Bên bờ hạnh phúc

Đó là con ba ba do nghệ nhân Trường Ngân, ngụ số 10, Nguyễn Huệ phường 1, thành phố Bến Tre chế tác. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với nhiều sản phẩm được làm từ gỗ – gáo – chỉ – lá – xơ dừa nên khi được tỉnh mời chế tác con ba ba để xác lập “kỷ lục” dừa ông Ngân nhận lời ngay. Tuy vậy, để chế tác được một con ba ba lớn không phải là chuyện đơn giản.

Ông Trường Ngân bên đàn ba ba làm từ dừa.

Ông Ngân kể: “Tôi vốn xuất thân là dân ‘Hai Lúa’ nên chẳng biết làm bản vẽ chi tiết. Chỉ còn cách mô phỏng kích cỡ, sau đó với nguyên liệu hơn 20kg gáo dừa; 6 người cứ cặm cụi cưa, bào, đục, đánh bóng… từng miếng rồi ráp lại. Làm liên tục gần 1 tháng mới có được con ba ba dài 2,3 m, ngang 1,7 m. Đó là chưa kể phải đập bỏ đi bỏ lại nhiều lần mới thành công”. Cũng theo ông Ngân, khó nhất trong việc tạo hình con ba ba khổng lồ này này là phải làm cho vảy nó nhấp nhô, góc cạnh. Đây chính là công đoạn tốn nhiều thời gian mài giũa nhất. Gáo dừa phải chọn loại đồng nhất, có nhiều hoa văn mới làm cho con ba ba sinh động.

Sau khi được trưng bày, con ba ba dừa này đã được một doanh nghiệp ở TP HCM hỏi mua với giá 1.500 USD nhưng ông Ngân không bán. Tại Lễ hội Dừa năm nay, con ba ba của ông Ngân trở thành một điểm thu hút nhiều khách tham quan.

 Ngoài ba ba, cơ sở của ông Trường Ngân còn chế tác hàng trăm sản phẩm là các con vật từ gáo dừa như cua, tôm, gà… và nhiều sản phẩm làm bằng lá dừa, chỉ xơ dừa, cọng dừa. Cơ sở Trường Ngân đã trở thành địa chỉ đặt hàng thủ công mỹ nghệ quen thuộc của các cửa hàng mua bán đồ lưu niệm trong và ngoài tỉnh.

Con hổ làm bằng chỉ xơ dừa của Công ty TNHH Thanh Bình.

Hổ xơ dừa

Tại Lễ hội Dừa năm nay, Công ty TNHH Thanh Bình (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) làm nhiều khách tham quan bất ngờ với hai con hổ làm bằng chỉ xơ dừa. Mỗi con cao 2 m, chiều ngang 0,8 m, được làm từ 100 kg chỉ xơ dừa.

Do lần đầu tiên chế tác 2 con hổ này nên các nghệ nhân của công ty Thanh Bình cũng gần như không có kinh nghiệm. Ngay cả việc chọn chỉ, xơ dừa cũng là một kỳ công. Bởi nếu đem những loại chỉ xơ dừa truyền thống bện vào thì thân hổ sẽ không được thẳng mượt như mong muốn. “Con hổ mà mình xù xì thì ai coi”, ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, nói.

Việc làm khung để kết chỉ xơ dừa thành hình hổ cao 2m đã khó nhưng làm sao để phủ được lớp lông giống như màu lông hổ bên ngoài còn khó hơn. Rồi phải may, dồn chỉ sao cho da thật căng, chọn nguyên liệu để làm râu, răng, và pha màu sơn sao cho toát lên được vẻ mạnh mẽ, uy nghi vốn có của hổ. Ông Tâm đã phải bỏ nhiều thời gian trao đổi, bàn bạc với các nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề trong công ty để thống nhất phương án đánh chỉ, xơ dừa riêng bằng thủ công rồi mới may, bện lại. Chỉ riêng công đoạn này đã tốn hơn nửa tháng trời và phải thử cả chục lần mới chọn được loại chỉ, xơ dừa vừa ý. Tính chung, từ ngày “khởi công” đến khi hoàn thành mất cả tháng trời. Trung bình mỗi ngày có 10 người, lúc cao điểm lên đến 20 người làm việc xuyên suốt .

Nhiều người đến tham quan đều khẳng định, hai con hổ này xứng đáng được xác lập “kỷ lục” dừa trong Lễ hội Dừa năm nay.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *