng xử lý những cảm xúc để bảo vệ sức khỏe cho tim. Nghiên cứu cho thấy tiếng cười và các tương tác xã hội giúp ích rất nhiều trong việc kiềm chế căng thẳng, tiến sĩ Reynolds nói.

Ngáy ngủ

Ngáy khi ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo một chứng bệnh nguy hiểm: ngưng thở khi ngủ. Rối loạn này đánh dấu bằng hơi thở bị gián đoạn trong khi ngủ, có thể làm huyết áp tăng vọt. Hơn 18 triệu người Mỹ trưởng thành bị chứng ngưng thở khi ngủ, làm tăng nguy cơ bệnh tim. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ. Nếu bạn ngáy và thường thức dậy cảm thấy mệt mỏi, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hướng xử lý.

Không dùng chỉ nha khoa

Có một sự liên kết mạnh mẽ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim, bác sĩ Robert Ostfeld, chuyên gia y học lâm sàng tại Trung tâm y tế Montefiore (New York, Mỹ) cho biết. Nếu bạn không dùng chỉ nha khoa, vi khuẩn và mảng bám trên răng đầy lên theo thời gian, có thể dẫn đến bệnh nướu răng. Có giả thuyết cho rằng vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm trong cơ thể. Viêm thúc đẩy xơ vữa động mạch. Vì vậy, điều trị bệnh nướu răng có thể cải thiện chức năng mạch máu.

Tách khỏi cộng đồng

Ai cũng cần có không gian riêng của mình nhưng không có nghĩa cô lập mình với thế giới bên ngoài. Các nhà khoa học đã chứng minh những người có kết nối mạnh mẽ với gia đình, bạn bè và xã hội có xu hướng sống lâu hơn và khỏe hơn. Vì vậy hãy giữ liên lạc và tạo mối quan hệ tốt bất kỳ khi nào có thể để bảo vệ sức khỏe cho tim.

Hội chứng cuối tuần

Với ý định tăng cường sức khỏe, nhiều người ở độ tuổi 40 và 50 đã nỗ lực tập luyện thể dục, nhưng đáng tiếc năng lượng ấy họ dồn hết cho những ngày cuối tuần, còn các ngày khác trong tuần lại lười biếng. Tiến sĩ Judith S. Hochman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tim mạch lâm sàng tại Trung tâm Y tế Langone Đại học New York (Mỹ) khuyến cáo việc tập thể dục phải được thực hiện thường xuyên và đều đặn mới mong đạt được kết quả. Đó là một trò chơi lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại.

Uống nhiều rượu

Các nghiên cứu cho thấy một lượng nhỏ rượu có thể tốt cho tim, nhưng quá nhiều sẽ phản tác dụng. Uống rượu quá nhiều được liên kết với nguy cơ tăng huyết áp, chất béo trong máu và suy tim. Ngoài ra, quá nhiều calo sẽ dẫn đến tăng cân, trở thành mối đe dọa sức khỏe tim mạch. Giới hạn tốt nhất cho nam là 2 ly rượu mỗi ngày và nữ là 1.

Ăn quá nhiều

Thừa cân là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim. Thực tế có 72% nam giới và 64% phụ nữ ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì. Cố gắng ăn ít và thay thế đồ uống có đường bằng nước lọc để tránh tăng cân. Các chuyên gia khuyến cáo để giảm cân, cần cắt bớt lượng carbohydrate cao trong thực đơn hằng ngày và chọn các loại thực phẩm chứa ít chất béo.

Không hiểu về nguy cơ

Bệnh tim mạch bao gồm đột quỵ, bệnh tim, suy tim, và đừng cho rằng bạn không có nguy cơ. Huyết áp cao, cholesterol "xấu", bệnh tiểu đường, thừa cân, hút thuốc cùng tất cả các yếu tố nguy cơ cần được kiểm soát thường xuyên để tránh những rủi ro.

Ăn nhiều thịt đỏ

Thỉnh thoảng ăn thịt đỏ tốt cho sức khỏe, nhưng ăn thường xuyên sẽ gây tác hại cho tim. Thịt đỏ chứa chất béo bão hòa, và cũng có bằng chứng cho thấy thịt chế biến, chẳng hạn như thịt xông khói và xúc xích, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và ung thư trực tràng.

Không kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Nhiều người bị bệnh tim nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng. Vì vậy, nếu không đi khám định kỳ đầy đủ rất khó phát hiện bệnh. Tốt nhất ngay từ năm 20 tuổi, nên chủ động hơn trong việc kiểm tra sức khỏe. Nên kiểm tra lượng cholesterol 5 năm/lần, kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm/lần… Nếu chúng tăng cao, bạn có nguy cơ bị những "kẻ giết người thầm lặng" (bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường) tấn công.

Hút thuốc hoặc sống chung với người hút thuốc

"Hút thuốc lá được xem là thảm họa cho trái tim", tiến sĩ Ostfeld cho biết. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ máu vón cục, khiến máu không thể lưu thông tới tim và góp phần gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Ngoài ra, những người sống trong môi trường khói thuốc cũng bị ảnh hưởng. Thực tế đã có 46.000 người hút thuốc thụ động chết do các bệnh về tim mỗi năm.

Không ăn trái cây và rau quả

Theo tiến sĩ Ostfeld, dinh dưỡng lành mạnh nhất dành cho tim là ăn theo chế độ thực vật. Điều đó có nghĩa tăng cường bổ sung các loại trái cây và rau quả, các loại hạt, ngũ cốc, sữa ít chất béo và protein để đảm bảo tim hoạt động hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều trái cây và rau củ mỗi ngày có thể hạn chế nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ tấn công xuống đến 20% so với những người ăn ít hoặc hiếm khi ăn.

Xem thường triệu chứng thể chất

Nếu bình thường bạn có thể leo cầu thang bộ 3 lần một ngày, nhưng đột nhiên bạn bỗng khó thở chỉ sau một lần leo hoặc có triệu chứng tức ngực, hãy nhanh chóng đến bác sĩ kiểm tra. Bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm ấy rất có thể bạn sẽ rước họa vào thân.

Ăn mặn

Muối làm tăng huyết áp, và một trong ba người Mỹ trưởng thành bị cao huyết áp, một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, suy thận và đau tim. Tránh xa các đồ ăn vặt đóng gói, đọc kỹ thành phần trên nhãn mác thực phẩm là cách thông minh để tránh nguy cơ tim mạch.

Thường xuyên tức giận

Mặc dù bày tỏ sự tức giận là cách tốt để giải phóng căng thẳng và áp lực tinh thần nhưng sự tức giận thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim. Cảm xúc tiêu cực của con người gây ra sự căng thẳng trong cơ thể và nếu các phản ứng căng thẳng diễn ra nhiều lần nó sẽ trở nên có hại cho tim, làm tăng nguy cơ suy tim, dễ dẫn đến đột quỵ hoặc bệnh tim.

Nguồn: TNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *