Bên bờ hạnh phúc

Viêm não Nhật Bản được biết đến từ năm 1871, nhưng mãi đến năm 1935 mới được phân lập từ người bệnh ở Tokyo ( Nhật Bản). Sau đó, bệnh hoành hành và gây dịch tại các đảo phía Tây Thái Bình Dương, các nước Bắc Á…, trong đó có Việt Nam.

 

 

Ở Việt Nam trong những năm 80 và đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tỷ lệ mắc bệnh khá cao (7/100.000 dân). Nhưng từ năm 1993, nhất là từ năm 1997, khi vắc-xin viêm não Nhật Bản được đưa vào dự án Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em lứa tuổi một-năm, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc viêm não vi rút (viêm não Nhật Bản), trong đó có năm trường hợp tử vong. Riêng Bệnh viện Nhi Trung ương đến thời điểm này tiếp nhận 130 trường hợp và đã có một người tử vong. Bệnh viêm não Nhật Bản có tính chất rải rác, không có ổ dịch tập trung.

Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính, xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ em ở lứa tuổi hai-sáu (chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh). Trên lâm sàng thường có biểu hiện nhiễm trùng và rối loạn thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau, đáng ngại hơn cả là bệnh thường để lại di chứng và tỷ lệ tử vong cao (như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân…).

Bệnh lây truyền từ súc vật sang người qua các loại muỗi Culex đốt, ở Việt Nam muỗi có khả năng truyền bệnh là Culextritaniorhyncus.

Bệnh thường xảy ra từ tháng Tư đến tháng Chín và đỉnh cao vào tháng Sáu, Bảy. Thời điểm bệnh xảy ra hàng năm trùng hợp với thời kỳ các côn trùng truyền bệnh phát triển mạnh trong thiên nhiên.

Tất cả mọi lứa tuổi chưa có kháng thể miễn dịch đặc biệt đều có thể bị mắc bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm ba-năm tuổi cao hơn ở người lớn từ năm-mười lần.

Triệu chứng:

– Thời kỳ ủ bệnh từ một-sáu ngày, ngắn nhất là 24 giờ và có khi lên tới 14 ngày, thường ít có triệu chứng. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt, đau đầu, buồn nôn và nôn. Sau đó sốt cao, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

– Giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não, não và rối loạn thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não, triệu chứng phổ biến là cứng gáy. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như co cứng cơ, co vặn, co giật, run, liệt nửa người.

– Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề: nhiệt độ dao động, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đàm, nhịp tim nhanh, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau, từ ngủ gà đến hôn mê sâu.

Trong các trường hợp nặng tiến triển đến tử vong, thường thấy sốt trên 400C kèm với rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ ba đến ngày thứ tám của giai đoạn cấp. Với các bệnh nhi sống sót, có thể để lại di chứng thần kinh tâm thần.

Điều trị:

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị triệu chứng, hồi sức tích cực, phục hồi chức năng và nâng cao thể trạng.

Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, cần:

– Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.

– Ngủ mùng, thường xuyên sử dụng những biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

– Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với ba liều cơ bản: mũi đầu tiên lúc trẻ được một tuổi; mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ một-hai tuần; mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai một năm. Sau đó cứ ba-bốn năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Nguồn: Bác sĩ Võ Thanh Hùng – Bệnh viện Q.2 ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *